Đường sắt, đường bộ, đường không Tết này đều vắng khách

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trái ngược với mọi năm, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, việc mua vé máy bay, vé tàu hay vé xe khách từ các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội để về quê chưa bao giờ dễ dàng đến thế…

Vé máy bay: Rẻ mà vẫn ế

Theo thông lệ, vào dịp cuối năm, tình hình vé tàu xe về quê đã trở thành nỗi lo của không ít người dân đi làm ăn xa. Đi máy bay thì đắt đỏ, đi tàu thì giá mềm hơn nhưng cũng ở mức cao, xe khách thì lo nhồi nhét, chặt chém ở dọc đường. Đặc biệt, nếu muốn đi máy bay dịp Tết Nguyên đán với mức giá chấp nhận được thì người dân phải “săn” vé giá rẻ từ trước Tết 3-4 tháng. Với đường sắt cũng tương tự, để có toa phù hợp, mức giá rẻ hơn chút thì người dân phải đặt mua từ cách Tết vài tháng.

Trong khi chỉ còn nửa tháng nữa là Tết, nhưng tình hình tàu xe đi lại vẫn khá yên ắng, thậm chí còn không bằng hoạt động đi lại ngày thường của những năm trước. Phần đa người dân đều có tâm lý chờ đợi gần đến ngày nghỉ rồi mới quyết định có di chuyển về quê đón Tết hay không, hoặc không ít người còn chờ động thái từ các tỉnh, thành trong việc quản lý người dân về quê đón Tết ra sao rồi mới quyết định. Khảo sát của An ninh Thủ đô Cuối tuần cho thấy, giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán năm nay chưa bao giờ rẻ mà ế đến như vậy. Tất cả các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways dù đã sát Tết nhưng vẫn còn những dải giá phù hợp, giờ bay đẹp.

Đường sắt, đường bộ, đường không Tết này đều vắng khách - 1

Đường sắt cũng ế vé tàu Tết Nhâm Dần

Những ngày cao điểm Tết Nguyên đán trên trục bay “vàng” TP.HCM - Hà Nội vẫn còn khá nhiều vé. Ví dụ, nếu đi vào ngày 29-1 (27 tháng Chạp năm Tân Sửu) và trở lại vào ngày 6-2 (6 tháng Giêng năm Nhâm Dần) thì vé đang ở mức rẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trung bình giá các hãng đưa ra đang thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng.

Cụ thể, Vietnam Airlines đang bán vé chặng bay này với mức từ hơn 1,6 triệu - 3,6 triệu đồng cho vé hạng phổ thông. Các hãng khác như Bamboo Airways đang bán với mức 3,3 triệu đồng. Vietravel Airlines đang bán ở mức 5,1 triệu đồng. Trong đó, Vietjet Air đang là hãng bay có giá vé Tết 2022 rẻ nhất trên hành trình này. Hãng hiện đưa ra mức giá thấp nhất là hơn 1 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Giá này thấp hơn 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2021.

Trước dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, giá vé máy bay khứ hồi trong cao điểm Tết Nguyên đán mỗi năm trên trục “vàng” TP.HCM - Hà Nội luôn dao động trong khoảng 6-7 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí) tùy vào thời điểm đặt vé. Năm nay, mức giá được các hãng đưa ra dù xuống thấp kỷ lục nhưng lượng đặt chỗ vẫn còn trống nhiều.

Đáng chú ý, giá vé các chặng ngắn lại tăng cao, cụ thể như giá vé chặng TP.HCM - Vinh khởi hành ngày 29-1, đa số các hãng đều bán với mức hơn 3 triệu đồng, trong đó nhiều khung giờ đã hết vé. Chuyến bay tăng nhưng lượng khách không tăng tương ứng khiến lựa chọn bay của hành khách rất đa dạng, đủ các giờ bay. Các chuyến bay trong giờ bay đẹp có giá vé chỉ nhỉnh hơn các chuyến bay sáng sớm và đêm muộn khoảng 300.000 - 500.000 đồng mỗi vé khứ hồi.

Đường sắt, đường bộ, đường không Tết này đều vắng khách - 2

Xe khách “nằm dài” chờ khách tại bến Giáp Bát

Vé đường sắt: Mới bán được 14% so với cùng kỳ

Tương tự máy bay, vé xe lửa năm nay cũng rơi vào tình trạng ế chưa từng có. Từ đầu tháng 10-2021, ngành đường sắt đã mở bán vé tàu Tết theo hình thức trực tuyến và tại các ga. Tuy nhiên, nhiều tháng đã trôi qua nhưng lượng vé tàu Tết bán ra vẫn vô cùng khiêm tốn. Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, cả ngành đường sắt đến ngày 10-1-2022 đã bán được khoảng 31.000 vé tàu cho giai đoạn Tết, chỉ bằng khoảng 14% so với Tết Tân Sửu 2021.

Còn Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, riêng số lượng vé bán được của doanh nghiệp này rất thấp, tính đến ngày 10-1-2022 mới bán được 11.233 vé. Số lượng vé bán chỉ bằng 48% và tiền thu chỉ bằng 43% so với Tết năm 2021. Trong đó, các tàu số chẵn chạy trước Tết bán được 6.866 vé; chủ yếu bán vé các tàu chạy từ 22-1 đến 29-1 (tức từ 20 - 27 tháng Chạp) và chủ yếu đi ngắn đường, từ TP.HCM, Dĩ An, Biên Hòa đi các tỉnh miền Trung như Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng... Đối với mác tàu số chẵn từ miền Nam ra, mới bán vé chủ yếu các ngày từ 2-2 đến 8-2 (tức từ ngày 4 - 8 tháng Giêng năm Nhâm Dần).

Ngoài các mác tàu Thống Nhất, ngành đường sắt cũng chạy thêm nhiều tàu khu đoạn từ TP.HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại, tàu khu đoạn từ Hà Nội đi Vinh và ngược lại. Do vậy, hành khách có thêm nhiều lựa chọn khi mua vé dịp Tết Nguyên đán 2022. Dù vậy, ngành đường sắt tiếp tục chạy thêm tàu Thống Nhất những ngày trước cao điểm Tết Nhâm Dần 2022 nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Cụ thể, chạy thêm đôi tàu SE3/4 giữa Hà Nội - TP.HCM. Tàu SE4 xuất phát Sài Gòn từ ngày 13 đến ngày 15-1-2022. Tàu SE3 xuất phát Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 17-1-2022.

Vé đường bộ: Xe khách chờ hành khách

Còn với xe khách, ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP bến xe Hà Nội cho biết, do tình hình lượng khách di chuyển năm nay không nhiều, trong khi các nhà xe cũng dư công suất nên không có kế hoạch tăng cường. Cụ thể, dự kiến lượng khách đi lại qua các bến trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không đông, dù lượng khách sẽ có tăng lên nhưng không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe.

Theo ông Toàn, số ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài 9 ngày, nhưng do tình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành dẫn đến hạn chế các phương tiện vận tải hành khách lưu thông nên tâm lý người dân lo ngại việc di chuyển bằng xe khách. Vì vậy, dự kiến lượng hành khách đi lại qua các bến sẽ không cao. Thông thường, trong các ngày từ 21 đến 22 và 26 đến 29 tháng Chạp, lượng khách trên các bến sẽ tăng 300% so với ngày thường. Tuy nhiên, việc tăng này sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe. Đến thời điểm hiện tại, 3 bến xe lớn của Hà Nội gồm bến xe Gia Lâm, Giáp Bát và Mỹ Đình trung bình có khoảng 700 xe/ngày, lượng khách khoảng 2.000 người/ngày qua bến. Hiện, công suất hoạt động của các bến mới ở mức 26-28%.

Theo tính toán của Công ty CP bến xe Hà Nội, vào dịp cao điểm Tết Nguyên đán, tại bến xe Mỹ Đình lượng khách qua bến khoảng 4.000 lượt/ngày, lượt xe là 380 lượt/ngày. Tại bến xe Giáp Bát lượng khách qua bến là 4.200 lượt/ngày, lượt xe là 400 lượt/ngày. Tại bến xe Gia Lâm lượng khách qua bến là 1.600 lượt/ngày, lượt xe là 220 lượt/ngày. “Công ty đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên tuyến chuẩn bị tốt phương tiện để hoạt động theo biểu đồ và cơ bản không cần tăng cường phương tiện” - ông Toàn cho hay.

Nhìn nhận một số tỉnh thành đang tiếp tục có các yêu cầu giãn, giảm và dừng các tuyến trong vùng dịch màu đỏ, ông Toàn cho rằng, công ty tiếp tục cập nhật các thông tin mới về hoạt động vận tải để thông báo kịp thời đến hành khách. Bên cạnh đó, Công ty CP bến xe Hà Nội chỉ đạo các bến xe phải phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương trực thường xuyên để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải và hành khách trên bến thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Công ty CP Bến xe Hà Nội đề nghị các đơn vị vận tải chuẩn bị tốt về phương tiện để phục vụ hành khách, đảm bảo chất lượng kỹ thuật phương tiện theo quy định hiện hành, đảm bảo xe chạy theo đúng đăng ký trên biểu đồ tuyến và biểu đồ xe tăng cường đã cam kết, đặc biệt đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 theo đúng quy định…

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngân Tuyền (An ninh Thủ Đô)

CLIP HOT