Mở cửa du lịch: Khách "ngoại" là cơ hội, không phải là nguy cơ
Khi mở cửa du lịch, chúng ta phải tin tưởng du khách, coi họ là một cơ hội, không phải nguy cơ. "Cơ hội vàng" của ngành du lịch nằm ở việc Việt Nam sẽ ứng xử với du khách thế nào.
Chiều 18/2, Tọa đàm du lịch với chủ đề "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam" được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Quy Nhơn, TP Quy Nhơn.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 - 8/2), Việt Nam đón hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.
Bối cảnh hiện tại đang mang đến cơ hội cũng như khả năng sớm phục hồi cho thị trường du lịch Việt Nam.
Cơ hội vàng của ngành du lịch
Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, cho rằng thông tin Chính phủ đề xuất mở cửa du lịch từ 15/3, là tín hiệu tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện.
Một quy trình toàn diện, có sự chung tay của các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, sự nhất quán về chính sách sẽ là giải pháp hữu hiệu, gíup du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng với kịch bản tích cực nhất… Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khởi sắc, đây sẽ là thời cơ vàng để du lịch - ngành kinh tế vàng của Việt Nam bứt phá.
Quang cảnh tọa đàm "Mở cửa an toàn, hiệu quả: Thời cơ vàng của du lịch Việt Nam"
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, việc mở cửa du lịch là vấn đề cấp thiết. “Người ta khát khao mở cửa lại du lịch không phải chỉ là nhu cầu được đi lại, vui chơi mà mở cửa du lịch còn để phát triển đời sống cho người dân, cho các ngành kinh tế. Việc mở cửa du lịch không chỉ là ý chí của ngành du lịch mà còn là nguyện vọng chung của nhiều tầng lớp xã hội, của đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Chúng ta có thể tự tin với quyết định mở cửa ngành du lịch vì chúng ta có những điều kiện có thể cạnh tranh như tài nguyên dồi dào, hấp dẫn, có tiềm năng cạnh tranh mạnh mẽ. Ngay dịp Tết, cả nước có 6,2 triệu lượt khách du lịch trong 9 ngày, cho thấy tâm thế sẵn sàng đi du lịch của người Việt Nam.
Với tư cách là một người hay đi du lịch, nhà báo Trương Anh Ngọc, Thông tấn xã Việt Nam, cho rằng du khách "muốn lắm rồi". “Khi đọc được chính sách sắp mở cửa du lịch của chính phủ, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, khi mở cửa du lịch, chúng ta phải tin tưởng du khách, coi họ là một cơ hội, không phải nguy cơ. Điều này được tôi rút ra từ bản thân, khi tôi đến một nước Đông Nam Á, họ đón tiếp tôi nhiệt tình, hoàn toàn không có sự lo ngại khả năng nhiễm bệnh”, nhà báo Trương Anh Ngọc nhấn mạnh.
Cơ hội vàng của ngành du lịch nằm ở việc Việt Nam sẽ ứng xử với du khách thế nào? Hiện chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, chưa có hướng dẫn đồng bộ. Ví dụ khi đón khách quốc tế phát hiện có F0 trong đoàn thì địa phương và ngành du lịch phải có phương án giải quyết.
Khi mở cửa du lịch vào ngày 15/3, chúng ta đã chuẩn bị về mặt tinh thần chưa? Liệu chúng ta mở cửa rồi liệu có đóng lại không? “Chính vì vậy, người làm du lịch cần học hỏi kinh nghiệm mở cửa của các nước xung quanh, đặc biệt là Thái Lan. Nước này vẫn mở cửa đón khách quốc tế khi ca nhiễm của họ cao gấp 3, 4 lần Việt Nam”, ông Ngọc nói.
Du lịch Việt Nam vẫn chưa định vị được giá trị riêng
Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, cho rằng dịp Tết vừa qua là sự khởi đầu ấn tượng của hoạt động du lịch, bằng chứng là 6,1 triệu khách du lịch nội địa trong dịp Tết, với 3,2 triệu khách lưu trú. Đã có 9.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong dịp Tết nguyên đán, thể hiện sự quan tâm của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nga...
Doanh thu du lịch tuy còn khiêm tốn nhưng ở mức ấn tượng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở lưu trú vẫn chưa khởi động lại, có mở cửa nhưng chưa hoàn toàn. Đây là những vấn đề cần tính toán trong bối cảnh mở cửa bình thường mới, không chỉ ở chính sách mà cả hạ tầng, điều kiện, để khi mở cửa phải đảm bảo chất lượng, dịch vụ...
Cũng theo ông Phương, trong giai đoạn đầu thí điểm triển khai mở cửa, vẫn có những khó khăn. Như Hàn Quốc điều chỉnh chính sách chống dịch vào tháng 12, hay Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "zero Covid-19", khiến hợp đồng du lịch đến Việt Nam hạn chế lại.
Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình cũng đưa ra những điểm nghẽn đối với sự phục hồi du lịch Việt Nam là thiếu tính nhạy bén, thận trọng mở cửa hơn các nước, thiếu nhất quán trong việc triển khai ứng phó với Covid-19 như mỗi tỉnh có một chính sách cách ly.
Bày tỏ quan điểm từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Hà, nhà sáng lập, kiêm Chủ tịch Lux Group, đơn vị chuyên cung ứng dịch vụ tàu biển, du thuyền cho rằng Việt Nam mở cửa du lịch như vậy là chậm so với các nước trong khu vực, nên rất cần sự kết nối, tập trung vào các thị trường cụ thể.
Theo ông Hà, nếu mở cửa từ tháng 3 thì từ tháng 4-6 sẽ có thể đón nhiều khách nước ngoài, trong đó cần tập trung vào thị trường châu Âu, Australia là dòng khách có thói quen đi du lịch vào mùa này. Ông Hà cũng cho biết nhiều khách của Lux Group sau nhiều lần hoãn, hủy vì dịch bệnh đã đăng ký trở lại sau thông tin Chính phủ Việt Nam mở cửa toàn bộ du lịch từ 15/3.
“Có trở thành 'thời cơ vàng' hay không sẽ tùy thuộc vào cam kết của Chính phủ, chính quyền địa phương, sự kết nối, tập trung vào từng thị trường cụ thể,” ông Hà bày tỏ.
Bà Nguyễn Thảo Anh, Giám đốc công ty KKDay Việt Nam cũng bày tỏ khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin. Theo bà, KKDay có mặt trên 12 nước, đã có những tệp khách hàng và chủ động đưa khách quốc tế lẻ vào thị trường Việt Nam. Khi công ty nắm được thông tư hướng dẫn, có sự hướng dẫn cụ thể và rõ ràng hơn, khách hàng có được sự thuận tiện trong làm visa, nhập cảnh thì các công ty lữ hành mới có thể kết nối lại các thị trường quốc tế.
Bà Hoàng Thị Liên, Tổng giám đốc F5 Travel, cho rằng du lịch Việt Nam vẫn chưa định vị được giá trị bản thân và Bình Định là một điểm đến mới so với khách quốc tế. Chính vì vậy, Tổng dục Du lịch hoặc các cơ quan truyền thông nên có biện pháp truyền thông cụ thể và đánh thẳng vào từng thị trường quốc tế.
Du lịch Bình Định khi nhằm tới thị trường Đài Loan có thể mời đài truyền hình hoặc nhân vật nổi tiếng từ quốc gia này tới địa phương để quay chương trình. Điều này sẽ thu được sản phẩm quảng bá hiệu quả và đến thẳng tâm lý người tiêu dùng.
“Đây là cách chúng tôi đã làm với Hà Nội hay Phú Quốc, sau khi chương trình được phát trên giờ vàng tại Đài Loan đã đạt hiệu quả cao. Điểm đến đó ghi dấu ấn trong lòng du khách. Bình Định có thể áp dụng cách này để nhằm đến từng thị trường một”, bà Liên đề xuất.
Sản phẩm du lịch hậu Covid phải thực sự hấp dẫn
Trong bối cảnh mở cửa, ông Vũ Thế Bình cho biết cần chuẩn bị trước hết là sản phẩm - vốn là cái gốc của du lịch. "Sản phẩm sau Covid-19 phải khác trước Covid-19, không theo phong trào mà phải dựa trên bản chất, sự hấp dẫn, phải là sản phẩm mới", ông nói. Ông Bình ví dụ như các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ, liên quan đến thể thao như golf, chạy marathon. Ngoài ra cần chú ý đến các vấn đề về môi trường, nhân lực sau Covid-19.
Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Quy Nhon
Đề xuất giải pháp mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh về chất lượng sản phẩm. Sau hai năm chống dịch, cơ sở vật chất tổn thương nặng, nhiều trung tâm bỏ hoang, gây ra lãng phí, cần nâng cấp lại.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực được ông Khánh nhấn mạnh là rất quan trọng. Hơn 2,5 triệu lao động ngành du lịch phân tán nặng nề trong dịch, vì giãn cách xã hội mà phải chuyển ngành. Trong khi đó, nhu cầu du khách trở lại lớn nhưng đang thiếu nhân lực phục vụ. "Đây là phép thử cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi", ông Khánh nói.
Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết sẽ hoàn thiện các thông tin cơ bản về phương án, lộ trình mở cửa du lịch đến 15/3, trong đó có nhiệm vụ số hoá điểm đến, theo Nghị quyết 11 về phục hồi phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi số là nhiệm vụ hàng đầu. Theo đó, các sản phẩm du lịch sẽ tiếp cận xu hướng số hoá.
Tổng cục Du lịch đang làm việc sơ bộ với các cơ quan thông tấn quốc tế như CNN, CNBC, hướng tới thị trường cao cấp, trung lưu. Tổng cục cũng đề xuất với bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch về việc thí điểm thành lập Văn phòng xúc tiến du lịch Quốc gia.
Lộ trình mở cửa của ngành du lịch Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, lấy ý kiến về lộ trình mở cửa, đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đến năm 2023. Lộ trình mở cửa từ 15/3 theo bối cảnh bình thưởng mới sẽ linh hoạt hơn, như trước đây yêu cầu xét nghiệm PCR, đi tour trọn gói 3 ngày, thì nay hàng không có hai phương án áp dụng, như xét nghiệm có giá trị 72h. Ở các thị trường khó khăn có thể xét nghiệm nhanh có giá trị 24h, không phải test tại sân bay mà về cơ sở lưu trú. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, có những thay đổi và khác biệt trong các quy định về lộ trình mở cửa du lịch lần này so với các chương trình thí điểm. Đầu tiên là các địa phương sẽ căn cứ vào mức độ an toàn và kết quả phòng chống dịch để triển khai mở cửa du lịch. Khách du lịch cũng được mở rộng đối tượng là tất cả các khách nội địa lẫn quốc tế. Ngoài ra, tất cả cửa khẩu cũng đã sẵn sàng đón khách. Trước đây chúng ta chỉ đón khách qua đường không nhưng giờ sẽ mở cửa hết các cửa khẩu cả trên đường bộ và đường biển. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cũng ủng hộ quyết định mở cửa các cửa khẩu và sẵn sàng đón khách. Bên cạnh đó, các địa phương trên cả nước cũng sẽ được mở cửa đón khách. Điều kiện đón khách du lịch sẽ bám sát vào tiêu chuẩn về phòng chống dịch theo Bộ Y tế. Ông Phương cho biết thêm, vấn đề về thị thực sẽ áp dụng nhiều biện pháp mới như áp dụng visa điện tử, miễn thị thực đơn phương, song phương. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an sẽ có ý kiến báo cáo Chính phủ. Ngoài ra, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm Covid-19 cũng được nới lỏng hơn. Hiện tại khi nhập cảnh qua đường hàng không, khách quốc tế sẽ được áp dụng cả hai phương pháp xét nghiệm. Kết quả PCR có giá trị trong 72h, test nhanh có giá trị trong 24h. Du khách quốc tế sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được tham gia các hoạt động du lịch và tự theo dõi sức khoẻ trong 14 ngày, giống như điều kiện của khách nội địa. Du khách nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ và đường biển chỉ cần test ngay cửa khẩu, có kết quả âm tính là được nhập cảnh. Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng sẽ triển khai phương pháp này. |
Sau thông tin mở cửa đường bay thường lệ quốc tế, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại TP.HCM đồng loạt mở bán tour nước...