Chuyến bay 30 tiếng đến Phuket trong dịch của cặp đôi Việt - Mỹ
Tới Thái Lan sau chuyến bay phải quá cảnh 2 chặng, Rosie và Houman thở phào nhẹ nhõm. Theo họ, thủ tục xin visa có phần phức tạp nhưng việc nhập cảnh ở sân bay lại rất dễ dàng.
Rosie Nguyen (tên thật Nhung Nguyễn, 26 tuổi, Cần Thơ) làm quen với lối sống du lịch và làm việc online (digital nomad) từ 2018. Ba năm qua, cô và bạn trai Houman Abouei (đến từ Mỹ) đồng hành trong những chuyến đi xa. Họ lập trang@livinglistjourney và mở kênh video để chia sẻ kinh nghiệm du lịch cũng như lan tỏa lối sống digital nomad.
Sau 4 tháng khám phá Mỹ và Mexico, tôi cùng bạn trai vừa quay trở lại châu Á. Chúng tôi chọn Thái Lan là điểm dừng chân đầu tiên vì đây là đất nước cả hai đều yêu thích.
Trước đây, chúng tôi từng đến Thái Lan nhưng vẫn mong được khám phá nhiều hơn về xứ sở chùa Vàng. Tôi cũng muốn ở gần Việt Nam để khi quê hương đón khách du lịch trở lại thì có thể về ngay.
Bên cạnh đó, ở thời điểm chúng tôi tính về lại khu vực Đông Nam Á, chỉ có Thái Lan mở cửa du lịch với chương trình Sandbox. Theo đó, khách du lịch sẽ đến Phuket mà không cần cách ly. Chỉ cần 7 ngày ở trên hòn đảo này, sau 7 ngày xét nghiệm lại âm tính, du khách sẽ được tự do đi đến các nơi khác.
Đó cũng là lý do chúng tôi đến Phuket thay vì nơi nào khác.
Rosie và Houman vừa trải qua 4 tháng ở Mỹ và Mexico.
Xin visa có phần phức tạp
Chúng tôi xin visa du lịch tại Đại sứ quán Thái Lan tại Mexico. Visa này cho phép chúng tôi ở Thái Lan khoảng 3 tháng.
Trước đó, khi nghe về chương trình Sandbox, chúng tôi liên hệ với Đại sứ quán để xin thêm thông tin và hướng dẫn chi tiết.
Chúng tôi cần điền khá nhiều thủ tục khác nhau để xin visa. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi email cho Đại sứ quán để nhận đơn phê duyệt trước (pre-approval).
Sau đó, chúng tôi cần in tất cả giấy tờ bao gồm thông tin chuyến bay, bảo hiểm sức khỏe chấp nhận điều trị Covid-19, chứng minh tài chính, chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine rồi mang đến nộp trực tiếp ở Đại sứ quán kèm hộ chiếu.
Rosie và bạn trai phải ở lại Phuket 7 ngày trước khi di chuyển tới địa điểm khác.
Khoảng một tuần sau, chúng tôi được cấp visa và bắt đầu làm thủ tục xin phép nhập cảnh theo chương trình Phuket Sandbox. Sau đó, chúng tôi book khách sạn đã được SHA+ chứng nhận.
Trước khi lên máy bay, chúng tôi cũng phải làm xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ. Khi đến Phuket, chúng tôi sẽ test thêm lần nữa ở sân bay (có thể book trước hoặc đến thanh toán trực tiếp).
Sau đó, chúng tôi được xe của khách sạn đến đón và không được rời khỏi đây cho đến khi có kết quả xét nghiệm (khoảng 8-12 tiếng sau).
Vấn đề vé máy bay thật ra không hề khó khăn. Sau khi có các giấy tờ cần thiết cũng như visa, chúng tôi đặt vé từ Mexico về Phuket bình thường. Chỉ có điều, chúng tôi phải quá cảnh 2 chặng (ở Mỹ và Đức) nên chuyến bay kéo dài hơn 30 tiếng.
Khi về đến Thái Lan, chúng tôi cảm thấy rất thoải mái. Nếu thủ tục xin visa trước đó có phần phức tạp, quá trình nhập cảnh ở sân bay lại rất dễ dàng. Mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ lưỡng và luôn có đội ngũ ở sân bay để hỗ trợ khách tham quan.
Đây có lẽ là chuyến bay dài và đáng nhớ nhất của chúng tôi.
Gần như mở cửa hoàn toàn
Thái Lan luôn là điểm đến hot cho khách du lịch nên khi quốc gia này thông báo mở cửa không cách ly, có khá nhiều người đến đây.
Tôi nhớ khi vừa xuống sân bay Phuket, sau đó cũng có vài chuyến bay đáp xuống. Tuy đông đúc, mọi thứ đều được chuẩn bị sẵn ở sân bay, một phần cũng để du khách hạn chế tiếp xúc. Nhờ đó, quá trình nhập cảnh không hề phức tạp.
Hiện, các nhà hàng, chợ, phòng gym… ở Phuket dường như đã mở cửa lại gần như hoàn toàn. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn phải tuân thủ việc đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và rửa tay sát khuẩn ở mọi nơi.
Theo Rosie, chưa có quá nhiều khách du lịch quốc tế đến Phuket.
Do mới mở lại, lượng khách đến Phuket vẫn chưa đông như trước. Đây là cơ hội để chúng tôi khám phá hòn đảo nguyên bản và trọn vẹn hơn.
Sau khi hoàn thành 7 ngày bắt buộc ở Phuket, chúng tôi ở thêm ít hôm để tham quan và tìm hiểu nhiều hơn.
Hiện tại, chúng tôi đã di chuyển đến tỉnh Krabi, cách Phuket khoảng 3 tiếng lái xe để tiếp tục hành trình khám phá đất nước vạn người mê này.
Trước đây, tôi nghe nói rất nhiều về Krabi nên nhân dịp này muốn được tận mắt chứng kiến những kỳ quan ở đây.
Xê dịch trong dịch
Trong hơn một năm qua, tôi và bạn trai đã đến 4 quốc gia: Indonesia, Mỹ, Mexico và Thái Lan.
Thực tế, việc di chuyển trong dịch không khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Một phần vì nhiều hãng bay chỉ nhận lượng khách nhất định mỗi chuyến. Thêm vào đó, hành khách được đều yêu cầu xét nghiệm PCR từ trước khi đến sân bay. Việc đeo khẩu trang suốt hành trình bay là điều bắt buộc.
Khi còn ở đảo Bali (Indonesia), chúng tôi gặp một lần phong tỏa nhưng không quá khắt khe. Mọi người vẫn có thể đi siêu thị một chút, chỉ có điều là các địa điểm tham quan du lịch đều đóng cửa. Ban đầu, chúng tôi có phần bứt rứt vì quen xê dịch thường xuyên.
Tận dụng thời gian đó, chúng tôi tập trung lo việc công ty, đọc sách, tham gia một số khóa học online để trau dồi cũng như lên kế hoạch cho những chuyến đi sắp tới và nội dung cho mảng social media. Cũng trong giai đoạn này, chúng tôi quyết định về Mỹ.
Rosie và bạn trai ở Bali 9 tháng trước khi quyết định về Mỹ.
Mỗi nơi chúng tôi đến đều để lại ấn tượng và câu chuyện đáng nhớ. Trong đó, chuyến đi ý nghĩa nhất là tôi độc hành từ Việt Nam qua Bali, còn bạn trai từ Hàn bay sang đây để đoàn tụ sau 9 tháng yêu xa.
Tôi hiểu có rất nhiều cặp đôi cũng như gia đình đã và đang trải qua giai đoạn xa cách vì đại dịch. Nếu có công việc thoải mái hoặc có thể làm việc từ xa, mọi người hãy thử cân nhắc về việc đoàn tụ ở các nước như Thái Lan, Indonesia.
Hơn một năm qua, do tình hình dịch bệnh, có khá nhiều địa điểm chúng tôi muốn đến nhưng chưa thực hiện được.
Tuy nhiên, với đam mê khám phá, chúng tôi liên tục cập nhật tin tức để xem quốc gia nào bắt đầu đón khách du lịch trở lại; vấn đề visa có khó hay không; múi giờ có phù hợp với lịch làm việc của chúng tôi hiện tại hay không.
Nếu đáp ứng được các điều trên, chúng tôi sẽ liên hệ đại sứ quán của đất nước đó để kiểm tra lại thông tin, nhất là vấn đề visa. Tôi khuyến khích mọi người liên hệ đại sứ quán của quốc gia mình đang ở để có được thông tin chính xác nhất.
Khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác, chúng tôi luôn đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay, xịt khử khuẩn tay và bất kỳ thứ gì mình đụng đến.
Đồng thời, chúng tôi luôn có sẵn những bộ kit test nhanh Covid-19 để chủ động theo dõi sức khỏe.
Trong hơn một năm qua, Rosie và bạn trai sinh sống ở quốc gia thuộc châu Á và châu Mỹ.
Dịch bệnh gây ảnh hưởng đến tất cả, chúng tôi cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, tôi cảm thấy may mắn vì có thể sống theo xu hướng digital nomad.
Chúng tôi cũng có thời gian và cơ hội để thay đổi, từ việc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, học cách nhìn mọi thứ lạc quan và tích cực hơn, cũng như quan tâm, bày tỏ nhiều hơn với người thân trong gia đình.
Giai đoạn này cũng giúp chúng tôi trân quý hơn những chuyến đi, tận hưởng trọn vẹn mọi nơi có thể đến. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội làm việc ở những dự án mới.
Nhờ đại dịch lần này, tôi hy vọng nhiều người biết đến và có hứng thú với lối sống digital nomad hơn.
3 năm theo đuổi để chụp được bức báo tuyết ẩn mình, 6 năm chờ đợi để chụp được cú bổ nhào vuông góc của chim...