Kỳ vọng du lịch nông nghiệp
Ðối với du khách, nhất là du khách nước ngoài hoặc một số người dân sống tại các đô thị lớn, những hình ảnh về cảnh sinh hoạt đời thường, hoạt động sản xuất nông nghiệp luôn có sức hấp dẫn đặc biệt. Theo đó, loại hình du lịch nông nghiệp ngày càng được họ yêu thích và tìm đến để tìm hiểu về đời sống, sản xuất của người nông dân. Sự phong phú về ngành hàng và đặc sản là lợi thế để Cà Mau phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp.
Du lịch nông nghiệp (DLNN) là sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp; thu hút du khách đến tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp; tiêu thụ nông sản tại chỗ và tăng thu nhập cho nông dân; tạo cho du khách cơ hội thưởng thức ẩm thực truyền thống địa phương, giải trí, hoạt động rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông. Thông qua phát triển loại hình DLNN giúp đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ du lịch hỗn hợp cho du khách, gia tăng luồng du khách đến các vùng nông thôn; kéo dài mùa vụ du lịch trong những thời gian thấp điểm của ngành du lịch. Khi DLNN phát triển là hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân, gắn sản xuất với du lịch, dịch vụ, góp phần nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nhiều tiềm năng phát triển
Cà Mau là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Với hệ sinh thái đa dạng, đặc sắc từ biển, đảo; đất ngập nước, rừng ngập mặn, lợ; khu dự trữ sinh quyển thế giới; đặc biệt sở hữu hai vườn quốc gia (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ)… và nhiều thế mạnh về nuôi trồng, khai thác, chế biến thuỷ sản (trữ lượng hơn 600 ngàn tấn/năm), chính là những tài nguyên quý giá cho phát triển DLNN.
Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong đó có du lịch trải nghiệm nông nghiệp. (Ảnh: Ðiểm dừng chân Du lịch cộng đồng Tư Tỵ, huyện Ngọc Hiển).
Thời gian qua, việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư và phát triển thông qua loại hình du lịch cộng đồng. Hiện Cà Mau có 23 điểm du lịch sinh thái cộng đồng: các điểm du lịch cộng đồng ở Ðất Mũi, Ðiểm dừng chân Tư Tỵ (Ngọc Hiển); Vườn chim Tư Sự (Thới Bình); các điểm du lịch Mười Ngọt, Hương Tràm, Hoa Rừng U Minh, Vườn dâu Ba Liêm (huyện U Minh)… Khi đến Cà Mau tham quan, trải nghiệm, du khách có thể tự mình khám phá rừng vàng, biển bạc và cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với người dân, ngồi trên những chiếc xuồng bơi xuyên rừng, ngắm những chang đước đong đưa, nghe ngân nga những câu vọng cổ và nghe kể chuyện Bác Ba Phi; đắm mình dưới nước và tự tay mò sò, bắt ốc len, câu cá…
Tỉnh Cà Mau đã triển khai nhiều chương trình nhằm đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững DLNN. Hiện tỉnh có 101 sản phẩm OCOP và 103 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp. Ðể quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Sở Công thương phối hợp các ngành, UBND cấp huyện đã hỗ trợ xây dựng các điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP, đặc sản, đặc trưng của tỉnh liên kết với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; tại các điểm trưng bày đều có sản phẩm của các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau trưng bày, giới thiệu và quảng bá sản phẩm.
Tuy nhiên, theo ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở VH,TT&DL, DLNN ở Cà Mau mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống của khách du lịch ở mức đơn giản. Phần lớn hoạt động mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu tính chiến lược. Ðiểm qua một số mô hình và cách làm tại các điểm du lịch cộng đồng, nhận thấy hạn chế nhất của DLNN Cà Mau là sự trùng lắp, na ná về mô hình, cách thức thực hiện cũng như sản phẩm trải nghiệm ở địa phương, cho nên du khách không có nhiều sản phẩm để trải nghiệm.
Bàn giải pháp phát triển
Tại Hội thảo khoa học chủ đề “Khai thác lợi thế phát triển DLNN trên địa bàn tỉnh Cà Mau” gần đây đã có nhiều ý kiến tham luận, thảo luận, gợi mở hướng đi khả quan, để Cà Mau vận dụng đạt hiệu quả.
Theo bà Lê Thị Tố Quyên, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Ðại học Cần Thơ, Cà Mau có thể phát triển mô hình DLNN dựa vào vuông tôm, vào rừng, vào vườn trái cây và ruộng lúa. Ðối với mô hình nông nghiệp ruộng lúa, có thể phát triển các sản phẩm như ngắm cảnh đồng ruộng, tìm hiểu về quy trình trồng lúa truyền thống (gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa, tuốt lúa, sàn gạo); trải nghiệm câu cá trong ruộng lúa, bắt chuột, cưỡi trâu, xe trâu, các trải nghiệm công việc nhà nông, chế biến món ăn truyền thống, làm bánh dân gian và tham dự các lễ hội nông nghiệp. Các mô hình DLNN dựa vào vuông tôm có thể kết hợp tham quan vuông tôm, tìm hiểu cách nuôi, thu hoạch tôm, cua, homestay lưu trú bằng bè nổi trên vuông, lều trại, ẩm thực các món ăn chế biến từ các loài thu hoạch trong vuông. Với DLNN từ rừng, có thể khai thác homestay trải nghiệm ngủ lều trại tại rừng, trải nghiệm ẩm thực từ rừng, giao lưu văn nghệ địa phương, thăm động vật hoang dã, giáo dục trải nghiệm. Ðối với DLNN tại vườn trái cây, có thể tham quan vườn trái cây, tìm hiểu cách trồng cây, thu hoạch trái cây, phiên chợ quê, phục vụ các món ăn liên quan đến vườn, trải nghiệm đạp xe, học nấu ăn, giao lưu văn nghệ, homestay, trải nghiệm văn hoá địa phương…
Vừa qua, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó chỉ rõ, phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Chương trình này giúp người dân phát huy các mô hình làm du lịch ở nông thôn; mạnh dạn trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh doanh du lịch. Ðây là điều kiện thuận lợi để phát triển DLNN một cách phù hợp dựa trên tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành sẽ phối hợp hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị nông sản, đa dạng hoá các hình thức liên kết, hợp tác giữa kinh tế hộ gia đình với doanh nghiệp, đồng thời liên kết giữa các địa phương trong khu vực ÐBSCL cũng như TP Hồ Chí Minh để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng, miền, kết hợp quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương”.
Thông qua những đề xuất, kiến nghị từ giới chuyên môn và lãnh đạo các huyện, ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật, đúc rút: "Ðể hoạt động DLNN phát triển bền vững phải khảo sát, đánh giá đầy đủ về loại hình du lịch này trên địa bàn tỉnh, từ đó xây dựng quy hoạch, đề ra chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn, nếu thấy phù hợp thì nhân rộng. Ðồng thời, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại…) trong mô hình phát triển DLNN; xây dựng một số sản phẩm du lịch gắn liền với nông nghiệp trên cơ sở khai thác những thế mạnh đặc trưng của tỉnh, tránh trùng lắp hoặc sao chép từ địa phương khác.
DLNN là ngành nghề còn tương đối mới mẻ, cho nên không thể hoạt động một cách trôi trải ngay. Vấn đề đòi hỏi lớn nhất là có sự đồng tâm, chung sức của các cấp chính quyền trong việc quy hoạch và phát triển du lịch nông thôn. Tỉnh kỳ vọng DLNN sẽ là động lực giúp Cà Mau bứt phá đi lên, góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp Cà Mau trong tương lai, nâng cao đời sống người dân nông thôn./.
Biết được tỉnh Cà Mau có ngày hội cua, bé gái 11 tuổi đã rủ một bé 6 tuổi cùng khu nhà trọ đón xe đò từ TP.HCM đến...