Mở cửa du lịch: Tiêm đủ mũi thì "ngoại như nội", không phân biệt đối xử
Bên cạnh các chính sách rộng thoáng, chương trình kích cầu, đại diện các công ty du lịch, cơ sở lưu trú mong muốn xây dựng thêm nhiều trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn và an toàn cho du khách.
Sáng 3/3/2022, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm “Giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế đến TP.HCM năm 2022”, sự kiện diễn ra trước thềm Việt Nam mở cửa đón khách nước ngoài từ 15/3 tới.
Lãnh đạo Thành phố, Sở Du lịch tại buổi tọa đàm.
Du khách đến Việt Nam cần đối xử như người Việt
Tại tọa đàm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vietravel, nhấn mạnh cần coi khách quốc tế như khách nội địa khi họ đã được tiêm chủng đầy đủ: “Trước mắt, Sở Du lịch cần làm việc với Sở Y tế, để hỗ trợ du khách xét nghiệm PCR tại các bệnh viện. Đây cũng là một trong nhiều các chính sách cần có để hỗ trợ, kích cầu và thu hút khách.
Chúng ta cũng cần làm việc với các cơ sở lưu trú, xem khách ngoại như khách nội khi đã tiêm chủng, xét nghiệm âm tính, phải tạo cho họ cảm giác thoải mái, tận hưởng các trải nghiệm khi du lịch ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cần bổ sung nhân lực vì hiện đang thiếu trầm trọng, khi khách đến sẽ không có đủ người phục vụ.”
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vietravel.
Cùng quan điểm với ý kiến trên, đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt cho biết không chỉ quảng bá điểm đến cho khách quốc tế, du lịch Việt Nam nên nhấn mạnh cho họ thấy rằng có thể thoải mái di chuyển giữa các địa phương, không mất thời gian và gặp nhiều thủ tục.
Qua thử nghiệm từ đợt khách dịp đầu năm, trong 9.000 khách vào Việt Nam chỉ có 24 người nhiễm bệnh, so với tỷ lệ của TP.HCM là rất nhỏ. Khách đi du lịch chỉ có từ 10 đến 15 ngày, nếu phải mất nhiều thời gian để xét nghiệm, cách ly thì họ có thể chọn nước khác tốt hơn, ít thủ tục hơn.
"Chúng ta cần một sự đột phá về chính sách, tôi kiến nghị cho khách quốc tế đến nước ta không cần xét nghiệm mà chỉ cần đã tiêm đủ 2 mũi trước đó. Khách khi du lịch cũng đã mua bảo hiểm, do vậy nếu có vấn đề phát sinh thì sẽ được hỗ trợ hoặc tự chịu chi phí. Nếu có cơ chế như vậy, khách đến TP.HCM và di chuyển sang các địa phương liên kết sẽ rất dễ dàng, thuận tiện", đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt nói.
“Chúng ta cần một sự đột phá về chính sách.”
Ông Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch của Chính phủ, cho rằng, khách du lịch chiếm 80% khách bay, không có du lịch quốc tế hàng không cũng không có khách. Trong thời gian thí điểm chỉ đón được 9.000 khách là con số quá ít ỏi do điều kiện đang làm khó du khách cũng như các công ty du lịch. Với đề xuất mới đây của Bộ Y tế, ông Nam cho rằng "không thể chấp nhận được".
"Du khách đến Việt Nam cần đối xử như người Việt, không nên phân biệt đối xử. Du khách khi đáp ứng điều kiện nhập cảnh, vào Việt Nam nên đối xử với họ như người Việt thì mới có khách. Nếu làm khó việc mở cửa du lịch sẽ không hiệu quả, các hãng hàng không thậm chí lỗ nặng", ông Nam nhấn mạnh.
Về vấn đề visa, ông Nam cho rằng, trước Covid-19, chúng ta chỉ miễn visa cho 24 quốc gia, vùng lãnh thổ là rất ít. Sau khi mở cửa nên khôi phục lại vấn đề này, và mở rộng hơn nữa. Với các quốc gia không thể miễn visa, ông Nam đề xuất nên xem xét chính sách visa nhiều năm để thu hút khách.
Liên kết giữa các địa phương, tạo điều kiện tự do đi lại
Ông Võ Anh Tài - Phó tổng Giám đốc Saigontourist, cho biết cần có sự liên kết và đồng bộ giữa các địa phương với nhau sau thời điểm 15/3: “Chúng tôi kiến nghị có sự liên kết với các địa phương khác, ví dụ TP.HCM - Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt,... không chỉ tạo được đa dạng sản phẩm du lịch, mà còn thống nhất các quy định về cách ly, để khách không phải gặp tình trạng phân biệt đối xử khi di chuyển sang các tỉnh thành khác.
Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Saigontourist.
Trong chuyến bay quốc tế đến thành phố, không chỉ có khách du lịch mà còn có các nhà đầu tư. Chúng ta cần tập trung quảng bá điểm đến của mình, để đảm bảo an toàn, hấp dẫn như tiêu chí “điểm đến an toàn, hấp dẫn” đã được đặt ra.
Sự hấp dẫn về giá cả, đa dạng dịch vụ đã có, tiếp theo chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng về quy trình, chính sách, sau đó nữa là công tác truyền thông. Công tác này cần đẩy mạnh trong lĩnh vực ngoại giao ở đại sứ quán Việt Nam tại các nước. Các đại sứ, lãnh sự và đại diện các công ty du lịch ở nước ngoài cần xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, mức độ hấp dẫn ra sao khi khách đến thành phố.
TP.HCM được Giải thưởng Du lịch Quốc tế bình chọn là điểm đến MICE hàng đầu châu Á.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh du lịch MICE. Hiện tại thành phố có rất nhiều hội nghị, sự kiện, liên hoan quốc tế, hội chợ xúc tiến được tổ chức nhưng người nước ngoài chưa thể tham gia. Tôi cho rằng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố, các cơ quan có mối quan hệ tốt, các tổ chức kinh tế cần đăng cai, tổ chức sự kiện, chương trình MICE để lan tỏa, thu hút khách, từ đó tăng lượng khách đến lưu trú, lữ hành.”
Về chính sách thị thực nhập cảnh cho khách quốc tế, ông Võ Anh Tài cho rằng, khi mở cửa du lịch quốc tế, cần sẵn sàng phục hồi ngay chính sách miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho các quốc gia, vùng lãnh thổ như trước khi dịch Covid-19 bùng phát trên cơ sở các quốc gia này đảm bảo an toàn về dịch bệnh, giao thông quốc tế được phục hồi.
Giá giảm không giúp chất lượng dịch vụ tăng
Hãng hàng không Bamboo Airways và Công ty Lửa Việt đều nhìn nhận rằng không nên giảm giá vì sẽ kéo chất lượng dịch vụ đi xuống.
“Về vấn đề giá cả, tôi lo lắng chất lượng và dịch vụ sẽ đi xuống sau dịch, nếu giảm giá nữa sẽ kéo theo chất lượng đi xuống. Hiện tại, hầu hết các chi phí đều tăng cao, cá biệt giá tour outbound phải tăng do test 3 lần PCR, không chỉ tăng giá trực tiếp mà các chi phí như logistics, thời gian, xăng dầu cũng tăng mạnh. Do vậy, chúng ta cần tăng lượng khách để trừ khấu hao, thay vì giảm giá,” đại diện Lửa Việt chia sẻ.
Trong khi đó, ông Trương Phương Thành - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, hiến kế cần bán dịch vụ theo combo, trọn gói thay vì giảm giá cho từng sản phẩm riêng lẻ.
Ông Trương Phương Thành - Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways.
Ông Thành cho biết: “Trong 3 năm qua dù bị ảnh hưởng dịch bệnh 2 năm, hãng đã vận chuyển được 10 triệu hành khách trong 80.000 chuyến bay, chỉ số đúng giờ đạt đến 96,6%, chất lượng dịch vụ hàng không được đánh giá tốt. Do đó, để du lịch phát triển thì khâu vận chuyển hành khách, dịch vụ vận chuyển cũng phải tốt.
Về vấn đề giá, nếu đặt nặng chuyện giảm giá để kích cầu thì các hãng hàng không sẽ chết. Thực tế, cơ cấu bán vé của các hãng hàng không với khách hàng phí cao, khách cũng không phải trả tiền cho các dịch vụ mặt đất, thuế, phí, do đó phải đẩy giá vé lên cao. Tôi mong Sở Du lịch và Thành phố có kiến nghị chung với Bộ Tài chính, chỉ giảm giá ở một mức độ nhất định, nhẹ nhàng.
Để kích cầu du lịch nên tạo các combo, có tour trọn gói như du lịch kết hợp nghĩ dưỡng, trọn gói từ vận chuyển đến ăn ở… Nếu bán từng sản phẩm riêng biệt, rời rạc sẽ khó thu hút được khách.”
Giám đốc Khách sạn Caravelle cũng cho rằng không nên giảm giá vì sẽ làm chất lượng giảm theo: “Cơ sở lưu trú là một phần trong chuyến đi của khách, nếu giảm giá sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng tour. Tôi đề nghị có chính sách rõ ràng, nhất quán. Bên cạnh đó, nếu mở cửa thì chúng ta nên có khẩu hiệu gây ấn tượng mạnh cho khách ngay, ví dụ “Mở cửa an toàn, nâng cao chất lượng”.
Hiện tại, ngành Du lịch TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất cũng như các sản phẩm hấp dẫn chào đón du khách...