Làm thế nào để mọi du khách đều muốn đến Việt Nam du lịch?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các chuyên gia hàng đầu ngành du lịch trong và ngoài nước gợi ý một số cách truyền thông hiệu quả, để du khách có “gu lạ” nhất cũng muốn đến Việt Nam.

Ngày 10/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022), Sở Du lịch TP.HCM và Tạp chí song ngữ Anh - Việt Wanderlust Tips tổ chức Chuỗi sự kiện về Truyền thông điểm đến tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC).

TP.HCM chuyển sang quảng bá để duy trì hình ảnh đẹp

Mở đầu chuỗi sự kiện, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam là một trong những điểm đến có sự tăng trưởng cao trên thế giới, với mức tăng trưởng từ 50% đến 75%. Cộng đồng quốc tế tìm kiếm thông tin rất nhiều về các thành phố của Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An... Đây là các tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi sau dịch.

Làm thế nào để mọi du khách đều muốn đến Việt Nam du lịch? - 1

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - phát biểu khai mạc hội thảo “Nắm bắt các xu thế và thách thức trong tiếp thị điểm đến hậu đại dịch”. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

“Bên cạnh hưởng ứng chiến dịch “Live Fully in Vietnam” của Tổng cục Du lịch, thời gian qua thành phố khởi động chiến dịch truyền thông "TP.HCM chào đón bạn”, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 9, với rất nhiều sự kiện như Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 8, Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 18, Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM, Giải Marathon Quốc tế TP.HCM lần 5, Liên hoan Ẩm thực Việt Nam, Lễ hội khinh khí cầu...”.

Bà cho biết TP.HCM đã sẵn sàng chuyển trọng tâm từ quảng bá sản phẩm, dịch vụ sang quảng bá duy trì hình ảnh điểm đến nhằm giữ mối liên hệ với du khách trong nước lẫn quốc tế. Sở Du lịch đã cập nhật 366 tài nguyên du lịch đặc sắc trên ứng dụng di động, gửi thông điệp TP.HCM “Trẻ trung - Cởi mở - Sáng tạo - Hứng khởi - Hướng đến tương lai” chào đón du khách.

Bà Đỗ Huyền Trang - Giám đốc Tạp chí Wanderlust Tips - chia sẻ: “Hội chợ Du lịch quốc tế TP.HCM 2022 lần thứ 16 không chỉ là nơi quảng bá du lịch thành phố, mà còn cả nước Việt Nam đến các bạn bè quốc tế. Qua chuỗi sự kiện, chúng tôi hy vọng có thể hợp tác và cung cấp các thông tin hữu ích đến cộng đồng, bởi du lịch là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế”.

Không cần công ty quảng cáo, tự tiếp cận trực tiếp với khách

Tiếp nối chương trình, phiên thảo luận với chủ đề “Truyền thông điểm đến: Xu hướng, thành công và thách thức” với sự góp mặt của các diễn giả là bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, ông Trần Anh Dũng - Trưởng đại diện Hãng hàng không Hongkong Airlines, bà Tạ Thị Bích Hà - Giám đốc Văn phòng Du lịch Quốc gia Liên bang Nga tại Đông Nam Á (Visit Russia).

Làm thế nào để mọi du khách đều muốn đến Việt Nam du lịch? - 2

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết TP.HCM đang củng cố niềm tin của du khách với các điểm đến. Ảnh: VnE.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu nhận định, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế TP.HCM đang đẩy mạnh xây dựng và củng cố niềm tin của du khách với các điểm đến.

“Hiện tại, chúng tôi thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm cải thiện và nâng cấp ngành du lịch sau đại dịch. Chất lượng và phong thái phục vụ nhất quán được chú trọng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh tương tác với khách hàng qua nhiều hình thức, từ trực tiếp đến trực tuyến. Ngoài ra, các hình thức tiếp thị mới, phù hợp với thời đại cũng cần được áp dụng.

Bà nhấn mạnh trong giai đoạn này, thành phố tập trung vào tiếp thị kỹ thuật số với việc tập trung nâng cao chất lượng về nội dung và đẩy mạnh các hoạt động tương tác trên các trang mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok... thường xuyên đăng tải thông tin mới về hoạt động du lịch thành phố nên lượt truy cập, tương tác, chia sẻ ngày càng gia tăng.

Làm thế nào để mọi du khách đều muốn đến Việt Nam du lịch? - 3

Tour 360 độ ngắm TP.HCM trực tuyến qua màn ảnh nhỏ, một ý tưởng tiếp thị du lịch bằng công nghệ của Sở Du lịch TP.HCM. Ảnh: StarGlobal3D.

Bên cạnh đó, bà cho biết thêm thành phố hiện triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch nhằm tái hiện không gian một phần thành phố từ trên cao, đem đến cho du khách trải nghiệm trực quan, sinh động.

Ông Trần Anh Dũng trong phần trình bày của mình, đã chỉ ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông như doanh nghiệp cần phải có định hướng tiếp thị mới, để từ đó tiếp cận với những xu hướng, loại hình du lịch mới, hay cần có những cách thức sáng tạo để tối ưu hóa hiệu quả truyền thông...

Vị diễn giả “bật mí” 4 kênh tiếp thị hiệu quả sau đại dịch, đó là tiếp thị qua influencer, tiếp thị trực tiếp với khách hàng, tiếp thị qua mạng xã hội và tiếp thị sử dụng thuật toán công nghệ cao.

Với các kênh tương ứng, ông cho rằng doanh nghiệp có thể sử dụng người nổi tiếng để chia sẻ trải nghiệm cho khán giả; bỏ qua những doanh nghiệp quảng cáo trung gian để có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ để hiểu khách hơn; viết bài đăng bắt mắt, hút khách và tận dụng quảng cáo trên mạng xã hội cũng như thu thập thông tin của khách hàng để phân tích dữ liệu lớn, dùng trí tuệ nhân tạo để tổng hợp và cho ra chiến lược hiệu quả.

Bà Tạ Thị Bích Hà mang đến cho khách mời những thông tin về các xu hướng du lịch mới sau dịch, như staycation hay wellness. Người dùng phân khúc cao cấp sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để được tận hưởng trải nghiệm độc đáo, “lạ đời”, mang tính cá nhân hóa cao... Chẳng hạn bỏ ra 50.000 euro chỉ để được đến điểm cực Bắc của Trái Đất.

Bà cũng lưu ý, không có cách tiếp thị nào phù hợp được cho tất cả, mà tùy vào nhóm khách hàng chúng ta sẽ có hướng tiếp cận khác. Bà lấy ví dụ, rất khó tiếp thị mạng xã hội với nhóm người cao tuổi, đổi lại ta có thể giới thiệu dịch vụ du lịch chữa lành, trị bệnh và phục hồi sức khỏe qua các kênh trực tiếp với họ.

Tận dụng cả quảng cáo TV, biển hiệu ngoài trời

Ông Graham Cooke - Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards - cho rằng mạng xã hội không chỉ có ưu thế nhanh về quảng bá, mà còn nhanh về giải quyết các vấn đề cho khách hàng. Trước đây khi du lịch, chúng ta có việc cần hỗ trợ thì phải chờ đợi rất lâu mới được xử lý, giờ đây vấn đề có thể được giải quyết ngay chỉ trong tích tắc.

“Tôi từng đi đến nhiều khách sạn, nhiều nơi có đến 50 nhân viên túc trực tổng đài, website và mạng xã hội cùng lúc để giải quyết các thắc mắc, vấn đề khiếu nại của khách hàng. Chúng ta đã có công cụ, quan trọng là ta có muốn làm hay không”, ông nhấn mạnh.

Làm thế nào để mọi du khách đều muốn đến Việt Nam du lịch? - 4

Ông Graham Cooke - Chủ tịch kiêm Nhà sáng lập tổ chức World Travel Awards - cho biết nên quảng bá đồng thời ở các kênh truyền thống, bên cạnh mạng xã hội. Ảnh: TA.

Tuy thế, ông cho hay chúng ta không nên quá tập trung vào mạng xã hội mà bỏ rơi các kênh truyền thống, có thể kể đến như gửi thư điện tử, phát tờ rơi, tổ chức hội thảo, quảng cáo qua truyền hình, đài phát thanh, báo giấy, báo điện tử, tổ chức các sự kiện, hội chợ thương mại, các bảng quảng cáo ngoài trời bằng hình ảnh tĩnh hay bằng slide chiếu điện tử...

Là một travel blogger và KOL trong lĩnh vực du lịch, bà Kefaya Abu Dayeh (đến từ Qatar) cho biết câu chuyện bất đồng ngôn ngữ hoàn toàn có thể trở thành vấn đề lớn, song chưa có nhiều quốc gia làm du lịch chú trọng đến.

“Tôi nói tiếng Ả Rập, tôi biết ngôn ngữ này không quá phổ biến ở Việt Nam và tôi cũng có tình nguyện viên phiên dịch tiếng Anh. Tuy vậy, ý nghĩa câu nói của tôi sẽ giảm đi ít nhiều khi được dịch sang tiếng khác, tương tự với những du khách khác đến từ các nơi khác. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ cải thiện được chuyện này và đáp ứng được nhu cầu cho mọi người đến từ mọi nơi”, bà chia sẻ câu chuyện thật.

Kefaya Abu Dayeh cũng gợi ý Việt Nam nên quảng bá về đất nước mình ở các lĩnh vực khác, chẳng hạn giáo dục, giao thông, y tế... để tiếp cận được những du khách không chỉ quan tâm đến du lịch ẩm thực và ngắm cảnh.

Với chủ đề “Kết nối với nhóm khách du lịch Gen Z” mang đến những góc nhìn mới mẻ về nhóm khách hàng trẻ, hiểu được sự tác động hình thành tích cách của thế hệ Gen Z và từ đó định hướng để khai thác cách họ đi du lịch, đưa ra các hình thức tiếp thị điểm đến phù hợp với thời đại mới.

Buổi hội thảo còn tiếp tục với chủ đề “Kết nối với du khách nhiều tuổi” phân tích một nhóm khách tiềm năng và sự phát triển của các loại hình du lịch mới cũng như nhu cầu của họ sẽ góp phần không nhỏ để thay đổi xu hướng du lịch.

Bên cạnh đó, chủ đề “Những lý do quyết định việc chọn lựa điểm đến cho kỳ nghỉ của những du khách có chi tiêu cao” mang đến những chia sẻ thực tế giúp doanh nghiệp và cá nhân có những góc nhìn hoàn thiện hơn về nhóm khách hàng có chi tiêu cao để các doanh nghiệp đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình thực hiện.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuấn Anh

CLIP HOT