Bàn giải pháp hỗ trợ cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ ở TP.HCM
So với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng 1-5 sao tại TP.HCM giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở, số lượng giảm mạnh tập trung ở nhóm 1-2 sao.
Dọc theo các con đường, giờ đây dễ dàng nhận thấy bảng “nhà bán, nhà cho thuê……”
Chiều 23/3/2023, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM”, để lắng nghe các ý kiến, bàn giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp khách sạn vừa và nhỏ.
Theo báo cáo Sở du lịch, tới cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh.
Trong đó, 325 khách sạn được xếp hạng từ 1-5 sao, tương ứng với 17.613 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn. Có 2.902 khách sạn đạt tiêu chí tối thiểu cơ sở vật chất và kỹ thuật dịch vụ, tương ứng với hơn 48.000 buồng/phòng đạt tiêu chuẩn.
So với cuối năm 2019, tổng số cơ sở lưu trú hạng từ 1-5 sao giảm từ 1.342 cơ sở còn 325 cơ sở (tương ứng giảm 312% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giảm mạnh tập trung ở đối tượng từ 1-2 sao.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM.
Lí giải việc sụt giảm này, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, nguyên nhân chính là do từ ngày Luật Du lịch 2017 có hiệu lực (có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2018, cơ sở lưu trú du lịch tự nguyện xếp hạng sao, không bắt buộc xếp hạng như Luật Du lịch 2005), xuất hiện số lượng lớn các khách sạn không có nhu cầu xếp hạng sao, do đó số lượng khách sạn từ 1-2 sao giảm mạnh.
Tuy vậy, một trong những lợi thế so sánh của ngành du lịch thành phố so với các tỉnh, thành phố khác, là hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch rộng khắp với hơn 3.227 cơ sở.
Hiện hệ thống khách sạn tập trung ở đối tượng các cơ sở lưu trú đạt điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch và các khách sạn 1-3 sao trên địa bàn thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn khách, nhân sự, mức độ ứng dụng chuyển đổi số của khách sạn nhỏ và vừa còn hạn chế, nên tính cạnh tranh không cao...
Địa bàn có nhiều cơ sở lưu trú nhất tại TP.HCM, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Q.1, cho biết, quận đã triển khai nhiều chương trình đồng hành với doanh nghiệp du lịch, để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở lưu trú về vốn, chính sách...
Từ những buổi gặp gỡ, trao đổi, quận và các ngân hàng đã thống nhất hỗ trợ doanh nghiệp bằng cho vay với lãi suất ưu đãi, để các doanh nghiệp có điều kiện vực dậy, tiếp tục phát triển kinh doanh lưu trú...
Tuy nhiên, về lâu dài vẫn cần sự chung tay của các sơ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp lưu trú để hỗ trợ họ nhiều hơn.