Nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dịch COVID-19 đã gây ra cú sốc cho ngành du lịch TP.Đà Nẵng khi hàng vạn người lao động mất việc, doanh nghiệp và các khách sạn nhà hàng lâm vào cảnh phá sản.

Trước thực trạng này, ngành du lịch TP.Đà Nẵng đã đề xuất nhiều giải pháp với chính quyền thành phố để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong giai đoạn khó khăn này...

Chồng chất khó khăn

Trải qua 4 đợt dịch COVID-19 nên gần như toàn bộ hoạt động du lịch của TP.Đà Nẵng lâm vào cảnh lao đao. Trước dịch, toàn thành phố Đà Nẵng có với hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch hoạt động thì đến nay đã đóng cửa hơn 90%. Riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp hội viên thì có đến gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa, người lao động nghỉ việc hàng loạt.

Chỉ cần dạo một vòng quanh các tuyến đường du lịch, tuyến đường ven biển tại Đà Nẵng có thể thấy, cái hình ảnh vốn đông vui đã lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó, các tuyến phố du lịch, các vệt khách sạn ven biển vì không có khách nên giờ đóng cửa im lìm, xuống cấp la liệt. Cũng có không ít chủ khách sạn tại những vị trí đắc địa ven biển Đà Nẵng vì không thể gồng nổi các khoản nợ, chi phí hoạt động nên đành rao bán trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.

Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ khách sạn tại tuyến phố đi bộ An Thượng cho biết, gần như 100% khách sạn ở khu vực phố đi bộ An Thượng giờ đều không có khách. Trước dịch, một số khách sạn vì muốn tiết giảm chi phí nên cho người lao động nghỉ việc và đóng cửa, thậm chí rao bán. Một số khách sạn thì duy trì nhưng phải cắt giảm toàn bộ các chi phí như điện nước, nhân công, bảo vệ.

“Tôi vẫn biết là tình cảnh ế ẩm này là do dịch COVID-19, cũng là tình hình chung của thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng, lãnh đạo ngành du lịch cần có giải pháp, có chính sách hỗ trợ người lao động, các đơn vị lữ hành, chủ khách sạn để chúng tôi vượt qua khó khăn trước mắt“ - ông Thủy chia sẻ.

Nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn - 1

Rửa tay sát khuẩn, đảm bảo an toàn cho khách du lịch tại Đà Nẵng. Ảnh: H.L

Cần có giải pháp dài hơi

Trước mong muốn của một số nhóm đối tượng trong ngành du lịch, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết, Hiệp hội đã đề xuất nhiều giải pháp với thành phố để hỗ trợ người lao động ngành du lịch trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Hiệp hội đã đề xuất và được UBND TP.Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao cho các sở ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi người lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm.

Mục tiêu là giúp người lao động duy trì cuộc sống, dự kiến thời gian vay như vậy đủ để thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên. Hiện số người lao động đã đăng ký vay là gần 2.000 người và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký.

Một trong những vấn đề khó khăn hiện nay chính là việc xác định đối tượng để được hưởng tiền vay vốn từ ngân hàng chính sách. Về việc này, ông Cao Trí Dũng cho biết, hiện Sở Tài chính đang xây dựng kế hoạch, ban hành các tiêu chí cụ thể về đối tượng được vay vốn để Hiệp hội sớm triển khai thực hiện chủ trương của thành phố.

Còn về lâu dài, ông Cao Trí Dũng cho biết thêm, Hiệp hội sẽ đề xuất thêm nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, Hiệp hội cũng mong muốn thành phố, các bộ ngành trung ương, Chính phủ cần có những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận cho người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi.

Được biết, trước đó tại cuộc họp bàn các giải pháp về phát triển du lịch vào đầu tháng 4, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu UBND thành phố, Sở Du lịch và các sở ngành liên quan tham mưu triển khai các hoạt động kích cầu du lịch; hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong hỗ trợ kinh doanh, tổ chức hội chợ du lịch quốc tế hằng năm...

Đồng thời, bản thân mỗi doanh nghiệp du lịch lữ hành cần thay đổi phương thức tiếp cận nguồn khách, duy trì việc đào tạo nguồn nhân lực, chủ động vượt khó vươn lên để tìm ra sản phẩm mới. 

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PV (Theo Báo Lao động)

CLIP HOT

Nghẹt thở bão Yagi đổ bộ vào bờ
Nghẹt thở bão Yagi đổ bộ vào bờ

Chiều nay, bão số 3 đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16; khắp nơi mịt mù trong màn giông bão dày đặc.