Doanh nghiệp du lịch cần có điều kiện vay vốn riêng để phục hồi và phát triển
Bà Cao Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, Giám đốc kinh doanh Viettours, bày tỏ du lịch là ngành đang có sự hồi phục nhanh nhất, nhưng lại rất thiếu các chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất. Doanh nghiệp du lịch cần có điều kiện vay vốn riêng, bởi tính đặc thù ngành là rất cao.
Du lịch là ngành đang có sự hồi phục nhanh nhất. Ảnh: T.L
Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 2,1 triệu lượt. Khách du lịch nội địa đạt gần 92 triệu lượt (cao hơn số lượng khách của cả năm 2019, trước dịch Covid-19). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 425 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ đón được 2,1 triệu lượt khách.
Để doanh nghiệp du lịch nắm bắt được thời cơ, bứt phá và gia tăng lợi thế cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, theo bà Cao Thị Tuyết Lan, mấu chốt của câu chuyện vẫn nằm ở việc tiếp cận nguồn vốn vay.
"Trong giai đoạn sau dịch, ngành du lịch tăng trưởng nóng, chúng tôi có những hợp đồng đoàn khách lớn lên đến vài chục tỉ đồng, nhu cầu đầu tư cao và có sẵn tài sản thế chấp, nhưng tiếp cận được các khoản vay của ngân hàng vẫn rất khó", bà Lan bày tỏ.
Những doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội, có ít vốn muốn dốc sức đầu tư, tăng trưởng trở lại thì ngân hàng nói hết room, không cho vay nhiều được. Nếu tiếp cận được thì tốc độ giải ngân vẫn rất chậm, bị lỡ mất cơ hội.
"Các chuyên gia tính toán, để ngành du lịch phục hồi bằng mức trước dịch Covid-19, chúng ta cần ít nhất từ 3-4 năm nữa. Vì thế, nếu Nhà nước xác định du lịch là ngành kinh tế "mũi nhọn" và thực sự quan tâm đến ngành này, thì cần có những chính sách ưu đãi kể cả về thuế", bà Lan nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, du lịch là ngành đang có sự hồi phục nhanh nhất nhưng lại rất thiếu các chương trình hỗ trợ hiệu quả nhất. Doanh nghiệp du lịch cần có điều kiện vay vốn riêng, bởi tính đặc thù ngành là rất cao.
Bên cạnh điểm nghẽn về vốn, chính sách cũng vướng. Từ đầu năm đến nay, du lịch tăng trưởng nóng, song chỉ rơi vào dòng khách nội địa, nguồn nhân lực khan hiếm trầm trọng. Các doanh nghiệp đều lo ngại thị trường nội địa "bùng nổ" dịp hè nhưng khi hết hè sẽ lại trầm lắng. Bà Lan lo ngại, nếu không tháo gỡ các chính sách nhập cảnh kịp thời cho khách ngoại vào Việt Nam, đà hồi phục ngành du lịch hiện nay có thể "sụp đổ".
Chỉ ra một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch hiện nay, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, cho rằng nguyên nhân chính do những rào cản về visa.
"Trong bối cảnh các thị trường truyền thống còn chưa mở cửa, visa sẽ là con “át chủ bài” để nhanh chóng mở rộng thị trường, tăng độ cạnh tranh đón khách quốc tế tới Việt Nam. Cần mở mạnh hơn, miễn visa cho toàn bộ các nước EU, Úc, New Zealand. Hai thị trường lớn là Trung Quốc và Mỹ, nếu chưa miễn được thì đề nghị cấp visa dài hạn 5 - 10 năm. Đồng thời, tăng thời hạn lưu trú lên 30 - 45 ngày và cho phép khách được phép nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến du lịch. Càng kéo dài thời gian lưu trú của khách càng giúp du lịch thu được nhiều ngoại tệ tại chỗ”, ông Nam nói.
Để ngành du lịch phát triển, cần ưu tiên sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Ảnh: T.L
Nêu giải pháp hỗ trợ ngành du lịch phát triển, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, cho biết ngành du lịch cần chú trọng khai thác phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao như nghỉ dưỡng dài ngày. Trong đó, ưu tiên thu hút khách theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế như du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe bên cạnh nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch ẩm thực.
Mở rộng phát triển một số thị trường mới, có lượng khách du lịch ra nước ngoài hàng năm tăng nhanh như Ấn Độ, Trung đông; Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; Đổi mới, nâng cao chất lượng, tập trung nguồn lực cho một số phương thức, hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm.
Thứ hai, về phát triển sản phẩm, theo ông Đức cần ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao, tăng cường trải nghiệm của khách du lịch. Tiếp tục phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo (du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch thành phố). Đồng thời, tăng cường công tác quản lý điểm đến, các khu vực động lực du lịch...
Trong lĩnh vực xây dựng nguồn nhân lực du lịch, ông Đức chia sẻ thêm, sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã xảy ra sự mất cân đối và thiếu hụt lao động trong ngành du lịch. Do đó, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tăng số lượng lao động trực tiếp, chú trọng lao động lành nghề, có tính chuyên nghiệp cao.
Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước phát triển thành lực lượng nòng cốt, giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là các sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao.
"Có thể thấy, thời gian qua đã có những tập đoàn đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch tạo diện mạo mới cho ngành du lịch Việt Nam. Đây là yếu tố cần được khuyến khích và nhân rộng", ông Đức nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động du lịch là một yếu tố quan trọng. Cơ quan quản lý du lịch chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả như cổng thông tin điện tử, ứng dụng du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch...
"Cần đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương, điểm đến để có sản phẩm đa dạng hóa. Bên cạnh liên kết giữa các doanh nghiệp với hàng không và đối tác để có sản phẩm mang tính trải nghiệm cao, giá cả phù hợp", ông Đức nêu giải pháp.
Tour du lịch liên tỉnh TP.HCM-Đồng Nai-Bình Dương bằng tàu hỏa được xây dựng nhằm kích cầu du lịch nội địa, góp phần...