Ba loại hình sản phẩm mới để phát triển du lịch Việt Nam

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhằm hoàn thiện bản dự thảo "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Tổng cục Du lịch vừa tổ chức hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành để lắng nghe và tiếp thu ý kiến sửa đổi.

Ba loại hình sản phẩm mới để phát triển du lịch Việt Nam - 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt (giữa), Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh (trái) và Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu (phải) chủ trì Hội thảo. Ảnh: TITC

Hội thảo là nơi ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện của các Bộ ngành, địa phương và các doanh nghiệp du lịch để tiếp tục hoàn thiện những nội dung cơ bản của dự thảo "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Dưới tác động của COVID-19 trong hai năm qua, du lịch đã phải chịu nhiều thiệt hại, phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, nhiều khó khăn và điểm nghẽn cần tháo gỡ để ngành tiếp tục có bước phát triển đột phá trong giai đoạn hậu đại dịch.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, Tổng cục Du lịch cùng liên danh tư vấn là Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia – Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội đã thực hiện khảo sát tại 7 vùng du lịch và 8 cuộc họp với các địa phương và chuyên gia, nhằm thu thập các thông tin cần thiết cho việc xây dựng bản dự thảo quy hoạch.

Ba loại hình sản phẩm mới để phát triển du lịch Việt Nam - 2

Việt Nam có nhiều cảnh đẹp để phát triển du lịch

Theo Phó Tổng cục trưởng, các mục tiêu trong chiến lược, quy hoạch cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam cần cân đối lại những định hướng về không gian, định hướng và giải pháp phát triển. Song song đó, đảm bảo xây dựng những hợp phần tích hợp các vùng, tiểu vùng du lịch, quy hoạch du lịch tỉnh, du lịch biển… Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh, quy hoạch lần này có nhiều điểm mới, hướng tới phát triển bền vững, chất lượng, có hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh.

Cũng tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn đã trình bày tóm tắt nội dung quy hoạch. Theo đó, 6 quan điểm chính đã được đưa ra bao gồm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy tiềm năng lợi thế quốc gia, gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bền vững, sáng tạo, gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Mục tiêu đến năm 2025 sẽ phục hồi hoàn toàn ngành du lịch và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh đến năm 2030.

Ba loại hình sản phẩm mới để phát triển du lịch Việt Nam - 3

Du lịch golf sẽ được tập trung phát triển

Về định hướng phát triển loại hình du lịch, đề xuất tập trung vào 3 loại hình mới là du lịch kết hợp chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch golf. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù về biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tổ chức không gian phát triển du lịch, phân vùng phát triển, tập trung ưu tiên phát triển các khu vực động lực, hệ thống các khu du lịch quốc gia, phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là 14 nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý; tổ chức và thực hiện quy hoạch; phối hợp liên ngành, liên địa phương; đầu tư, thị trường, xúc tiến, quảng bá…

Tại buổi Hội thảo đã có các phát biểu tham luận về: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong xúc tiến, quảng bá du lịch; Chính sách quản lý phát triển du lịch sinh thái; Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch và tiêu chí lựa chọn các địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá cao những ý kiến đóng góp tích cực của các chuyên gia đầu ngành, đề nghị Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp cùng đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện dự thảo quy hoạch theo hướng: (1) Làm rõ lại các quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch, đảm bảo tính khả thi, tương xứng với vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn; (2) Nghiên cứu, hoàn thiện các định hướng không gian, định vị hệ thống du lịch trên bình diện các vùng trên cả nước, làm cơ sở cho các địa phương phát triển trong giai đoạn tới; (3) Bổ sung, hoàn thiện các giải pháp thiết thực từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu; (4) Đảm bảo sự gắn kết các vùng du lịch, phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tập trung phát triển kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ trong du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Vốn là một trong những ngành có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của Việt Nam, qua từng năm, ngành du lịch không ngừng khẳng định vị thế xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Kể từ khi mở cửa trở lại sau quãng thời gian dài bị "đóng băng", ngành du lịch Việt Nam liên tục thu hút khách quốc tế đến tham quan trong điều kiện thuận lợi về kiểm soát y tế. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ba loại hình sản phẩm mới để phát triển du lịch Việt Nam - 4

Khách nội địa giúp phục hồi mạnh mẽ ngành du lịch Việt Nam

Bên cạnh đó, du lịch nội địa đang khởi sắc với lượng khách nội địa lên đến hơn 60 triệu lượt trong mùa du lịch hè. Các cơ sở lưu trú cũng thường xuyên duy trì công suất phòng ở mức trên 90%.

Chính vì thế, việc xây dựng hoàn thiện dự thảo "Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là rất cần thiết, nhằm định hướng tầm nhìn phát triển dài hạn làm cơ sở để tiếp tục xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách phát triển du lịch phù hợp trong giai đoạn mới.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT