Thông tin du lịch, tìm ở đâu mới chính xác?
Trong thời gian giãn cách, bạn có thể tranh thủ tìm thông tin du lịch để hết dịch chúng mình bung lụa. Nhưng tìm ở đâu mới chính xác, bạn đã biết hay chưa?
Bạn thường tìm thông tin du lịch ở đâu? Câu trả lời chung có lẽ là Internet mà chính xác là Google.
Du lịch Đà Lạt, kinh nghiệm đi Bali, thông tin leo núi EBC… đó là cách thông thường khi gõ từ khóa trên Google. Nhưng đôi khi thông tin mà bạn nhận về không phải là cái bạn cần tìm.
Tôi cũng là một người thường xuyên tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng, và hơn cả tôi là người viết lách, quan tâm đến việc viết như thế nào để thông tin dễ tiếp cận đúng đối tượng quan tâm. Xin mách bạn một vài bí kíp để tìm thông tin du lịch một cách nhanh chóng, đúng nhất nhé!
1. Từ Blog
Đơn giản bởi đây là nơi tôi viết thường xuyên nhất, gần như là mỗi ngày và kết nối với một cộng đồng các tác giả cùng sở thích viết lách mà phần lớn là người đam mê du lịch, khám phá. Khi Facebook chưa phổ biến, blog là mạng xã hội kết nối rất hiệu quả và đáng tin cậy.
Một lí do khiến tôi cũng như nhiều người thích đọc thông tin du lịch từ các blogger là vì tính trải nghiệm cá nhân của họ trong bài viết. Họ có thể sẽ không đưa cho bạn 1 tour 3 ngày 2 đêm chung chung như các trang mạng, nhưng lại chỉ điểm cho bạn rất nhiều địa danh độc lạ. Họ có thể nói cho bạn về tình trạng của những con đường, nói cho bạn những sự thật phía sau một địa danh mà đa phần các trang web du lịch đều viết rất hay ho.
Là một người từng đi viết bài SEO để kiếm sống, tôi hiểu cách để bài viết lên top, thân thiện với cỗ máy tìm kiếm Google. Do đó, mỗi lần đọc những bài văn tả cảnh na ná nhau, được thay đổi một vài từ, đọc về những cái hướng dẫn chung chung kiểu “Bạn đừng lo về việc thuê xe máy ở Kon Tum, các khách sạn đều có dịch vụ này” thì chính xác đó là một bài SEO từ khóa “thuê xe máy ở KonTum” và tôi thì không cần thông tin như vậy.
Blog The travel loner chuyên về các chuyến đi trải nghiệm
Các bạn có thể đọc trên blog wordpress, tìm kiếm các blog du lịch và theo dõi họ. Tôi đánh giá cao một số trang blog sau: Lâm Việt Vương Quốc (Thetravelloner.com), Nguyễn Hạnh Hà My, Lý Thành Cơ (Lythanhco.com), Vinh Gấu (vinhgau.com), Những chuyến đi của Ngọc (sweetieandrose.wordpress.com), An Việt Nam (anvietnam.net)…
Blog Chuyện kể từ những chuyến đi với nhiều thông tin thú vị
Tác giả đang chụp hình trong một chuyến đi để lưu giữ tư liệu viết bài
Cá nhân tôi cũng có 1 trang blog với các bài viết chia sẻ trải nghiệm mang tên Chuyện kể từ những chuyến đi (chuyenketunhungchuyendi.com). Rất vui khi được góp một phần nhỏ hiểu biết của mình vào kho kiến thức chung.
2. Từ diễn đàn phuot.vn
Đó gần như là diễn đàn du lịch duy nhất tôi tham gia. Tôi vẫn quen mỗi lần cần tìm thông tin đi chỗ nào mới lạ là liền ra Google gõ theo công thức “Tên địa danh + phuot.vn”. Tôi không thích ai gọi mình là phượt thủ, nhưng tôi lại thích diễn đàn phuot.vn. Nghe thì vô lý nhưng lại hết sức thuyết phục.
Phuot.vn có thể nói là một trong những thánh địa đầu tiên của cộng đồng xê dịch với những cái tên nickname từ diễn đàn ra đến đời thực đã trở thành huyền thoại như: Kim hoa bà bà, Du Gìa…
Năm 2015, tôi đi leo Ngọc Linh, tìm được thông tin ít ỏi cũng là từ diễn đàn này, rồi mới lân la đi tìm được các cao nhân để dò hỏi thông tin thuê xe máy, porter... Tôi cũng có nhiều người bạn quen biết từ diễn đàn này, chơi từ hồi sinh viên, đi cùng nhau rất nhiều chuyến.
Diễn đàn phuot.vn quy tụ nhiều phượt thủ đời đầu
Diễn đàn chia ra các mục dành cho thông tin du lịch trong nước, nước ngoài, hồi ức các chuyên đi… Trong đó có những topic rất thú vị, cách đặt tên đã làm người ta muốn đi, cách chia sẻ, hình ảnh thì cực kì đẹp và nhiều thông tin bổ ích chưa từng xuất hiện trên các trang báo.
Đến giờ tôi vẫn hay viết bài review các chuyến đi trên phuot.vn, như một cách để đóng góp lại cho diễn đàn nơi tôi đã “tàu ngầm” và học được rất nhiều thứ hay ho.
3. Từ Facebook
Tôi có tham gia rất nhiều group về du lịch, phượt trên Facebook, đa phần chỉ “tàu ngầm” xem có gì hay, chỗ nào lạ thì vào xem và lưu lại để dành khi cần đến. Các group này cũng cho phép bạn đặt câu hỏi về điểm đến. Các thành viên sẽ cho bạn lời khuyên vô cùng hữu ích từ trải nghiệm thực tế của họ.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm của bản thân, tôi nghĩ mỗi người cần tự tìm hiểu về điểm đến bằng nhiều nguồn thông tin. Thay vì quá phụ thuộc vào cộng đồng mạng bằng cách post những câu hỏi vô thưởng vô phạt.
Hội đam mê leo núi quy tụ nhiều thành viên chuyên về lĩnh vực leo núi
4. Từ Tổng cục Du lịch, Đại sứ quán các nước
Thoạt nghe đến Tổng cục du lịch, Đại sứ quán có vẻ ghê gớm nhưng kì thực đây lại là những nơi rất thân thiện với những người du lịch tự túc. Một số Tổng cục du lịch thân thiện và giải đáp nhanh chóng như Tổng cục du lịch Hàn Quốc, Tổng cục du lịch Thái Lan, hay Đại sứ quán Pakistan…
Lý do chính là vì những đất nước này có chính sách rất thông thoáng với khách du lịch và có nhiều chiến dịch quảng bá đến đối tượng người Việt Nam. Khi bạn nhắn tin lịch sự, nghiêm túc và cầu thị, họ luôn cho bạn câu trả lời chính xác, đáng tin cậy.
Không chỉ vậy, fanpage của các tổ chức này cũng cực kì thân thiện. Đặc biệt họ cũng rất hay tổ chức các cuộc thi, minigame tặng quà là vé máy bay, khách sạn, voucher du lịch.
Giải thường của Tổng cục du lịch Hàn Quốc
Tôi từng tham gia cuộc thi của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc và đạt giải Nhì, từng được Tổng cục Du lịch Thái Lan tặng vé máy bay, trong khi đó người bạn tôi từng được Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam mời đến nhà chơi vì có những bài viết tích cực về du lịch Pakistan.
Giải thưởng của Tổng cục du lịch Thái Lan
5. Từ Báo
Có nhiều trang báo dành hẳn một chuyên mục cho du lịch và thường xuyên có bài từ các cộng tác viên khá chất lượng như Zing.vn, Tuổi trẻ, VNExpress, hay mới đây là Tạp chí Du lịch TP.HCM, một Tạp chí mới nhưng có nhiều thông tin khá hữu ích.
Chụp ảnh kỷ niệm với áo dài Việt Nam ở đất nước Nepal
Tổng kết lại: Dù bạn tiếp nhận từ nguồn nào, thông tin luôn cần được kiểm chứng và cập nhật thay đổi theo thời gian. Càng tìm được nhiều thông tin, người đọc càng phải tỉnh táo so sánh, biết sàng lọc. Và dù thế nào, hãy luôn là một người chủ động để luôn có những chuyến đi an toàn và có thêm nhiều trải nghiệm mới ngoài những dòng review mà bạn đọc được từ bất cứ ai.
Việc bỏ quên vật dụng khi trả phòng cho khách sạn là điều không hiếm thấy. Khi trả phòng, không ít người rơi vào tình...