Thu "tiền tip" khách du lịch ở Phú Quốc "nhằm bảo vệ hướng dẫn viên lẫn du khách"?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Mấy ngày qua, mạng xã hội xôn xao việc Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ra thông báo bổ sung quy chế của hội, trong đó có việc thu "tiền tip" đối với du khách.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trưa 21-3, ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP Phú Quốc, cho rằng việc này hội đã bàn bạc, họp và đi đến thống nhất hơn một năm nay nhưng do dịch bệnh nên chưa làm được. Lúc trước, hướng dẫn viên phục vụ ngày chỉ 8 giờ là khách về khách sạn, nhưng giờ phải phục vụ đến 22 - 23 giờ, thậm chí hơn, nhất là sau khi Phú Quốc đưa vào hoạt động khu thành phố không ngủ.

Chính vì vậy, thời gian phục vụ của hướng dẫn viên nhân lên nhưng không được tăng thêm tiền. Do đó, hội muốn tạo điều kiện cho hội viên được nhận thêm tiền tip tour đó nhưng chỉ áp dụng trong hội viên thôi, chứ không áp dụng chung cho tất cả hướng dẫn viên ở Phú Quốc hay hướng dẫn viên từ nơi khác đến TP này.

Thu "tiền tip" khách du lịch ở Phú Quốc "nhằm bảo vệ hướng dẫn viên lẫn du khách"? - 1

Ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP Phú Quốc

Việc áp dụng chỉ đối với khách lẻ, công ty lữ hành thuê hướng dẫn viên trong hội và tiền này được thỏa thuận ngay từ ban đầu. "Tức là, khách hàng hay công ty lữ hành liên hệ ban quản lý của hội hoặc gọi trực tiếp hướng dẫn viên thì chúng tôi đều nói rõ mức phí phục vụ. Nếu khách hàng đồng ý thì hướng dẫn viên sẽ trực tiếp nhận khoản phí này chứ hội không nhận đồng nào" - ông Tâm giải thích.

Theo ông tâm, nếu như khách hàng không đồng ý thì hướng dẫn viên của hội sẽ không nhận tour, nhường lại cho hướng dẫn viên ngoài hội. "Tôi nghĩ đây là một thỏa thuận dân sự về lao động, chúng tôi đem sức lao động ra phục vụ đến giờ đó, nếu anh chị đồng ý thì thuê, không đồng ý thì thôi, hướng dẫn viên không ép khách. Việc này rất bình thường, nó giống như mình đi thuê thợ hay người làm công đều có thỏa thuận giá trước, nếu hợp lý thì thuê, không thì thuê người khác" - ông Tâm bày tỏ.

Ông Tâm cho rằng thị trường du lịch ở một số nước vẫn áp dụng cách thu này. Tại Việt Nam thì có công ty không ghi, có công ty ghi vào thỏa thuận "tiền tour đã bao gồm tiền tip", song tiền này hướng dẫn viên và tài xế không được nhận. Mặc dù vậy, từ trước đến nay, chưa có hướng dẫn viên nào dám lên tiếng đòi quyền lợi của mình, vì ai cũng sợ này nọ.

Khi hướng dẫn viên yêu cầu đòi lại quyền lợi mà đáng lẽ họ được hưởng, ban chấp hành hội bắt buộc phải lên tiếng. "Nếu không thì hướng dẫn viên được bảo vệ cái gì, họ vào hội để làm gì? Đây chỉ là quy định trong nội bộ, chứ không phải áp dụng cho tất cả hướng dẫn viên ở Phú Quốc hay cả nước. Hội không có quyền ra quy định cho hướng dẫn viên cả nước khi đến Phú Quốc" - ông Tâm cho biết.

Chủ tịch Hội Hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp TP Phú Quốc còn cho hay mấy hôm nay, có rất nhiều đơn vị gọi đến, như: Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch, hiệp hội du lịch, 26 chi hội trong cả nước…. 

"Ban chấp hành đã giải thích rằng thông báo này chỉ mang tính chất thăm dò ý kiến của mọi người nhằm bảo vệ chung cho hướng dẫn viên lẫn du khách, chứ không bảo vệ riêng cho cá nhân nào. Thứ nhất, hướng dẫn viên làm nghề yên tâm nâng cao tay nghề, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm phục vụ tốt hợn. Hướng dẫn viên phục vụ sai điều lệ hay quy chế sẽ bị xử lý. Thứ hai, du khách sẽ yên tâm đối với hướng dẫn viên, tránh những hướng dẫn viên có ý đồ chèo kéo, hay dẫn khách đến điểm mua sắm không hợp lý, không có trong chương trình tour; hoặc tránh trường hợp khi đi tour, hướng dẫn viên vòi vĩnh tiền tip nhiều hơn" – ông Tâm phân tích.

Ông Tâm còn cho rằng khi thông báo lên, hội muốn lắng nghe mọi người góp ý làm sao cho hợp lý, dễ tiếp xúc hơn. Hội không thấy đó là sai luật, không ảnh hưởng gì đến du lịch Phú Quốc.

"Cá nhân tôi cũng là hướng dẫn viên, nếu anh liên hệ và tôi báo giá 2.000.000 đồng/ngày rồi anh cho là mắc quá thì anh có quyền không thuê, tôi hoàn toàn không ép anh. Chúng tôi thỏa thuận trên sức lao động của chúng tôi, mọi người có quyền chọn hoặc không chọn. Mọi người trả mức xứng đáng thì chúng tôi bán sức lao động, bán chất xám, bán kỹ năng để xứng đáng được hưởng số tiền đó. Chúng tôi đang bảo vệ người lao động, vì trên cả nước hiện nay có gần 40.000 hướng dẫn viên. Đây chỉ là thông báo, trước khi đi vào áp dụng chính thức thì chúng tôi sẽ đưa ra những quy định cụ thế, có thể viết ra 2-3 trang giấy để mọi người hiểu rõ hơn " – ông Tâm nói.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Công Tuấn - Kỳ Đồng - Nguyên Lâm (Báo Người Lao Động)

CLIP HOT