Omicron phủ bóng Giáng sinh phương Tây

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong khi nhiều nước châu Âu bắt đầu áp dụng các biện pháp chống dịch cứng rắn trong mùa Giáng sinh, một vài nước như Pháp chọn đứng ngoài xu hướng để quan sát tình hình và đánh cược vào tỉ lệ bao phủ vắc xin.

Giáng sinh là dịp đoàn tụ gia đình ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã phá hỏng kỳ nghỉ năm nay của nhiều người khi tại một số nước các hội chợ Giáng sinh bị hủy bỏ, trong khi những hạn chế đi lại và giới hạn tập trung đông người được áp đặt trở lại.

Hai xu hướng tại châu Âu

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra cảnh báo về Omicron vào hôm 20-12. Ông cho rằng có bằng chứng cho thấy biến thể này dễ lây hơn Delta và sẽ lan rộng nếu các nước tổ chức sự kiện đông người mừng Giáng sinh và năm mới. Theo người đứng đầu WHO, tốt hơn là hủy các sự kiện này và tổ chức sau đó "hơn là ăn mừng ngay bây giờ và đau buồn về sau".

Người Hà Lan lúc này chỉ có thể mời hai vị khách đến nhà vào Giáng sinh, theo quy định mới. Tại Đan Mạch, dù khẩu trang và các hạn chế phòng dịch đã biến mất nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công nhưng các rạp chiếu phim, công viên giải trí và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác lại bị đóng cửa vì Omicron. 

Tại Anh, chính quyền London đã hủy sự kiện đón Giao thừa 2022 dự kiến có hàng ngàn người tham gia. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang bị đặt vào thế khó khi số ca nhiễm Omicron tăng cao nhưng chưa thể áp đặt các biện pháp chống dịch mới trước Giáng sinh.

Omicron phủ bóng Giáng sinh phương Tây - 1

Trung tâm thương mại tại Pháp được trang hoàng rực rỡ trong mùa Giáng sinh 2021 - Ảnh: AFP

"Ngoại lệ của Pháp" là tít trang nhất số ra ngày 20-12 của báo Pháp Le Parisien. Chính quyền Pháp không phong tỏa, giới nghiêm hoặc đóng cửa cơ sở kinh doanh, giải trí. Paris đang đặt cược vào tỉ lệ bao phủ của vắc xin và hiệu quả của mũi 3, trong lúc Hà Lan, Đan Mạch và Anh khẩn trương ứng phó Omicron. Theo báo New York Times, Tây Ban Nha và Ý cũng chọn giữ nguyên các biện pháp chống dịch đã đưa ra trước Giáng sinh.

Ông Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế toàn cầu ở Geneva (Thụy Sĩ), nhận xét có hai xu hướng trái ngược nhau đang diễn ra ở châu Âu. Các nước Bắc Âu "chủ động hơn, hành động nhanh chóng vì không muốn bệnh viện bị quá tải". Đối với các quốc gia Nam Âu, những biện pháp hạn chế đi lại và phong tỏa "luôn là biện pháp cuối cùng".

Omicron thành biến thể trội tại Mỹ

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, Omicron đã vượt qua Delta trở thành biến thể trội tại Mỹ. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Omicron hiện chiếm 73,2% tổng số ca mới tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 18-12. Tại một số khu vực thuộc vùng tây bắc Mỹ ven Thái Bình Dương và Trung Tây, Omicron thậm chí còn chiếm hơn 90% số ca nhiễm mới.

Một số thị trưởng và thống đốc bang không quên được bài học đau đớn vào mùa xuân năm 2020, khi dịch bùng lên tại nhiều thành phố lớn sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã khác khi Mỹ đã có vắc xin, thuốc điều trị và kinh nghiệm ứng phó. Lúc này, vấn đề đặt ra cho giới chức địa phương và liên bang Mỹ là họ cần làm những gì, mức độ quyết liệt đến đâu để ngăn số ca tử vong và giữ được mùa Giáng sinh cho dân chúng?

Tại thủ đô Washington DC, ngày 20-12 chính quyền đã tái áp đặt yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà khi số ca nhiễm theo ngày nhiều hơn gấp ba lần so với đầu tháng 12. Tại Boston, nơi đang ghi nhận mức tăng số ca COVID-19 nói chung, Thị trưởng Michelle Wu yêu cầu người dân xuất trình bằng chứng tiêm chủng khi đến những nơi công cộng đông người và kiềm chế việc đóng cửa, phong tỏa cục bộ.

Thành phố New York cũng áp dụng cách tương tự, khi Thị trưởng Bill de Blasio cho rằng sẽ có những tác động "khủng khiếp" tới người dân nếu phong tỏa diện rộng trong mùa Giáng sinh. Theo ông, sách lược của New York là "hành động nhanh hơn" để đối phó tình hình lây nhiễm, tăng cường tiêm mũi 3 và năng lực xét nghiệm cũng như chuẩn bị và bảo vệ nguồn lực cho các bệnh viện.

Sự khác biệt về cách tiếp cận ở châu Âu còn xuất phát từ các cân nhắc thiệt hơn về kinh tế và uy tín chính trị, theo New York Times. "Giáng sinh năm nay cũng không vui vẻ lắm nhưng ít ra vẫn còn có không khí lễ hội so với năm ngoái, khi ấy chúng tôi còn bị bó buộc bởi lệnh giới nghiêm", sinh viên tên Sherryline Ramos chia sẻ khi đi dạo tại đại lộ Champs-Élysées ở Paris.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Linh (Tuổi Trẻ Online)

CLIP HOT