Nguồn nào thay thế khách Trung Quốc cho du lịch Việt ?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vắng bóng khách Trung Quốc, VN đang đứng trước nguy cơ rất lớn tiếp tục "vỡ kế hoạch" đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023. Ngoài việc mở rộng các thị trường khách khác, các doanh nghiệp du lịch vẫn hy vọng các nút thắt được cởi bỏ để đón dòng khách từ thị trường khổng lồ này.

Cú sốc lớn với du lịch và hàng không

Gần 1 tuần sau khi Trung Quốc chính thức công bố danh sách 20 quốc gia mà nước này cho phép tổ chức tour outbound, những người làm du lịch tại VN vẫn chưa hết hoang mang. Nhắc lại 3 lần "Nếu không có khách Trung Quốc thì thế nào?", chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, thừa nhận: "Rất gay go vì không thị trường nào thay thế được Trung Quốc, nhất là đối với Nha Trang - Khánh Hòa".

Ông phân tích: Trước dịch, khách Trung Quốc chiếm tới hơn 70% lượng khách quốc tế của tỉnh. Mặc dù năm 2022 lượng khách nội địa tăng đột biến và lác đác vài đoàn khách từ Hàn Quốc, Thái Lan, châu Âu nhưng cũng không thấm vào đâu so với số lượng thực tế tới 80.000 - 90.000 cơ sở lưu trú trên địa bàn Khánh Hòa. Sang năm 2023, lượng khách nội địa sẽ yếu dần vì khách đã dồn vào đi một vòng khắp VN sau khi bị "cùm chân" bởi dịch, họ sẽ không quay lại điểm đến nhiều lần trong năm tiếp theo, đặc biệt khi du lịch nước ngoài đã mở thoáng trở lại. Thị trường Ấn Độ đang được kỳ vọng nhưng thực tế chỉ có một vài tỉnh thành như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội đón được lượng khách ít. Còn nhiều vấn đề về sản phẩm, hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được dòng khách này, cần thêm thời gian để tạo thị trường. Cũng vì thế nên ngay cả khi du lịch nội địa đã phục hồi vượt mức năm 2019 nhưng vẫn có rất nhiều khách sạn, nhà hàng ở Nha Trang - Khánh Hòa chưa hoạt động lại. Chỉ đến khi có khách Trung Quốc, hàng loạt khách sạn lớn nhỏ mới bắt đầu tân trang lại, các nhà đầu tư khẩn trương thuê lại các ki ốt, shop house ở khu phố Tây để đón "khách ruột".

Nguồn nào thay thế khách Trung Quốc cho du lịch Việt ? - 1

Khách quốc tế đến TP.HCM những ngày đầu năm mới 2023. Theo các chuyên gia, cần có thêm các chính sách đặc biệt để đa dạng thị trường, mở rộng nguồn khách quốc tế

"Họ đã dồn hết sức lực cuối cùng cho ngày trở lại này, ai mà ngờ Trung Quốc lại không mở cho khách tới VN. Mặt bằng họ đã thuê lại rồi, số tiền lớn như vậy, không có khách thì phải làm sao? Vừa tuần trước tôi đi một vòng, tới khách sạn Viễn Kiều, khách sạn lớn nhất của hệ thống Mường Thanh tại Nha Trang, công suất 645 phòng mà mới có 40 khách, lấp chưa đầy 20 phòng. Vẫn còn trong giai đoạn du xuân sau tết mà còn ế ẩm như vậy, nếu 2 - 3 tháng nữa không có khách Trung Quốc thì e rằng doanh nghiệp (DN) du lịch Khánh Hòa khó chịu nổi", ông Nguyễn Văn Thành nói.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN (TAB), nhấn mạnh không chỉ với VN mà với tất cả thị trường du lịch trên thế giới, Trung Quốc là nguồn khách không thể thay thế. Trước dịch Covid-19, chỉ riêng Trung Quốc đã mang lại doanh thu 200 tỉ USD cho du lịch thế giới. Người Trung Quốc đi khắp nơi theo dạng khách đoàn, số lượng rất lớn. Vì thế, đây là đối tượng tranh giành của tất cả các nền du lịch, nước nào cũng "nhòm vào" miếng bánh siêu lớn này.

Trong bối cảnh điều kiện thực tế khó khăn như hiện nay, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành dưới sự chủ trì của Chính phủ, nhanh chóng có thêm các chính sách đặc biệt để VN có cơ hội đa dạng thị trường, mở rộng nguồn khách quốc tế.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Riêng với VN, lượng khách Trung Quốc du lịch theo dạng khách lẻ càng ít. Nghĩa là, Trung Quốc không cấp cho các công ty du lịch quyền tổ chức tour tới VN, đồng nghĩa chúng ta gần như không đón được khách du lịch Trung Quốc. Đây là thiệt hại rất lớn đối với thị trường du lịch và hàng không VN. Từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các DN không biết lãi là gì, thậm chí còn nợ đầm đìa vì thị trường nội địa tăng trưởng mạnh nhưng sức chi tiêu thấp. Trong khi đó, các DN hàng không đã và đang thua lỗ rất lớn, trông chờ từng ngày phục hồi thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc bởi nước này chiếm tới 1/3 doanh thu quốc tế của các hãng hàng không trước dịch.

"VN là thị trường du lịch lớn, lại là nước láng giềng mà không có trong danh sách thì quả là cú sốc lớn. Trường hợp VN vẫn chưa thể đón khách Trung Quốc thì mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế năm 2023 vô cùng khó và các DN du lịch, hàng không sẽ tiếp tục bị khó khăn đeo đẳng. Việc này nằm ngoài khả năng giải quyết của các DN. Chính phủ, các bộ cần cấp bách đối thoại với các đối tác, quan tâm xem lý do thật sự nằm ở đâu, có khả năng tháo gỡ hay không và tìm cách tháo gỡ nhanh chóng", TS Lương Hoài Nam đề xuất.

Mở chính sách để đa dạng nguồn khách

Vừa mở được 1 - 2 chuyến charter đưa khách Trung Quốc sang VN hồi đầu năm 2022, một hãng hàng không trong nước giờ cũng đang phải "bó gối" chờ khách. Theo đại diện hãng này, đặc thù các chuyến bay charter là phải có đủ khách đặt thì mới bay được. Với chỉ số ít khách thăm thân, khách công vụ được tới VN thì không đủ tổ chức các chuyến bay. Trung Quốc chiếm tỷ trọng rất lớn đối với thị trường quốc tế của hàng không VN trước dịch nên hãng bay nào cũng trông chờ thị trường này mở cửa. "Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 được dự báo còn khó khăn hơn 2022, hàng không VN sẽ tiếp tục rất khó khăn nếu vắng thêm khách Trung Quốc. Dù vậy, chúng tôi vẫn đang cố gắng chủ động kế hoạch để nối lại nhiều hơn các đường bay quốc tế. Thời gian qua, đường bay đến Úc, Đức đạt lượng khách khả quan. Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới du lịch sẽ khai thác mạnh hơn được tiềm năng từ các thị trường này", đại diện hãng chia sẻ.

Úc cũng là thị trường được ông Nguyễn Văn Thành đánh giá nhiều tiềm năng, bên cạnh Mỹ. Theo ông, đây là những thị trường lớn, sức chi tiêu cao nhưng xa và khó, mất nhiều thời gian để đón lượng khách lớn. Thực tế, du lịch VN cũng đã lên kế hoạch thúc đẩy thị trường Mỹ từ vài năm trước nhưng đến nay vẫn chưa ghi nhận số lượng khách lớn. Trong bối cảnh "kẹt" khách Trung Quốc, thị trường truyền thống châu Âu, Nga bất ổn do tình hình kinh tế và chính trị thì nhà chức trách du lịch cùng các hiệp hội cần có những chương trình xúc tiến, quảng bá mạnh hơn, chất lượng hơn để đẩy mạnh khai thác 2 thị trường Úc và Mỹ.

Trong khi VN đang hoang mang thì Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia - những đối thủ cạnh tranh trong khu vực đều đang ra sức đón khách Trung Quốc. Mục tiêu 8 triệu khách quốc tế, chúng ta còn chưa dám lạc quan thì Thái Lan với dòng khách Trung Quốc đổ bộ sẽ càng tự tin với mục tiêu đón 25 triệu khách quốc tế trong 2023. Nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thì chúng ta sẽ càng tụt hậu xa hơn so với họ.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN

Kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ những rào cản từ thị trường Trung Quốc, song ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, lưu ý song song đó ngành du lịch trong nước phải chủ động mở chính sách để đa dạng thị trường. Năm 2022, Thái Lan, Malaysia đón được lượng khách quốc tế nhiều hơn VN là do họ không bị phụ thuộc vào một số thị trường lớn như Trung Quốc đại lục, Đài Loan đang phục hồi chậm. Thị trường khách của họ đa dạng, nhiều khách châu Âu, châu Mỹ mở cửa là sẵn sàng "lên đường". Nhìn lại, khách Mỹ, châu Âu tìm kiếm du lịch Việt vào top đầu thế giới nhưng họ lại chọn Thái Lan. Các thị trường đó chỉ coi VN là điểm đến mới và lựa chọn khi đã "chán" Thái Lan. Nguyên nhân bởi thương hiệu điểm đến của Thái Lan đã đi trước VN quá nhiều.

"Hằng năm, ngân sách xúc tiến của du lịch VN chỉ bằng khoảng 1/50 của Thái Lan. Chưa kể, chính sách visa của họ cởi mở hơn nhiều, tạo điều kiện để đón khách từ rất nhiều thị trường. Trong bối cảnh điều kiện thực tế khó khăn như hiện nay, cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành dưới sự chủ trì của Chính phủ, nhanh chóng có thêm các chính sách đặc biệt để VN có cơ hội đa dạng thị trường, mở rộng nguồn khách quốc tế", ông Cao Trí Dũng kiến nghị.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hà Mai

CLIP HOT