Gìn giữ giá trị tri thức bằng việc phục chế và đóng sách nghệ thuật
Trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa Việt Nam lần I-2022, sáng 24/4 tại Đường sách Thành phố đã diễn ra buổi trò chuyện “Kỹ thuật Phục chế Sách xưa”.
Sự kiện do Con Mèo Nhỏ và Hán Nôm Đường phối hợp cùng đơn vị đồng hành Quán Sách Mùa Thu & Haydecor tổ chức. Chương trình đã thu hút đông đảo bạn đọc ở nhiều lứa tuổi đến tham dự và tương tác sôi nổi.
Buổi trò chuyện chủ đề Phục chế sách xưa diễn ra vào sáng ngày 24/4/2022
Trải qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử và dòng thời gian, những cuốn sách lâu năm rơi vào tình trạng hư hỏng, rách nát... đã được tiếp thêm sinh lực để có một cuộc đời mới nhờ vào bàn tay tinh tế, khéo léo; sự nhẫn nại và tập trung tuyệt đối của những người “bác sỹ” sách lành nghề, đầy tâm huyết.
Các cuốn sách mới xuất bản được khoác lên mình chiếc áo mới sang trọng, hay thêm thắt các chi tiết mạ vàng độc đáo càng tăng thêm phần giá trị và có thể dễ dàng bảo quản lâu dài hơn.
Diễn giả Bùi Tiến Phúc đã chia sẻ nhiều thông tin giá trị xoay quanh lĩnh vực phục hồi sách cổ
Theo diễn giả Bùi Tiến Phúc, người sáng lập Hán Nôm Đường cho biết, để “hồi sinh” thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm, người “Bác sĩ sách” phải có am hiểu sâu sắc về tài liệu đó.
Đầu tiên, là việc giải phẫu cuốn sách; ở công đoạn này, người làm công tác phục chế phải hết sức tỉ mỉ, quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in & lối đóng. Tiếp đó, là hàng loạt các kỹ thuật phục chế hết sức công phu.
Toàn cảnh buổi trò truyện với phần phát biểu khai mạc của ông Lê Hoàng, Giám đốc Cty TNHH Đường Sách TP.HCM
Tại buổi nói chuyện, “Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc tận lòng chia sẻ các công đoạn phục hồi một cuốn sách khá nhiêu khê, gồm nhiều công đoạn.
Theo bác sĩ Phúc, việc đầu tiên khá quan trọng, đó là cần khảo sát chi tiết hiện trạng của sách, ghi chép, đánh số trang & tiến hành làm vệ sinh tùy theo tình trạng và yêu cầu “cứu chữa” với những chất liệu chuyên biệt.
Kế đó là kiểm tra độ pH, khử Axit cho giấy. Một công đoạn cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ không kém là nấu hồ và tu bổ cục bộ (vá rách, bổ khuyết), bồi nền v.v..
Đặc biệt là đối với thư tịch cổ Hán Nôm, các công việc cần chuyên biệt hơn như: gấp trang, ép sách, xếp trang, cố định ruột sách bằng đinh giấy, xén sách (đối với sách bồi nền), chuẩn bị bìa sách, đục lỗ, may sách.
Còn với sách tiếng Pháp hoặc sách chữ Quốc ngữ thời kì đầu (sách đóng kiểu Tây) thì sau bước gấp trang là phải ép các tay sách; đục lỗ, may sách; phục hồi bìa; vào bìa và đóng bìa mới, bác sĩ Phúc thông tin thêm.
Anh Cao Văn Hân (đeo khẩu trang) tặng hoa diễn giả Bùi Tiến Phúc
Cùng chung niềm đam mê và nỗ lực lớn trong ngành phục chế sách, anh Cao Văn Hân, người sáng lập Con Mèo Nhỏ cho biết: “Xuất phát từ tình yêu, sự trân trọng đối với các di sản tri thức lâu đời, các thành viên của Con Mèo Nhỏ đã dành thời gian học hỏi nghiêm túc để thành thạo các kỹ thuật nhằm góp phần phục hồi, kéo dài tuổi thọ cho sách.”
Nhiều năm trong lĩnh vực sưu tầm sách, tôi đã gặp gỡ nhiều người, chứng kiến những câu chuyện xúc động xoay quanh việc gìn giữ, bảo tồn và cứu chữa những cuốn sách cổ, anh Hân chia sẻ.
Không gian trưng bày sách cổ và trưng bày dụng cụ phục chế sách
Không gian trưng bày thu hút khá đông bạn đọc yêu quý sách
Với cả trăm đầu sách cổ được xuất bản cách đây hơn trăm năm do người Pháp đem sang còn lưu giữ lại
Đặc biệt tại đây còn sưu tầm được cuốn sách quý Kim Vân Kiều tân truyện, xuất bản vào năm 1884 tại Paris, Pháp
Ông Trương Công Danh, một người "chơi" và yêu sách đứng ngắm nhìn mãi mê kệ sách cổ
Bắt gặp ông Trương Công Danh, một người "chơi" và yêu sách đang ngẩn ngơ nhìn ngắm các cuốn sách cổ, ông Danh tâm sự, tôi thường lân la sưu tầm sách cũ, nhiều khi gặp mấy cuốn sách cổ thì quý lắm nhưng điều kiện khí hậu ở mình nóng ẩm, hư hỏng khá nhiều. Đem về đa số đều long bìa hở gáy bung chỉ, mục nát hết.
Tự mình phục chế lại thì quá nhiêu khê nhưng cũng mày mò tự chế máy ép, đóng gáy, khâu trang, bọc da... nói chung là nâng niu từng chút một cũng ít nhiều thành công nhưng cực quá. Nhất là giờ đây có tuổi rồi, mắt mũi không còn tinh tường như xưa, mà sách lật giở riết cũng bục thôi đành cất để đó. Lâu lâu gom lại đem ra phục chế, tốn kém không ít mà nhiều khi không được như ý.
Hơn nữa, thợ mình chủ yếu chỉ may trang, ép gáy, đóng bìa là hết. Với những sách cổ hơn trăm năm để lâu gần như mục nát, thợ chê giấy cũ quá không làm. Ôm sách về tiếc ngẩn, tiếc ngơ đành đóng gói cất đó, hoặc gửi nhờ bạn bè ở nước ngoài đem đi phục chế, chi phí tốn kém không hề nhỏ, ông Danh cho hay.
Không gian trưng bày ngoài trời các ấn phẩm đóng bìa và dụng cụ phục chế sách
Anh Cao Văn Hân thành lập Con Mèo Nhỏ như là gian hàng đầu tiên tại đường Sách TP.HCM chuyên sâu theo mảng sửa chữa và đóng sách nghệ thuật.
Với nhiều người, một cuốn sách không chỉ là ấn phẩm đơn thuần cho việc đọc, học hỏi, giải trí mà đôi khi đó chính là kỷ vật gia truyền, chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu mà không một vật chất nào sánh được, người sáng lập Con Mèo Nhỏ tâm huyết nói.
Các ấn phẩm đặc trưng đóng theo phong cách Châu Âu với bìa bọc da, chữ khắc nhũ vàng và bìa bọc vải lụa kiểu Châu Á
Các cuốn sách cổ trưng bày thu hút đông đảo người xem
Tiếp theo là các quầy trưng bày dụng cụ phục chế sách của Hán Nôm Đường
Đếm sơ có đến cả trăm loại dụng cụ chuyên biệt, kích thước lớn nhỏ, đa dạng
Một số dụng cụ tự chế hoặc mua trong nước
Tuy nhiên, đa số đều phải đặt mua các dụng cụ chuyên dụng từ nước ngoài
Túi dụng cụ phục chế sách chuyên dụng của Nhật
Các quầy trưng bày dụng cụ phục chế thu hút đông đảo du khách tham quan, tìm hiểu
Săm soi nhìn ngắm và tìm hiểu các dụng cụ và vật liệu phục vụ công tác phục hồi sách
Tương tự, anh Trần Minh Thành, người cũng cùng sở thích sưu tầm sách; anh Thành cho hay, trước đây có thời gian qua Nhật tu nghiệp, lúc rãnh rỗi thường ghé khu sách cũ tìm mua tài liệu, sách vở… mới biết, người Nhật họ có cả một khu rộng mênh mông dành cho hội mọt sách ở Jimbocho – Thị trấn sách của Tokyo với đầy đủ các thể loại sách cũ lẫn mới, đông tây kim cổ.
Anh Thành kể: "Dọc theo Phố sách Jimbocho đó có tới hàng trăm của hàng, cửa hiệu. Đặc biệt khu này có rất nhiều cửa hiệu chuyên sửa chữa, phục hồi sách cũ khá quy mô và bài bản. Đặc biệt là với các loại sách, thư tịch cổ có niên đại hàng trăm năm, họ phục chế lại trông vô cùng mỹ mãn".
Thế nên kể từ nay, “đám mọt yêu sách” như bọn mình vô cùng hào hứng đón nhận đường Sách TP.HCM có riêng một đơn vị chuyên sửa chữa, phục chế & đóng sách nghệ thuật, mang tên Con Mèo Nhỏ, anh Thành phấn khởi nói.
Người sáng lập Con mèo nhỏ Cao Văn Hân (áo sơ mi xanh), diễn giả Bùi Tiến Phúc chụp hình lưu niệm cùng các khách mời và những người yêu quý sách
Về điểm này, người sáng lập Con mèo nhỏ, anh Cao Văn Hân cho hay, mỗi cuốn sách khách hàng mang đến Con Mèo Nhỏ được nâng niu, chăm sóc như một con người thực thụ. Những chuyên viên ở đây sẽ tìm hiểu tình trạng “sức khỏe” cuốn sách và đưa ra phương án “chăm sóc và đóng bìa” phù hợp nhất để cải thiện hiện trạng đồng thời kéo dài tuổi thọ cho sách.