Khó đón khách quốc tế từ 15/3

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đó là khẳng định của nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về dự đoán lượng khách quốc tế sẽ tới Việt Nam sau khi mở cửa du lịch, khi Bộ Y tế không chấp nhận kết quả test nhanh.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có phản hồi về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, ngành y tế không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, đồng thời yêu cầu những khách này không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh). Bộ Y tế cũng khuyến cáo khách không nên rời khỏi nơi cư trú trong 72 giờ đầu. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất công nhận kết quả âm tính qua test nhanh trong vòng 24 giờ trước khi xuất cảnh và trong vòng 72 giờ đối với test PCR.

Mâu thuẫn, tụt hậu

"Tôi đánh giá phản hồi này quá mâu thuẫn. Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày. Vậy khả năng khách quốc tế mắc Covid-19 từ người Việt còn cao hơn nhiều khả năng họ lây cho chúng ta.

Theo Nghị quyết 128, việc du lịch nội địa đã trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta đã xóa bỏ rào cản với khách nội. Với khách quốc tế, nếu xét theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, họ vẫn phải test trước khi đi. Đó đã là một khâu kiểm tra cao hơn rồi", ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng giám đốc AZA Travel trả lời Zing.

Khó đón khách quốc tế từ 15/3 - 1

Phản hồi mới đây của Bộ Y tế khiến nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam thất vọng. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại diện doanh nghiệp này thừa nhận không hiểu vì sao Bộ Y tế lại đưa ra phản hồi như vậy. Bởi lẽ ngoài số ca nhiễm ở mức cao, Việt Nam cũng đã có đủ các biến chủng mới trên thế giới - thứ trước kia khiến nhiều người Việt lo sợ. Do đó, việc phân biệt với khách quốc tế như vậy là không nên.

Trong khi đó, thời gian du lịch của du khách quốc tế khá hạn chế. Với khách châu Á, thời gian đi thường chỉ kéo dài 4-5 ngày. Xét theo phản hồi từ Bộ Y tế, họ sẽ tốn tới 3 ngày cách ly. Khách châu Âu có thể đi dài ngày hơn, từ 1 tuần cho tới nửa tháng. Tuy nhiên, khả năng họ chấp nhận đi du lịch kiểu này là không cao.

Thực tế đã chứng minh khi thí điểm đón khách quốc tế của Việt Nam không đạt như kỳ vọng.

Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét kết quả rất khiêm tốn này đến từ quy định cách ly y tế đối với khách du lịch quốc tế chưa thông thoáng, rõ ràng. Khách lo lắng có sự phân biệt đối xử giữa khách quốc tế và khách nội địa trong phòng chống dịch.

"Chúng ta cần nhìn về một mục đích chung. Trước kia, khi Nghị quyết 128 được ban hành, nhiều bên vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, gây khó khăn cho khách nội. Sau cùng, họ đã bị 'tuýt còi' hết.

Với du lịch quốc tế cũng vậy. Chúng ta cũng cần hướng đến cái chung là cứu ngành du lịch. Đây là ngành công nghiệp mũi nhọn, đã đóng góp gần 10% GDP cho cả nước trước dịch, tạo hơn 4 triệu việc làm", ông Đạt nói thêm.

Không có khách

Khi được hỏi về dự đoán cho việc mở cửa du lịch 15/3 tới đây, nhiều doanh nghiệp chỉ lắc đầu nói: "Không thể có khách". Một số bên chua chát thừa nhận inbound (đón khách quốc tế) sẽ chỉ là con số 0.

Theo họ, rào cản ở sân bay hoặc trước khi nhập cảnh không quan trọng. Nó có thể khiến khách tốn thêm vài giờ nhưng đó không phải vấn đề. Quan trọng là những gì họ được trải nghiệm sau khi rời sân bay.

"Du lịch là dùng tiền mua sự sung sướng. Ai lại dùng tiền để đi trong nơm nớp, lo sợ", ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc công ty Images Travel, chuyên mảng inbound, khẳng định.

Doanh nghiệp này cho biết họ đã từ chối rất nhiều đoàn khách muốn tới Việt Nam từ tháng 4, tháng 5 do chính sách không rõ ràng. Một số đoàn khởi hành tháng 9, tháng 10 mới có thể nhận.

Khó đón khách quốc tế từ 15/3 - 2

Các doanh nghiệp gặp khó vì không biết thông báo thế nào đến khách quốc tế. Ảnh: Bookaway.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, CEO Lux Group, tỏ ra rất thất vọng với phản hồi của Bộ Y tế. Theo ông Hà, việc chính sách không nhất quán, tranh cãi quá nhiều với các đề xuất, dự thảo đang đánh mất những cơ hội lớn của Việt Nam nếu muốn thu hút khách quốc tế.

"Thái Lan họ đã ra cam kết mở cửa từ tháng 7 năm ngoái để thực hiện dần. Hiện nay, họ cũng đã gỡ bỏ nhiều rào cản với khách quốc tế. Chúng ta xưa từng có lợi thế là nước chống dịch tốt thì nay lại thông tin quá chậm, chính sách không rõ ràng. Việt Nam đang tụt lại so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia...", ông Hà chia sẻ.

Đại diện doanh nghiệp này cũng khẳng định chắc chắn đợt mở cửa 15/3 tới khó thành công nổi, bởi lẽ chính bản thân doanh nghiệp cũng không biết thông báo thế nào với khách. Ngoài ra, vấn đề visa với các thị trường được miễn visa trước đây cũng chưa rõ ràng. Do đó, không phải khách muốn đi, doanh nghiệp muốn đón là có thể làm được.

Ông Hà nói thêm: "Tôi chỉ nhìn thấy một bức tranh ảm đạm trước mắt".

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Anh Tú (Zing News)

CLIP HOT