Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á
Kinh tế số của Việt Nam đóng góp 16,5% vào GDP, với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài năm 2023.
Dự báo về tăng trưởng của hoạt động kinh tế số tại khu vực ASEAN và Việt Nam, các chuyên gia HSBC cho rằng dù đang trong giai đoạn được xem là ”mùa đông gọi vốn”, Đông Nam Á vẫn là nơi có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế số của khu vực đã gia tăng 12% vào năm ngoái, và dự kiến sẽ ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 16% 1 , đạt giá trị gần 1.000 tỷ USD cho đến năm 2030.
Tiềm năng này được thúc đẩy một phần nhờ dân sốlên đến 700 triệu người của khu vực Đông Nam Á, mà phần đông là dân số trẻ, có giáo dục và am hiểu công nghệ. Đặc biệt, tập người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.
Việt Nam có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ASEAN từ năm 2022 và dự kiến ở vị trí dẫn đầu đến 2026
Cả bà Amanda Murphy, Giám đốc Khối khách hàng Doanh nghiệp HSBC châu Á - Thái Bình Dương và ông Ahmed Yeganeh, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam cùng chia sẻ tại Hội nghị Đầu tư Toàn cầu do HSBC tổ chức trong tháng 4, từ sự quan tâm của khách hàng, HSBC nhận định thị trường ASEAN trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Nhận định này cũng được phản ánh qua kết quả khảo sát gần đây tổ chức tài chính này thực hiện với các doanh nghiệp hoạt động tại ASEAN, với 74% trong số họ có ý định tăng cường đầu tư vào khu vực này trong năm 2024.
Với riêng Việt Nam, theo các chuyên gia HSBC, Việt Nam chính là đất nước có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ASEAN liên tục trong các năm 2022, 2023 và sẽ duy trì vị trí này cho đến năm 2025.
Việt Nam cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng internet. “Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, báo cáo của HSBC nêu.
Sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam đang gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư, khi năm 2023, lĩnh vực này đã đóng góp 16,5% vào GDP, với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022.
Trong khảo sát gần đây của HSBC, có 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết họ dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Những công ty này tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ giúp họ đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng về sự tiện lợi, hiệu quả hoạt động.
Để duy trì sự tăng trưởng, theo các chuyên gia HSBC, các công ty kinh tế số sẽ cần tập trung vào kiểm soát chi phí và tăng doanh thu. Cùng với đó là xem xét lại cách gọi vốn để quản lý chi phí vốn và đảm bảo doanh nghiệp sẽ trụ vững lâu dài.
Việc tăng cường hợp tác với những đối tác ở các thị trường khác cũng cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động xuyên biên giới, hoặc phát triển năng lực của họ mà không cần phải tự mình đầu tư một khoản lớn, tất nhiên phải lựa chọn đối tác phù hợp mới có thể tăng cường uy tín cho doanh nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn đối với khách hàng.
Khi nền kinh tế số của ASEAN mở rộng, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp kinh tế mới lẫn truyền thống. Việc giúp khách hàng dễ dàng thanh toán thông qua các nền tảng số của doanh nghiệp có thể là một yếu tố quan trọng tạo ra doanh thu trong những năm tới.
Cứ 2 giây lại có 1 người gia nhập tầng lớp trung lưu Sự phục hồi kinh tế đang thúc đẩy tiêu dùng khu vực ASEAN đang ngày càng thịnh vượng hơn, khi trung bình cứ hai giây lại có một người tham gia vào tầng lớp trung lưu khu vực này. ASEAN sở hữu một trong những tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật số cao nhất thế giới, trong khi thương mại điện tử đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 tỷ USD vào 2023. |
TPHCM xác định năm 2024 kinh tế số chiếm tỷ trọng 22%, đến năm 2025 chiếm tỷ trọng 25%, bằng với chỉ tiêu nghị quyết...