Văn hóa đọc, nhìn từ những gánh sách cũ
Các gánh sách cũ trên vỉa hè từng là một nét thú vị của Huế, nhưng lâu dần, chúng biến mất để lại một khoảng trống giữa lòng phố xá.
Chừng 2 năm về trước, nếu có dịp đi ngang qua đường Nguyễn Trường Tộ, phía đối diện với Gác Trịnh, bạn sẽ bắt gặp những điểm bán sách cũ trên vỉa hè. Một chiếc bạt được trải ra, người bán sắp xếp sách theo thể loại, có đủ cho các độ tuổi lựa chọn.
Hình ảnh ba năm trước, các điểm bán sách cũ ở Nguyễn Trường Tộ đông khách vào mỗi buổi chiều đến.
Nhiều người cứ chiều, tìm đến, gọn gàng dựng xe vào khu vực đỗ xe. Họ bước đến tìm mua, đọc sách. Lâu dần, ở đó thành điểm hẹn của những người yêu sách, tạo nên một văn hóa đọc rất Huế. Người mê sách dành cả buổi chiều, dưới tán gốc cây long não, nghiền ngẫm sách như một kẻ say tình. Một vài du khách nước ngoài đi ngang, họ ghé vào, lựa chọn cho mình một cuốn sách ưa thích. Một số khác thích thú chụp ảnh. Mọi thứ vẫn cứ tuần tự diễn ra, mặc cho dòng người qua lại.
Bây giờ vì một lý do nào đó, những hình ảnh đẹp như vậy không còn tồn tại. Đó là một điều tiếc nuối cho Huế.
Điểm bán sách cũ của người đàn ông lớn tuổi nằm trên đường Phan Chu Trinh.
Điểm dừng đọc ở Nguyễn Trường Tộ không còn, bây giờ bạn có thể di chuyển khoảng một đoạn, qua bên kia cầu Phú Cam. Ở đó những tháng gần đây có một người đàn ông lớn tuổi, với những đầu sách ít ỏi của mình đã lập nên một góc bán trên vỉa hè. Nhưng người bán sách ở đó cũng thời gian bất ổn, lúc bán, khi nghỉ.
Những cuốn sách cũ đôi khi lại đem đến cho người đọc một sự thích thú, một hoài niệm. Nhiều người tìm đến với những cuốn sách vỉa hè đôi khi vì những cuốn cũ không được tái bản. Người khác tìm đến sách cũ bởi một sự eo hẹp về tài chính. Nhưng, với lý do gì thì đó đều có một điểm chung: Mê sách.
“Trạm đọc miễn phí” được các bạn trẻ Huế dựng lên dọc bờ sông Hương.
Người bán họ dành một buổi để kiếm thêm thu nhập từ những cuốn sách đã ngả màu. Nhưng không như những gánh hàng rong khác, đây không phải là nguồn thu nhập chính của họ. Có lần, tôi ghé vào vỉa hè trên đường Phan Chu Trinh, cạnh cầu Phú Cam, chọn mua cuốn “Truyện cổ Andecxen” - là một tác phẩm nổi tiếng, xuất bản năm 2006 - giá bìa 67.000 đồng.
Tôi hỏi cuốn này bao nhiêu, người bán bảo rằng: “Con đưa cho chú 20.000 đồng”. Cuốn sách dày đến gần 800 trang. Tôi hỏi: “Răng rẻ rứa?”. Chú bán sách cười hiền: “Bán cho vui thôi”.
Ở những “gánh” sách cũ người bán không đặt nặng vấn đề tài chính. Họ không nặng vấn đề hôm nay phải bán được bao nhiêu cuốn để có được lon gạo, một chút ít thức ăn. Họ bán theo kiểu “cho vui”. Thành ra nhiều người đến đó, ngồi đọc rồi không mua sách cũng chẳng ai trách cứ. Nhưng thường người đọc nghiền ngẫm sách một hồi rồi cũng mua luôn. Đôi khi, cuốn sách đó chưa hẳn họ muốn, nhưng họ mua bởi một nét văn hóa, bởi một sự chia sẻ, bởi cũng có đôi lúc người thân cần đến.
Việt Nam nằm trong danh sách những nước có tỷ lệ đọc ít nhất thế giới. Trong top 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới có 3 quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, không có Việt Nam. Ông Lê Hoàng, phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, đưa ra một thống kê rằng, trong 7 năm từ 2014 - 2021 tỷ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Chúng ta đang dành rất ít thời gian cho việc đọc sách.
Dọc sông Hương, trước đây cũng hay có một số bạn trẻ dựng lên những “Trạm đọc” cho người mê sách, thích đọc. Họ dựng lên trạm đọc và hi vọng lan tỏa văn hóa đọc đến với mọi người, đến với giới trẻ.
“Trạm đọc miễn phí” được các bạn trẻ Huế dựng lên dọc bờ sông Hương.
Vào mỗi cuối tuần, đi dọc công viên bờ nam sông Hương, sẽ dễ bắt gặp những “Trạm đọc sách miễn phí” như thế này của các bạn trẻ. Dự án này là của Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Dịch bệnh đến, các “Trạm đọc” này phải dừng. Và, hiện nay đang đổi phương thức hoạt động, điều chỉnh lại. Không gian của “Trạm đọc” hiện được đưa về khuôn viên của Viện, sắp đến sẽ hoạt động mô hình điểm đọc công cộng.
Trước đây, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phan Ngọc Thọ trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông cũng đã đề cấp đến việc xây dựng “Tủ sách Huế”, để lan tỏa văn hóa đọc, quảng bá văn hóa Huế.
Những con đường sách cũng đã một lần dựng lên ở Huế, nhưng vì một vài trục trặc, nó đã không được thành công. Sự tiếp nối, hay một dự án khác sẽ được tiếp tục trong nay mai, khi Huế muốn lan tỏa việc đọc sách.
“Trạm đọc miễn phí” được các bạn trẻ Huế dựng lên dọc bờ sông Hương.
“Trạm đọc sách miễn phí” của các bạn trẻ Huế, “Tủ sách Huế” của lãnh đạo địa phương, hay những “gánh” sách cũ được bày bán trên vỉa hè suy cho cùng đều có một thông điệp chung: mang lại văn hóa đọc cho mọi người.
Trong tất cả ba cái ở trên mà Huế đã và sẽ có được, cá nhân tôi vẫn thích những vẻ đẹp bình dị của người mua, kẻ bán sách cũ ở một vài điểm đường trong lòng trung tâm thành phố Huế. “Gánh” sách cũ đó, không hẳn ở nó chỉ là nhu cầu mưu sinh, mà trên đó còn là cả một “gánh” kiến thức, một nét văn hóa và một nguồn tri thức bất tận.
Đôi khi, chúng ta phải mất công nghĩ suy để làm ra một điểm đọc thật công phu, phức tạp nhưng sự tiện nghi và hiệu quả chưa hẳn được như các điểm bán sách cũ trên vỉa hè. Thật tiếc, bởi các “gánh” sách cũ đang dần dần biến mất.
Tại sự kiện Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2022, First News cùng CIDI đồng hành ra mắt mô hình tích hợp văn hóa đọc...