Điều ít biết về đền Quán Thánh – danh thắng nổi tiếng đất Thăng Long – Hà Nội
Thông qua hệ thống tư liệu Hán - Nôm, văn bia, văn khắc, sắc phong, hoành phi, câu đối, thơ…, sách “Quán Thánh” của tác giả Nguyễn Đức Dũng giúp độc giả hiểu hơn về lịch sử, kiến trúc, nghi lễ và sự linh ứng của hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ ở Việt Nam.
Chiều 21/5, tọa đàm ra mắt sách Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội (NXB Thế giới và Tri thứ Trẻ books liên kết phát hành) được tổ chức tại Không gian văn hóa Đông Tây (Hà Nội).
Được phát triển từ luận văn cử nhân của tác giả Nguyễn Đức Dũng (hiện là chuyên viên chính Cục Di sản - Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), sách Quán Thánh - Ký ức tư liệu Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội được TS Ngữ văn Tô Lan (Viện nghiên cứu Hán Nôm) tổ chức bản thảo. Bên cạnh đó, sách còn sử dụng gần trăm hình ảnh chụp tư liệu hiện vật của kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Trần Trung Hiếu.
Từ việc khảo sát 25 bài thơ, 15 hoành phi, 31 câu đối, 6 bia đá, một khánh đồng, một biển đồng của đền Quán Thánh, cuốn sách đem lại cho người đọc đương đại tri thức về Quán Thánh, danh thắng nổi tiếng đất Thăng Long - Hà Nội.
Đặc biệt, qua những văn bản trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới Chân Vũ quán (đền Quán Thánh), độc giả còn hiểu rõ hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ - một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long Tứ trấn gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông, thờ thần Long Đỗ; Đền Voi Phục trấn phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại vương; Đền Kim Liên trấn phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại vương; Đền Quán Thánh trấn phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Chân Vũ).
Chân Vũ, Trấn Vũ hay Huyền Vũ, dân gian thường gọi là Trấn Vũ Đại đế, Đãng Ma Thiên Tôn, là một trong những vị đại thần được Đạo giáo tôn thờ, có tầm ảnh hưởng rất lớn trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc. Khởi nguyên của thần Huyền Vũ có mối quan hệ với tín ngưỡng sùng bái các vì sao vào thời cổ đại. Người Trung Quốc cổ đại chia các hằng tinh thành 28 nhóm gọi là “Nhị thập bát tú,” căn cứ vào thời điểm chúng xuất hiện hay lặn đi để xác định bốn mùa.
Trong lịch sử Việt Nam, Huyền Thiên Chân Vũ là một vị thần có ảnh hưởng lâu dài. Theo truyền thuyết và nhiều tài liệu ghi chép lại, bên cạnh việc giúp nước chống ngoại xâm, vị thần này còn giúp dân trừ tà ma, yêu quái. Đền thờ vị thần đã được dựng ở Thăng Long từ thời Lý, sự hiển ứng của thần được truyền tụng lại còn sớm hơn so với mốc dựng đền hàng nghìn năm. Mặc dù vậy, những tài liệu còn tồn tại tới ngày nay ghi chép huyền thoại về vị thần trấn giữ phương Bắc này chủ yếu có niên đại khá muộn (thế kỉ XIX), phản ánh một quá trình bồi đắp liên tục cho hình tượng của thánh Chân Vũ.
Bên cạnh những truyền thuyết dân gian có xu hướng chứng thực việc hiển thánh của Huyền Thiên tại Việt Nam, có nhiều văn bản trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới đền Quán Thánh (Hà Nội) cũng cung cấp tiểu sử của thần.
Bên cạnh việc giúp độc giả hiểu rõ hơn hình tượng Huyền Thiên Chân Vũ ở Việt Nam, sách Quán Thánh còn giúp độc giả sẽ có được cái nhìn một cách hệ thống về di sản văn bản khắc Hán - Nôm tại đây thông qua nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, về số lượng, đây là một di tích hiện còn bảo lưu khá nhiều văn bản khắc Hán - Nôm với các thể loại phong phú, khắc trên chất liệu đá, đồng và gỗ. Cùng với đó là các hiện vật dduojc chế tác công phu, tinh xảo, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ tiêu biểu cho di tích.
Thứ hai, về tác giả, hệ thống văn bản khắc Hán - Nôm tại đền tập trung được một số lượng lớn tác giả là những nhà khoa bảng, danh nhân văn hóa… Hầu hết họ đều giữ chức vụ quan trọng trong chính quyền phong kiến triều Nguyễn và cả chính quyền thuộc địa Pháp tại Bắc Kỳ. Số lượng tác giả lên tới 88. Hệ thống tác phẩm gồm nhiều phong cách khác nhau, với trình độ sáng tác cao.
Thứ ba là về mặt niên đại. Theo nghiên cứu của nhóm tác giả, tấm bia sớm nhất là San Thánh kinh ký tiên nhân khuyến thiện bi có niên đại từ năm Đức Long thứ năm (năm 1633). Ngoài tấm bia đó, đa số văn bản khắc tại đây có niên hiệu Thành Thái thứ năm (năm 1893), gắn liền với việc trùng tu đền năm đó.
Thứ tư, xét về mặt nội dung, các văn bản này cung cấp thông tin quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của bản thân di tích, cũng như các giá trị về văn học, địa lý, lịch sử… của Thăng Long xưa nói chung và vùng Tây Hồ nói riêng.
Nhận định về cuốn sách, PGS.TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hóa cổ, thành viên Viện Hán Nôm, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ cần nhiều hơn những cuốn sách nghiên cứu về đạo giáo, đền chùa như thế này. Cuốn sách sẽ mở ra nguồn tư liệu mới, làm mới hơn nữa về lịch sử đạo giáo ở Việt Nam”.
Còn GS. TS. Đinh Khắc Thuân (nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm) thì cho rằng: “Các công trình nghiên cứu Hán Nôm được xử lý kỹ lưỡng về văn bản, chữ nghĩa cần được giới thiệu rộng rãi theo cách như cuốn sách này để có thể truyền tải tốt hơn tới công chúng. Các tác phẩm như vậy có thể giới thiệu tại các di tích, thậm chí có thể dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau để quảng bá tới du khách”.
Cùng với việc cải cách y phục tân thời, trong thập niên 1930 một số tờ báo đã bắt đầu chú trọng tới việc xây dựng...