Chuyển đổi số ngành du lịch: Không còn là "cơ hội", mà là "bắt buộc"
Du lịch không nằm ngoài cơn bão chuyển đổi số của thời đại 4.0, ngành cần thích ứng để vươn mình mạnh mẽ sau đại dịch.
Chiều 9/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP.HCM lần thứ 16 năm 2022 (ITE HCMC 2022), Sở Du lịch TPHCM và Tạp chí song ngữ Anh - Việt Wanderlust Tips tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số trong du lịch” tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sài Gòn (SECC).
Hội thảo “Chuyển đổi số trong Du lịch” chiều 9/9.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch tham gia hội thảo với tư cách là diễn giả. Mở đầu buổi nói chuyện, ông nhấn mạnh: “Nhiều người nói đại dịch cho chúng ta cơ hội để chuyển đổi số, nhưng tôi cho rằng chúng ta bắt buộc phải chuyển đổi số. Du lịch là ngành đa lĩnh vực đa ngành nghề, nếu không chuyển đổi số sẽ không bắt kịp các ngành khác.”
Đại diện Sở Du lịch TP cũng cho biết thêm, trước đại dịch chỉ có các doanh nghiệp lớn với nguồn vốn khổng lồ mới thật sự chuyển đổi số. Giờ đây các doanh nghiệp nhỏ cũng phải đầu tư tùy theo khả năng của mình, bên cạnh đó hợp tác với các đơn vị công nghệ thông tin để sử dụng những sản phẩm có sẵn, thay vì làm mới hoàn toàn sẽ tốn công hơn.
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch mang đến chương trình những chia sẻ về chuyển đổi số ở góc nhìn quản lý nhà nước.
Ông chia sẻ: “Trong chuyến khảo sát sản phẩm du lịch thành phố sau dịch, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các quận, huyện đều có trang web và app du lịch của riêng mình. Hỏi ra mới biết, họ chủ động tìm đến các doanh nghiệp công nghệ thông tin để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Đó cũng là một ví dụ đơn giản về chuyển đổi số trong du lịch.”
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của ngành du lịch nói chung, đặt biệt là sự phát triển của ngành du lịch sau đại dịch Covid-19, trong những năm qua, Sở Du lịch TP.HCM đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch, triển khai Ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) thuộc Bộ Công thương nhấn mạnh ngành du lịch cần tiên phong chuyển đổi số.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) thuộc Bộ Công thương, đóng vai mình là một du khách quốc tế, khẳng định ngành du lịch nên là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số.
“Nếu tôi là khách du lịch quốc tế, cá nhân tôi sẽ được tiếp cận nhiều công nghệ mới từ chính chiếc điện thoại của mình, chẳng hạn AI hay metaverse, và từ quốc gia của tôi. Khi đến Việt Nam, nếu chúng ta chưa có những công nghệ như vậy hay thậm chí là chưa sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới, thì ta đã lỡ mất rất nhiều cơ hội.”
Các diễn giả chia sẻ về những thách thức mà doanh nghiệp du lịch trải qua trong thời đại chuyển đổi số.
Với những phát triển vượt bậc về công nghệ, du lịch có nhiều cơ hội để tối ưu hóa việc xúc tiến quảng bá, quản lý dữ liệu và mở rộng thị trường, phát triển du lịch trực tuyến. Đồng thời, các sản phẩm du lịch điện tử với giá thành hấp dẫn đã được tạo ra, góp phần nâng cao sự cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.
Hội thảo còn có sự tham gia của ông Trịnh Công Duy - nhà sáng lập Bizverse, ông William H. Nguyen - nhà sáng lập Beowulf Blockchain,... Hội thảo được tổ chức theo chuỗi sự kiện với nhiều chủ đề thảo luận về chuyển đổi số trong du lịch, khách tham dự đã được gặp gỡ và lắng nghe các chia sẻ từ các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành du lịch của Việt Nam và khu vực.
Buổi hội thảo mang đến những góc nhìn mới mẻ, thông tin thú vị cho người tham dự là các doanh nghiệp trong ngành du lịch.
Tại buổi nói chuyện, các diễn giả còn đem đến những chủ đề rất “nóng bỏng” như những cơ hội mới cho ngành du lịch từ metaverse, những thách thức mà doanh nghiệp du lịch trải qua trong thời đại chuyển đổi số, các ứng dụng của blockchain trong du lịch MICE,...
Các khách mời còn đem đến những chia sẻ thú vị về các tính năng siêu việt của công nghệ blockchain, thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực. MICE mang tính đặc thù rõ rệt bởi quy mô tổ chức lớn, cũng như thường phục vụ dòng khách có khả năng chi trả cao với nhiều yêu cầu khá khắt khe về cơ sở hạ tầng, dịch vụ và bảo mật trong quá trình tổ chức.
Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM lần thứ 16 (ITE HCMC 2022) chính thức trở lại sau 2 năm tạm hoãn vì dịch Covid 19.