Hồ Con Rùa nên được cải tạo như thế nào?
Chuyên gia kiến trúc cho rằng nếu phát triển phố đi bộ hồ Con Rùa chỉ để đi bộ là không đủ. Thay vào đó, nơi đây phải trở thành không gian cộng đồng cho tất cả người dân
.Một tháng nữa, hồ Con Rùa (công trường quốc tế, quận 3, TP.HCM) sẽ đi vào cải tạo, chỉnh trang trước khi tiến đến đề án phố đi bộ.
Để phát huy tối ưu hiệu quả về kinh tế, văn hóa và quảng bá, các chuyên gia cho rằng việc cải tạo hồ Con Rùa cần có một đồ án tổng thể, mang tính kết nối chuỗi công trình, di tích xung quanh. Song, mục đích cuối cùng của đề án vẫn là tạo ra một không gian cộng đồng hiện đại cho toàn cư dân thành phố.
Việc cải tạo một địa điểm đã gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người TP.HCM như hồ Con Rùa thì không chỉ chú trọng về mặt cảnh quan, tiện ích mà còn phải đảm bảo được vẻ đẹp văn hoá và phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Không nên “xóa sổ” con Rùa
Theo KTS.TS Hoàng Ngọc Lan (trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM), quan điểm bảo tồn và phát triển một không gian công cộng về cơ bản là bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật thể.
Do đó, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan cho rằng hình ảnh hồ Con Rùa với tháp các bàn tay vươn lên, cùng các bậc thang lên ban công ngắm cảnh, các đường đi bộ xoắn ốc trên hồ là những hình ảnh đặc trưng của hồ Con Rùa mà thành phố cần “sắt đá” giữ lại trong quá trình cải tạo.
Hồ Con Rùa có tháp chính cao 34 m cùng hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ hình xoắn ốc là địa điểm nổi tiếng ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.
“Nếu được, nên làm lại tượng con Rùa để đặt vào vị trí cũ. Chúng ta không thể xoá sổ vật thể này như vòng xoay cây liễu ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi)", bà Lan nêu quan điểm.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, hồ Con Rùa tiền thân là Tháp nước Chauteau D’eau, ở công trường Maréchal Joffre, xây dựng từ 1878, tồn tại giai đoạn 1895-1905. Sau đó, nơi đây trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và hình hài cho đến những năm 1960-1972. Hồ Con Rùa được quy hoạch trở thành công trường rộng gần 1 ha.
Nơi đây có tấm bia đặt trên một con Rùa lớn bằng hợp kim đồng. Sau năm 1975, tấm bia và con Rùa bị phá hủy trong một vụ nổ. Dù con Rùa không còn nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ thay vì tên chính thức là Công trường Quốc Tế.
Ngoài hình ảnh con Rùa, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan cho rằng giá trị vật thể lớn nhất cần được bảo tồn đó là hàng cây cổ thụ xung quanh khu vực hồ.
“Để có được hàng cây, cần phải trải qua hàng trăm năm. Công trình thiết kế có thể né cây, nhưng cây thì không né được công trình”, chuyên gia nhấn mạnh và cho rằng hệ thống cây xanh là một trong những yếu tố tạo nên cảnh quan đô thị.
Phố đi bộ không chỉ để đi bộ
“Tìm ra bản sắc riêng” cho phố đi bộ hồ Con Rùa là cụm từ được các chuyên gia nhiều lần nhắc lại khi bàn đến định hướng quy hoạch đề án.
Theo đó, KTS Khương Văn Mười (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng nếu phát triển phố đi bộ hồ Con Rùa chỉ đơn thuần để đi bộ là không đủ. Thay vào đó, ông cho rằng khu vực này cần tạo ra nhiều hơn các hoạt động sinh hoạt, để người dân có sự chiêm ngưỡng, tương tác.
“Ví dụ, hồ nước hiện tại nếu tĩnh quá thì lại không nổi bật. Hồ nước phải sống động với vòi nước phun, kết hợp hệ thống ánh sáng nghệ thuật chiếu vào… Các tuyến đường sắp xếp theo từng chủ đề khác nhau, kết hợp biểu diễn, ca múa nhạc, kịch. Đồng thời, khu vực cần tăng cường chỗ ngồi, bãi giữ xe, khu vực vệ sinh công cộng; an ninh trật tự được đảm bảo. Từ đó tạo ra sự đồng bộ giữa vật chất và không gian…”, KTS Mười gợi ý.
Hồ con Rùa nằm giữa lòng trung tâm TP.HCM, kết nối nhiều tuyến đường huyết mạch. Ảnh: Quỳnh Danh.
Theo KTS Khương Văn Mười, việc tổ chức phố đi bộ sẽ không ảnh hưởng đến giao thông. Ông cho rằng mục tiêu của đề án là hình thành không gian cộng đồng cho người dân thành phố. Do đó, việc quản lý xe chạy thế nào để đảm bảo an toàn cho người đi bộ hoàn toàn có thể tính toán.
“Công trình này hoàn thành sẽ kết nối theo chuỗi các điểm Nhà thờ Đức Bà, tuyến Đồng Khởi - phố đi bộ Nguyễn Huệ… Chúng ta đang mở rộng không gian đi bộ và còn nhiều vị trí liên kết để hình thành trung tâm đi bộ. Từ đó, thành phố thể hiện được sự phong phú hơn các đô thị khác”, chuyên gia đánh giá.
Đồng quan điểm, TS.KTS Hoàng Ngọc Lan nhận định xung quanh hồ Con Rùa hiện vẫn là chuỗi công trình rời rạc: Các trường đại học - hồ Con Rùa - Nhà văn hoá Thanh niên - công viên 30/4 - đường sách Nguyễn Văn Bình - các công trình di sản (nhà thờ Đức Bà, bưu điện TP.HCM, Dinh Thống Nhất)…
Hồ Con Rùa trở thành điểm đến vui chơi, trò chuyện quen thuộc của nhiều người dân thành phố. Ảnh: Phương Lâm.
Do đó, để phố đi bộ hồ Con Rùa phát triển tối ưu hiệu quả về kinh tế, văn hóa tri thức, du lịch quảng bá trong tương lai, TS Lan cho cho rằng cần một đồ án tổng thể để kết nối các điểm này thành một khu vực văn hoá, lịch sử của thành phố.
Dưới góc nhìn một kiến trúc sư, vị chuyên gia này đánh giá để hình thành một không gian đi bộ hấp dẫn và thân thiện, nơi đây cần cung cấp thêm các tiện ích như lát nền hướng đến mọi đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật,… Ngoài ra, khu vực có bố trí thêm ghế ngồi, thùng rác, các không gian dành cho hoạt động biểu diễn đường phố, ánh sáng...
Theo thiết kế, tổng chiều dài vỉa hè các đoạn đường xung quanh hồ Con Rùa cần cải tạo là 750 m. Bề rộng của vỉa hè cần cải tạo sẽ tương ứng với bề rộng hiện tại (trung bình từ 5,7 đến 6,03 m). Sau khi hoàn thiện, toàn khu vực sẽ lát lại vỉa hè bằng đá hoa cương (granite). Vỉa hè mới sẽ có hạng mục dẫn hướng cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng; có vạch cho người đi bộ sang đường và hình thành điểm dừng, đỗ xe buýt.
Các bồn cây trên vỉa hè cũng được thay thế bằng chất liệu đá granite. Ngoài ra, đơn vị thi công sẽ nâng cao độ và thay khuôn các nắp hầm ga hiện hữu, bổ sung các hạ tầng kỹ thuật khác như tủ điện, tủ viễn thông, tủ chiếu sáng, tủ camera...
Góp ý đề án cải tạo hồ Con Rùa, KTS Phạm Sỹ Nhật cho rằng thành phố cần tổ chức một cuộc thi công bằng giữa các nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư sẽ đưa ra phương án thiết kế riêng trong đó có phần không gian công cộng là các tầng riêng.
Công trình cần tách biệt các phần phục vụ miễn phí cho xã hội và kinh doanh thành các tầng riêng, không chồng lấn để hài hòa lợi ích cả đôi bên. Mục đích cuối cùng vẫn là miễn phí để người dân không mất tiền để có chỗ ngồi chơi hóng mát. "Như vậy thành phố không mất tiền nghiên cứu và xây dựng mà sẽ tạo thêm nhiều không gian phục vụ xã hội", KTS Nhật nói.
TP.HCM nằm trong top 7 điểm đến để thưởng thức cà phê không thể bỏ lỡ đối với du khách trên thế giới.