Du lịch Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng: Vì sao chính sách visa nói hoài vẫn không thay đổi?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều bạn đọc đã tỏ ra thất vọng trước thông tin du lịch Việt Nam dù mở cửa sớm nhưng Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu nghiêm túc và sớm có giải pháp thỏa đáng.

Du lịch Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng: Vì sao chính sách visa nói hoài vẫn không thay đổi? - 1

Du khách châu Âu tham quan chợ đêm Cần Thơ ngày 16-11 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Như Tuổi Trẻ Online đưa tin, tại hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột dịch vụ hàng không - du lịch tổ chức chiều 16-12, ông Chris Farwell - đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) - nêu thực tế đáng buồn: Việt Nam là nước đi đầu mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 nhưng không tận dụng được lợi thế.

Cụ thể, theo thống kê năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỉ USD.

Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra thì Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch châu Á sau COVID-19.

Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỉ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh.

Cũng theo thông tin tại hội nghị bàn tròn, Thái Lan được du khách ưu tiên chọn điểm đến là đất nước này miễn thị thực (visa) đối với công dân của 65 quốc gia. Ngoài ra, thời gian miễn visa được kéo dài từ 30 - 45 ngày, một số trường hợp là 90 ngày.

Trong khi đó, ngược lại với Thái Lan, Việt Nam gặp phải rào cản rất lớn từ chính sách thị thực.

Và theo TAB, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là du khách thường phàn nàn. 

Cũng theo TAB, hiện tại không dễ xin thị thực du lịch tại các đại sứ quán của Việt Nam như trước dịch COVID-19, khi bị yêu cầu phải có các công ty bảo lãnh hoặc bị giới thiệu xin visa qua các đại lý dịch vụ cấp visa với phí thường rất cao, từ 200 USD cho tới 500 USD đối với các visa xin gấp vào thời hạn cuối, trong khi lệ phí chính thức cấp visa chỉ là 25 USD.

Tại hội nghị, đại diện TAB khuyến nghị việc mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa và kéo dài thời hạn visa từ 15 lên 30 hoặc 45 ngày là động lực lớn đối với người nước ngoài đang muốn đi du lịch đến Việt Nam.

Cho rằng chính sách cấp thị thực là vấn đề không mới, để khuyến khích du khách nước ngoài vào tham quan du lịch, nhiều bạn đọc lên tiếng đề nghị các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu nghiêm túc và sớm có giải pháp thỏa đáng vấn đề này.

"Từ nhiều năm nay, khâu thủ tục nhập cảnh (visa) vẫn là trở ngại chính với kinh tế du lịch và hàng không. Vì vậy, rất cần nghiên cứu nghiêm túc và sớm có giải pháp thỏa đáng" - bạn đọc Đào Huy Giám viết.

Đồng tình với nhận định phải mở cửa, phải tạo điều kiện tốt nhất để du khách xài tiền khi đến du lịch ở đất nước mình, bạn đọc Minh Chánh bổ sung: "Đi du lịch là phải thoải mái, do đó không lý do gì để các loại thủ tục làm phiền hà du khách. Hãy xem cách làm du lịch của Thái Lan, họ thành công hơn Việt Nam bởi họ biết "chiều chuộng" du khách".

Ngoài thủ tục đơn giản, phong cảnh xinh đẹp, thái độ hiếu khách... là các yếu tố gây thiện cảm ban đầu, dịch vụ du lịch cũng góp phần mang lại sự thành công cho ngành du lịch.

Về ý này, bạn đọc Duy viết: "Theo tôi, Việt Nam mình cũng nên xem xét những sản phẩm du lịch của chúng ta có gì hấp dẫn hơn Thái Lan và các nước xung quanh ta".

Theo bạn đọc này: "Thật sư khi du khách vào TP.HCM, chúng ta có quá ít sản phẩm du lịch để níu chân du khách ở lâu ngày và tiêu xài. Vì vậy, ngoài rào cản về visa, Việt Nam nên xem xét và đầu tư thích đáng (hợp tác công tư) cho các sản phẩm du lịch đặc sắc mới mong theo kịp các quốc gia lân cận".

Đồng tình, bạn đọc Mạnh Dũng góp thêm: "Dịch vụ du lịch tốt rất cần thiết, đó là điều kiện để du khách ở lại lâu và tiêu xài. Ngoài ra, thái độ phục vụ cũng rất quan trọng. Người Việt Nam nổi tiếng thân thiện, hiếu khách..., nhưng du khách đến một đi không trở lại là điều ngành du lịch cần nên xem lại".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tuổi trẻ

CLIP HOT