Vẫn trông chờ khách nội địa

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù kỳ vọng nhiều vào khách quốc tế khi Việt Nam dự kiến mở cửa đón du khách quốc tế vào ngày 15/3 nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn tập trung khai thác thị trường khách nội địa do dịch vẫn phức tạp và căng thẳng giữa Nga - Ukraine.

Vẫn trông chờ khách nội địa - 1

Đoàn khách Nga đầu tiên đến Khánh Hòa sau dịch vào ngày 26/12/2021. Ảnh: MINH CHIẾN

Con đường hồi phục du lịch quốc tế của doanh nghiệp chưa chính thức mở cửa đã gặp trắc trở bởi các doanh nghiệp sẽ gần như mất hoàn toàn thị trường Nga do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine. 

Trong khi đó du lịch bằng đường biển cũng không khả quan hơn do các hãng tàu đã thông báo hủy lịch trình đưa khách vào Việt Nam từ tháng 3 đến tháng 9 do lo ngại biến chủng Omicron.

Lo mất thị trường khách Nga

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quốc Đại, trưởng phòng điều hành Công ty TNHH thương mại và du lịch Anex Việt Nam (chuyên đưa khách Nga sang Việt Nam), cho biết thị trường khách Nga đến Khánh Hòa vẫn chưa biến động nhiều trước cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine. Các tour đưa khách sang Khánh Hòa vẫn diễn ra theo kế hoạch. 

Trong đó công ty sẽ tổ chức chuyến bay gần nhất vào ngày 3/3 với khoảng 320 khách Nga. Dù vậy do đồng rúp của Nga đang bị giảm giá mạnh, khiến cho giá tour tăng cao, những người Nga có thu nhập trung bình và thấp sẽ khá khó khăn trong việc đi du lịch.

Bà Hoàng Thị Phong Thu, chủ tịch Công ty TNHH Lữ hành Pegas Misr Việt Nam (Pegas Misr Việt Nam), cho biết doanh nghiệp này vẫn chưa đưa khách Nga sang Việt Nam do đang đợi quy định thống nhất chung khi mở cửa du lịch hoàn toàn trở lại. 

Doanh nghiệp chỉ mới tuyển dụng lại nhân sự, nhưng nhiều lao động chăm sóc khách hàng là người Nga, Belarus... vẫn chưa thể sang Việt Nam làm việc do quy định nhập cảnh.

Ông Trần Minh Đức, chủ tịch Hội Lữ hành Khánh Hòa, cho biết Nga là thị trường khách quốc tế chiếm tỉ trọng lớn tại Khánh Hòa, chỉ sau Trung Quốc, vào thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Sau hai năm "ngủ đông", các chuyến bay đưa khách Nga có "hộ chiếu vắc xin" đã quay trở lại. 

Nhưng Việt Nam mới chỉ dừng ở bước chuẩn bị mở chính thức nên các thị trường như Nga, châu Âu vẫn chưa đưa Việt Nam vào danh sách điểm đến. "Các doanh nghiệp chưa triển khai tour, tuyến kinh doanh nên chưa chịu thiệt hại gì. Khách Nga tới Việt Nam thời gian gần đây chủ yếu theo các chuyến bay charter, có thể ở những vùng cách xa khủng hoảng", ông Đức nói.

Tuy nhiên, theo ông Đức, khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới du lịch. Hơn nữa khi bị Mỹ và các nước phương Tây cấm vận, nền kinh tế của Nga có thể sẽ bị ảnh hưởng, người Nga có thể giảm đi du lịch, trong đó có du lịch Việt Nam. 

"Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định mở cửa trở lại để doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tour tuyến... đưa khách quốc tế sang Việt Nam, trong đó có nhiều thị trường tiềm năng như Nhật, Hàn Quốc, Mỹ...", ông Đức đề nghị.

Vẫn trông chờ khách nội địa - 2

Nhân viên của một doanh nghiệp trong tour du lịck Mice. Ảnh : V.T

Tập trung khách nội

Ông Phạm Hà, chủ tịch Lux Group, cho biết dù đặt mục tiêu tăng trưởng 50% so với năm 2019 và dồn toàn lực vào bán hàng, phục hồi khách quốc tế và quốc nội nhưng COVID-19 cũng làm cho doanh nghiệp nhận ra 100 triệu dân Việt Nam là một thị trường du lịch cao cấp rất lớn và ngày càng có gu. 

"Nhiều sản phẩm của chúng tôi trong các ngày dịp Tết Nhâm Dần vừa qua kín chỗ và đến nay, trong kế hoạch đặt tour, nhiều ngày hè năm nay 2022 đã không còn phòng", ông Hà nói.

Với tình hình hiện nay, các doanh nghiệp vẫn tập trung vào thị trường nội địa, trong đó những bước khởi sắc đáng kể là đến từ du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị). 

Đại diện Vietravel cho biết chỉ riêng tại TP.HCM, trong tháng 2/2022 có khoảng 150 đoàn với gần 9.000 khách tham gia tour du lịch MICE với các hoạt động teambuilding, gala dinner tại các điểm đến an toàn như: Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu (Hồ Tràm, Long Hải), Đà Lạt, Phan Thiết...

Trong đó, đạt kỷ lục nhất là của một doanh nghiệp bảo hiểm với gần 2.000 khách tham quan Phú Quốc kết hợp teambuilding và gala dinner. "Chúng tôi cũng dự kiến trong tháng 3/2022 sẽ có khoảng 220 đoàn khách MICE với số lượng trên 11.000 khách của các doanh nghiệp lớn tham gia...", đại diện Vietravel lạc quan.

Dự kiến trong quý 1 và 2, Lữ hành Saigontourist cũng phục vụ hơn 150 đoàn khách MICE, trong đó có đoàn khách kỷ lục 2.200 khách đi Long Hải. Tương tự TST tourist, Benthanhtourist... cũng đang bận rộn với các tour du lịch dành cho người lao động, đối tác, khách hàng của các doanh ngghiệp. 

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist, đánh giá: "Trong khi tâm lý người dân còn ngại đi tour vì dịch bệnh, du lịch MICE hồi sinh sớm hơn đã đem đến tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp du lịch", ông Yên đánh giá.

Ông Bùi Thế Duy, giám đốc Lửa Việt tours, cho rằng đây là thời điểm các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động team building để kết nối lại sau thời gian giãn cách và tour MICE sẽ là sản phẩm chủ đạo, kéo dài đến cuối tháng 4, sau đó là kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. 

"Chúng tôi vẫn lấy thị trường nội địa làm động lực chính để phát triển trong thời gian tới mà không quá trông đợi vào việc mở cửa quốc tế. Bởi các thị trường xa như châu Âu, Mỹ... vẫn đang theo dõi các quy trình thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam", ông Duy cho biết.

Du lịch đường biển cũng gặp khó

Cùng với đường hàng không và đường bộ, du lịch đường biển là một trong ba tuyến du lịch sẽ được Việt Nam mở cửa hoàn toàn từ ngày 15/3. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Anh - chủ tịch HĐQT Công ty du ngoạn Việt, thị trường khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, sau khi Việt Nam mở cửa cho du khách quốc tế từ ngày 15-3 thì một số hãng tàu sẽ đưa khách vào Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay các hãng tàu đã thông báo hủy lịch trình cho các chuyến từ tháng 3 đến tháng 9 vì lo ngại biến chủng mới Omicron. "Riêng lịch chạy từ tháng 10 vẫn đang được giữ nguyên, chúng tôi kỳ vọng đến lúc đó các booking khách sạn, dịch vụ... vẫn được triển khai", ông Anh nói.

Theo ông Bùi Thế Duy - giám đốc Lửa Việt tours, một số thị trường trọng điểm chưa khuyến khích người dân đi du lịch quốc tế. "Ở chiều outbound - đưa người Việt Nam đi nước ngoài - mới chỉ có 14 quốc gia trên thế giới công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng cho Việt Nam. Do đó du lịch quốc tế vẫn còn rất khó", ông Duy nhận định.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Minh Chiến - Như Bình (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT