TP.HCM xây 200km metro trong 12 năm chỉ cần cơ chế tài chính

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thành phố đặt mục tiêu hoàn thành 200km metro trong vòng 12 năm tới, một con số đầy tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi với nguồn vốn và cơ chế tài chính phù hợp.

Tại cuộc họp Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định: “Mỗi năm dành một vài tỷ USD cho metro không phải vấn đề lớn với ngân sách thành phố, quan trọng phải có cơ chế tài chính để thực hiện.”

TP.HCM xây 200km metro trong 12 năm chỉ cần cơ chế tài chính - 1

Đoàn tàu 3 toa của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chạy thử vào ngày 19/12/2023 vừa qua. Ảnh: Znews.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Thành phố không xin ngân sách Trung ương làm metro mà chỉ xin cơ chế tài chính để thành phố thực hiện. Theo ông, chỉ riêng đầu tư công năm 2024 của TP.HCM đã gần 4 tỷ USD. Các năm trước, vốn dành cho các công trình giao thông chiếm đến 70%. Do đó, mỗi năm TP.HCM bỏ ra một vài tỷ USD cho công trình trọng điểm là metro không phải quá nặng với ngân sách thành phố.

Theo quy hoạch, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM bao gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất với tổng chiều dài hơn 220km, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 25 tỷ USD. Đây là một con số khổng lồ, đặt ra thách thức lớn cho ngân sách thành phố.

Để thực hiện nhiệm vụ xây 200km metro đến năm 2035, TP.HCM đã thành lập Tổ tư vấn và nghiên cứu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Dự kiến, trong quý I năm nay, đề án sẽ được hoàn thiện để trình Trung ương.

TP.HCM xây 200km metro trong 12 năm chỉ cần cơ chế tài chính - 2

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp. Ảnh: Người Lao Động.

Theo dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD (phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, TP.HCM có thể thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.

TP.HCM cũng đề xuất được thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định.

Thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công,... để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.

Cũng tại buổi làm việc, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch đô thị, cho biết thành phố cần thành lập tập đoàn đường sắt đô thị và TOD, cần có tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng,...

Ông Ngô Viết Nam Sơn khuyến cáo Thành phố cần phải cẩn trọng trong đánh giá khả năng thu hồi vốn. Bởi huy động nguồn lực thực hiện dự án rất lớn nhưng không phải dự án đi đến đâu thì có mặt bằng, dân cư đô thị đến đó, mà phát triển TOD phải cần thời gian dài. Nguyên tắc phát triển một tuyến hạ tầng từ thu hồi đất, đấu giá đất đến thu hồi vốn về ngân sách mất rất nhiều năm.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Khánh Duy

CLIP HOT