Vườn quốc gia Núi Chúa được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khu DTSQTG Núi Chúa là “ngôi nhà chung” của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới.

Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, hồ sơ đề cử Khu dự trữ Sinh quyển thế giới Núi Chúa (Ninh Thuận) đã được thông qua và chính thức được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 15/9/2021.

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên; Đa dạng sinh học; Giá trị văn hóa bản địa. Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc Phát triển; Bảo tồn thiên nhiên; Văn hóa bản địa và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc.

Vườn quốc gia Núi Chúa được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới - 1

Du khách tham quan Công viên đá VQG Núi Chúa

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích 106.646,45 ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển, bán sa mạc và là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là nơi sở hữu nhiều giá trị về đa dạng sinh học rừng, biển với các loài động, thực vật quý hiếm, cảnh quan thiên nhiên đa dạng mang những nét đặc trưng riêng của vùng khí hậu khô hạn ven biển của Ninh Thuận.

Vườn quốc gia Núi Chúa được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới - 2

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa có tổng diện tích 106.646,45 ha

Khu DTSQTG Núi Chúa là “ngôi nhà chung” của hơn 1.511 loài thực vật, trong đó có 54 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN); 765 loài động vật, trong đó có 46 loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới. Ngoài ra, với ưu thế sở hữu 40km đường biển bao quanh, Núi Chúa tự hào là nơi có rạn san hô ven bờ lớn nhất Việt Nam với trên 350 loài san hô và hàng trăm loài động vật biển.

Đặc biệt, Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi xuất hiện nhiều loài động vật quý hiếm có tầm quan trọng quốc tế như rùa biển, voọc chà vá chân đen, cheo cheo lưng bạc, hiện đang được bảo tồn bảo vệ nghiêm ngặt. Nơi đây được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất Việt Nam với lượng mưa thấp, nắng nóng quanh năm đã hình thành nên một hệ sinh thái bán khô hạn đặc trưng. Vườn quốc gia Núi Chúa còn được biết đến với cái tên “Thảo nguyên cây gai” có một không hai tại Việt Nam. 

Vườn quốc gia Núi Chúa được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới - 3

Trải nghiệm trekking trong VQG Núi Chúa

Nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn có Vịnh Vĩnh Hy, là một trong tám vịnh đẹp nhất Việt Nam được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Ngày 7/1/2020 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số 44/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh, Vịnh Vĩnh Hy thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. 

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa và Di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh Vịnh Vĩnh Hy được công nhận sẽ góp phần quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người và văn hóa bản địa của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế. Những kết quả được ghi nhận không đơn thuần chỉ là danh hiệu, mà đây là cơ hội, tiền đề vững chắc để tỉnh Ninh Thuận xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn kết hài hòa, thân thiện giữa con người và thiên nhiên; Kết hợp cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho Nhân dân.

Vườn quốc gia Núi Chúa được công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới - 4

Tham quan Vịnh Vĩnh Hy bằng tàu đáy kính ngắm san hô

Bà Lê Huyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, mục tiêu dài hạn của Khu DTSQ Núi Chúa là bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học của khu vực đồng thời với nâng cao đời sống cộng đồng dân cư địa phương, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương theo hướng phát triển bền vững. Định hướng là phát triển bền vững theo hướng cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ, trên cơ sở tăng nhanh tỷ trọng kinh tế tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp.

Cùng với các hoạt động du lịch sinh thái, giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng, tỉnh sẽ tập trung những hoạt động kinh tế xanh nhằm thực hiện các mục tiêu đề bào tồn và phát triển Khu DTSQ Núi Chúa đã đề ra.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tấn An. Ảnh: Hữu Long

CLIP HOT