Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tất cả mọi việc đã được người dân ở vùng hạ lưu sông Lam, Nghệ An chuẩn bị sẵn sàng, cả làng đang ngày đêm chờ đợi, "lộc trời" tràn về nhà nào nhà đó bắt, sau đó đem bán kiếm tiền triệu.

Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu - 1

Người dân mang lưới, cọc tre ra ruộng giăng kín khắp các cánh đồng ven sông Lam để chờ rươi

Năm nào cũng vậy, cứ đến cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch, người dân xã Châu Nhân lại mang lưới, cọc tre ra ruộng giăng kín khắp các cánh đồng ven sông Lam để chờ rươi, một loại đặc sản nơi đây, giá cả khá đắt đỏ 400.000 - 500.000 đồng/kg. 

Đến mùa rươi, mỗi tháng rươi nổi lên mặt ruộng 1 - 2 đợt, bà con gọi là "đại hội" rươi. Những ngày nước lên, đêm nào bà con cũng thức để canh rươi, vì không biết chính xác rươi lên ngày nào. Ai bỏ lỡ cơ hội rươi lên ruộng coi như thiệt hại nặng nề.

Người đi săn rươi dường như thường xuyên phải đứng dưới ruộng để đắp bờ, dằn lưới sửa trủ, vớt rươi... Những đêm mưa gió, săn rươi rất vất vả vì phải dầm mình trong nước lạnh tê cóng.

Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu - 2

Những dải lưới được kéo trên ruộng tạo thành những vệt bùn dài, nên người dân địa phương thường gọi kéo lưới là kéo tướt

Phần lớn ruộng rươi ven sông Lam đều thấp, lúc nước thủy triều dâng thường ngập hết bờ, do đó bà con phải mua lưới cao tầm 1,2m trở lên để giăng. Mỗi thửa ruộng rươi đều trừ lại 1 cửa trộ, hay cửa cống để đặt trủ hứng rươi. Nhiều khi họ phải đào cống thoát nước qua đường. 

Lưới khoanh rươi thường được người dân giăng trên ruộng tầm 2 - 3 tháng. Đầu vụ rươi, đưa lưới đi giăng, cuối vụ rươi thì thu lưới về cất. 

Người dân thường phải canh lấy trủ lưới nơi góc ruộng nhà mình để lấy rươi kịp thời. Khi nước rút rươi trên ruộng sẽ trôi theo dòng nước dồn vào trong trủ. 

Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu - 3

Trước khi vào vụ rươi, bà con thường đưa lưới cũ ra kiểm tra, vá lại những chỗ bị hỏng. Nhiều nhà phải đi xin hoặc mua tre về làm cọc để giăng lưới vì cần rất nhiều

Một người dân ở xã Châu Nhân cho biết, mấy năm trước, nhà bà làm 3 sào ruộng, mùa rươi đã ra đồng canh rươi mấy ngày, đến lúc một mệt mỏi, định thôi thì đêm hôm đó lại có "đại hội" rươi, rươi nổi đỏ ruộng, gia đình bà vớt được hơn 40 kg. Năm nay cũng sẽ chia nhau ra canh.

Hai xã Châu Nhân và Hưng Lợi có hàng trăm ha ruộng có thể khai thác rươi. Rươi ở đây béo, vàng, chất lượng tốt, được giá trên thị trường. 

Bà con vớt được rươi, vừa khiêng lên ruộng đã có lái buôn đến mua, không phải đưa đi chợ bán. Hàng đêm, tuy phải thức canh rươi, dầm mưa gió rét, nhưng nhà nào nhiều ruộng, trúng rươi, cũng kiếm được tiền triệu.

Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu - 4

Sau khi giăng lưới trên ruộng cạn, bà con thường khiêng đất lấp kín chân lưới, đảm bảo lưới không bị nổi, hở khi nước sông dâng, rươi ra ngoài

Với người dân “làng rươi”, công việc thu hoạch rươi quan trọng hơn trồng lúa. Trồng lúa với họ chỉ để cho vui, vụ chiêm thì đủ gạo ăn, vụ mùa không đủ tiền thuê máy dập, máy gặt. Cả năm người dân ở đây cũng chỉ mong đợi mấy ngày rươi.

Mỗi mùa rươi như vậy, hộ nhiều thu được hàng trăm triệu, hộ ít cũng hàng chục triệu đồng. Cánh đồng rươi của bà con mỗi năm mang lại hàng tỷ đồng cho người dân, gấp cả trăm lần trồng lúa, trồng hoa màu.

Cả làng thức đêm, hồi hộp canh đón "lộc trời", bán tiền triệu - 5

Rươi là thực phẩm giàu đạm, chế biến được nhiều món ăn ngon

Không chỉ có hương vị thơm ngon, các món chế biến từ rươi còn có giá trị dinh dưỡng cao, rất được thực khách ưa thích. 

Rươi là đặc sản chỉ có ở miền Bắc. Mùa thu hoạch rươi lại chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian rất ngắn. Vì vậy món ăn này khá mắc tiền.

Rươi là thực phẩm giàu đạm, chế biến được nhiều món ăn ngon như: luộc, kho, xào, cuốn lá lốt, nấu canh măng… Trong những món rươi tươi, chả rươi là một món ăn hấp dẫn. Về “làng rươi” ngày lạnh, được thưởng thức món chả rươi béo ngọt thơm lừng, nhâm nhi ly rượu gạo đồng quê thì quá “đỉnh” với khách phương xa.

Gắn bó với rươi từ bao đời, người “làng rươi” còn đúc rút được nhiều kinh nghiệm để chế biến rươi thành những món ăn dần, trong đó mắm rươi là một đặc sản. Mỗi mùa rươi, gia đình nào cũng dành khoảng 10 kg rươi làm mắm để ăn, để tặng và dư thì để bán với giá lên tới 500 nghìn/chai loại 650ml.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc. Ảnh: Huy Thư

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.