Du lịch, hàng không: Nên mở sớm, mở thoáng, mở thật
Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỷ USD doanh thu từ khách quốc tế, vì vậy chúng ta cố gắng mở càng sớm, càng rộng càng tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt.
Đó là chia sẻ của ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - tại tọa đàm "Hàng không Việt mở lại bay quốc tế: Động lực mới, cơ hội mới" tổ chức chiều 24/2.
Vị chuyên gia này cho rằng, đừng coi Covid-19 như rào cản để hạn chế mở cửa bởi thực sự, nó không phải rào cản. “Nên khôi phục hoàn toàn bình thường các hoạt động du lịch, hàng không... Đừng để loay hoay mãi với Covid-19 rồi chẳng đi đến đâu", ông nói.
TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB). Ảnh: BAV
Về thời điểm mở cửa, ông Lương Hoài Nam nhận định, Việt Nam đã thí điểm, mở cửa đón du khách quốc tế quá chậm và cẩn trọng. Trong khu vực, Thái Lan thí điểm từ tháng 7, đón chính thức khách hơn 60 quốc gia từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 12, Lào mở cửa với 131 nước, còn Campuchia không cần thí điểm đón khách luôn từ tháng 11.
"Cần cố gắng mở càng sớm càng tốt, càng rộng càng tốt, điều kiện mở càng thoáng càng tốt. Trước đây, cứ 2 tuần Việt Nam thu được 1 tỉ USD doanh thu từ khách nước ngoài. Trong khi 2 năm Việt Nam bị đình trệ, vì vậy Chính phủ nên mở thoáng, mở thật cho hàng không đón khách quốc tế", ông Nam nói.
Theo ông, số lượng 9.000 khách Việt Nam đón trong thời gian thí điểm cũng chỉ tương đương với công suất phòng của một cơ sở lưu trú lớn trong nước. Ông cho rằng, số lượng ít như vậy vì các điều kiện du khách cần đáp ứng để vào Việt Nam quá khó khăn.
Ông Nam nhận định, điều kiện tiên quyết để phục hồi du lịch quốc tế là phải phục hồi chính sách visa như trước dịch để thu hút du khách. "Cần mở rộng hơn nữa về diện miễn visa với các nước EU, Australia, New Zealand, thay vì chỉ có 13 nước như hiện nay. Với các thị trường khổng lồ như Mỹ, Hàn Quốc, nếu chưa thể miễn visa ngay, có thể xem xét cấp visa dài hạn", Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho hay.
Một vấn đề nữa mà vị chuyên gia này đưa ra là việc quá tải hạ tầng hàng không sân bay. "Đại dịch đã làm chúng ta quên mất câu chuyện đau đầu trước đây là quá tải hạ tầng sân bay. Tuy nhiên, với sự phục hồi nhanh chóng hàng không, du lịch, thời gian tới, câu chuyện này sẽ sớm trở lại", ông Nam nói.
Theo ông Nam, Việt Nam có 21 sân bay nhà nước làm và 1 sân bay tư nhân ở Vân Đồn, tổng cộng 22. Nhìn số lượng nhiều, nhưng công suất 22 sân bay mới được 75 triệu khách/năm. Con số này chỉ bằng 1 sân bay Changi của Singapore. Sân bay thì nhiều nhưng nhỏ, tổng cộng công suất không được bao nhiêu. Muốn có sự phục hồi phải có sự phát triển tương xứng. Nếu không thì sân bay rồi lại sẽ thành điểm nghẽn.
"Cái gì tư nhân làm được nên để họ làm. Họ làm ở sân bay Vân Đồn rồi. Quan điểm của tôi là cố gắng giảm thiểu mọi thủ tục mà doanh nghiệp, người tiêu dùng, du khách phải thực hiện. Có chuyện ở Việt Nam như thế này, đó là sinh ra thủ tục là có tiêu cực. Có thủ tục là có trục lợi. Tại sao tôi nói nhiều về visa, không chỉ vấn đề chi phí, thủ tục đó sinh ra đủ thứ trên đời, ảnh hưởng đến việc mở cửa. Bỏ bớt đi thủ tục nào hay thủ tục đó. Không chỉ về vấn đề về phí, mà có nhiều thủ tục khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, du khách. Càng đơn giản hoá càng tốt", ông bày tỏ.
Năm 2022 sẽ là năm bùng nổ của du lịch Tham dự tọa đàm, travel blogger Ngô Trần Hải An, nhà báo - Tạp chí Du lịch TP.HCM, cho rằng “trong nguy thì có cơ”, mà năm 2021 đã rất nhiều nguy nan rồi. Chính cái nguy đó cho chúng ta một cơ hội để trân trọng gia đình của chúng ta, trân trọng khoảnh khắc bên cạnh nhau. Nhưng đến năm 2022, chúng ta cần đứng lên, bước ra khỏi nhà, tiếp nối những chuyến đi, những trải nghiệm, đi gặp gỡ mọi người, kết nối với thế giới bên ngoài. Travel blogger Ngô Trần Hải An, phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM "Trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, nhiều điểm du lịch như: Tây Ninh, Côn Đảo, Phú Quốc,… chứng kiến rất đông du khách tới tham quan. Thậm chí, sau khi An chia sẻ một vài bức ảnh về một ngôi chùa có 3 cây hoa vàng rất đẹp, ngày hôm sau đã có hàng nghìn người tới tham quan. Vậy nên, nhu cầu du lịch ở thời điểm hiện tại là rất lớn. Các doanh nghiệp đừng lo lắng rằng có khách hay không mà chúng ta hãy làm như thế nào để khi đến họ là du khách nhưng khi về họ sẽ trở thành một đại sứ cho du lịch Việt Nam. Nhiều hội nhóm du lịch đã được thành lập, nhiều chuyến đi đã được lên kế hoạch và được lan toả trong cộng đồng. Các doanh nghiệp hãy làm sao để hài lòng các thượng đế ngay từ bây giờ vì du lịch chắc chắn sẽ bùng nổ trong năm 2022", anh Hải An chia sẻ. |
Mở lại đường bay quốc tế đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hoá hoàn toàn...