Cần Giờ thí điểm kết hợp du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với TP HCM mà cả vùng kinh tế trong điểm phía Nam và cả nước, như “gạch nối” quan trọng trong hành lang ven biển với xu hướng phát triển xanh, bền vững.

Bài toán phát triển bền vững

Ngày 16/8, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội thảo “Cần Giờ xanh - hướng tới đô thị sinh thái ven biển”.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, sự hiện diện của lãnh đạo TP.HCM tại hội thảo là cam kết của lãnh đạo thành phố về quyết tâm, đồng hành trong xây dựng huyện Cần Giờ xanh, phát triển bền vững.

Ông Mãi bày tỏ, lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện Cần Giờ cùng các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân sẽ cùng nhau chia sẻ, chung sức để thực hiện mục tiêu chung này. Việc phát triển Cần Giờ được bàn thảo hàng chục năm nay, bài toán đặt ra là làm sao để vừa phát triển Cần Giờ, vừa bảo tồn được những giá trị sinh thái rừng ngập mặn.

"Đây là bài toán quan trọng và mong muốn tìm được lời giải từ góp ý của chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Làm sao chúng ta chọn đúng định hướng, bước đi, hành động để vừa phát huy giá trị, vừa giữ gìn các giá trị và tạo ra nền tảng, môi trường, điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững của Cần Giờ", ông Mãi nói.

Cần Giờ thí điểm kết hợp du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP - 1

Chủ tịch Phan Văn Mãi cùng các đại biểu tham quan gian hàng đặc sản ở Cần Giờ

Theo ông Mãi, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với TP.HCM mà cả vùng và quốc gia. Nói cách khác, Cần Giờ là mặt tiền biển, cửa ngõ rất quan trọng của TP.HCM nối ra thế giới.

"TP.HCM là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm của miền Nam, đầu mối kinh tế lớn. Cần Giờ là gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển. Và trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương", ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng, không chỉ xây dựng kịch bản phát triển huyện Cần Giờ là xong, quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh để mục tiêu được đi đúng hướng, đúng lộ trình. Trong suốt các quá trình này, lãnh đạo TPHCM mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân tiếp tục theo dõi, đóng góp.

Cần Giờ thí điểm kết hợp du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP - 2

Rừng ngập mặn Cần Giờ

TP.HCM đang rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, chiến lược phát triển; do vậy rất cần phát huy trí tuệ trong nghiên cứu khoa học, ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững huyện Cần Giờ nói riêng, TP.HCM nói chung.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị sau hội thảo này, UBND huyện Cần Giờ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tiếp thu các ý kiến đóng góp để kịp thời bổ sung vào quy hoạch của huyện, bổ sung vào quy hoạch chung của TP.HCM.

Đồng thời chọn những việc hành động ngay để đưa vào kế hoạch thực hiện Nghị quyết 12 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030. Chủ tịch UBND TP.HCM cũng mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân tiếp tục cùng chung sức đóng góp xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Không chỉ đóng góp tạo ra sự tăng trưởng phát triển trước mắt mà còn xây dựng, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài, cho các thế hệ tương lai. Đó là sứ mệnh của TP.HCM.

Thí điểm kết hợp du lịch sinh thái với sản phẩm OCOP

Tại hội thảo, các đại biểu đã hiến kế để xây dựng Cần Giờ thành một đô thị có cấu trúc tốt, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, diện mạo đô thị có nhiều nét khởi sắc, bảo tồn khai thác được các giá trị cảnh quan và di tích đặc thù, mở ra các hướng phát triển tiềm năng về rừng và biển.

Chuyên gia kinh tế. TS Trần Du Lịch nhận định có những ý tưởng rất hay trong phát triển kinh tế xanh Cần Giờ từ công nghiệp xanh, dịch vụ xanh, nông nghiệp xanh - sạch - hữu cơ, đô thị xanh, giao thông xanh... Dù vậy, để làm được những điều này là không đơn giản, cần tính toán để có giải pháp cụ thể nhằm đạt mục tiêu, kêu gọi đầu tư…

"Trong đó, Cần Giờ có thể định hướng triển khai 3 ngành khả thi là du lịch biển, kinh tế hàng hải mà gốc là cảng; năng lượng tái tạo vốn là thế mạnh của nơi này. Đây là 3 trụ cột của Cần Giờ", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Một số ý kiến cũng cho rằng, Cần Giờ cần chọn du lịch làm kinh tế mũi nhọn; phát triển các khu đô thị lấn biển kết hợp với du lịch, dịch vụ và thương mại; khai thác tiềm năng điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hoàn thành dự án cảng trung chuyển và kết nối giao thông phá vỡ thế ốc đảo của Cần Giờ.

Nghiên cứu đã giới thiệu mô hình thí điểm kết hợp du lịch sinh thái với sản phẩm OCOP nhằm tăng trải nghiệm của du khách, và hướng đến nhân rộng mô hình trong tương lai.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phương Hà

CLIP HOT