Ba Bể hút khách du lịch từ giá trị văn hóa và thiên nhiên nguyên sơ
Ngoài ra, Ba Bể cần phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, xây dựng tuyến điểm đặc sắc, thấu hiểu thị hiếu của du khách đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Hà Nội, TP.HCM.
Sáng 4/6 vừa qua, tại huyện Ba Bể, UBND Huyện Ba Bể đã tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá phát triển du lịch địa phương. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Tuần du lịch – di sản văn hóa Ba Bể năm 2022.
Chia sẻ tại hội nghị, bà Ma Thị Cử - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết, Ba Bể là huyện miền núi có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, độc đáo. Ngoài Hồ Ba Bể là địa danh nổi tiếng nằm trong Vườn Quốc gia Ba Bể, huyện còn có những danh lam thắng cảnh đẹp như: Động Hua Mạ, Động Thẳm Phầy, Động Puông, Thác Đầu Đẳng, Ao Tiên.
Ngoài ra, nơi đây còn có các điểm du lịch sinh thái như: Lủng Cháng, Phiêng Phàng; các di tích lịch sử, văn hoá - tâm linh và nguồn văn hoá ẩm thực, sản phẩm nông, lâm sản dồi dào... là nền tảng cho việc phát triển du lịch cũng như nền kinh tế gắn liền với du lịch.
Hồ Ba Bể
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cho rằng ngành du lịch Ba Bể hiện vẫn chưa phát triển xứng tầm với các tiền năng, lợi thế, điều kiện hiện có do còn đối mặt với các hạn chế về nguồn nhân lực, vốn đầu tư, mật độ và chất lượng của các cơ sở lưu trú, sản phẩm dành cho du khách còn hạn chế và khá đơn điệu.
Để du lịch Ba Bể phát triển đúng tầm, các doanh nghiệp du lịch cho rằng Ba Bể cần có sự quy hoạch cụ thể, khôi phục các làng nghề truyền thống, xây dựng các tour tuyến rõ ràng, có sự đầu tư hơn nữa cho các sản phẩm du lịch liên quan đến văn hóa bản địa…
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy đánh giá cao những nỗ lực phát triển du lịch của Ba Bể và cho rằng những di sản văn hóa tại đây cần được phát huy và trở thành tài nguyên phát triển cho ngành du lịch.
Phó Tổng cục trưởng TCDL Phạm Văn Thủy phát biểu tại Hội nghị
Điều quan trọng của Ba Bể chính là phải biết cách đưa những giá trị văn hóa trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Vì vậy, cần tạo ra các điểm vui chơi giải trí, xây dựng sản phẩm ẩm thực văn hóa đặc trưng của vùng Đông Bắc và rất đặc trưng của Ba Bể.
Đồng thời cần tạo ra sản phẩm du lịch xanh, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm - đây cũng là thế mạnh của Ba Bể; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, không chỉ trong nước mà quảng bá nhiều hơn ra thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng cũng cho rằng, huyện Ba Bể và tỉnh Bắc Kạn cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch, xây dựng chính sách thu hút nhà đầu tư đến với hồ Ba Bể, xây dựng chính sách quản trị điểm đến.
Tổng kết hội nghị, ông Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đánh giá cao những góp ý của các đại biểu. Ông đề nghị huyện Ba Bể cần nỗ lực tái đầu tư những hạ tầng thiết yếu để phục vụ du khách trong và ngoài nước, cần tham vấn ý kiến rộng rãi để xây dựng tour du lịch trong hồ Ba Bể phù hợp hơn.
Ông Hưng cũng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch Bắc Kạn; mong muốn các bộ, ngành, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành quan tâm đồng hành cùng sự phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn. Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, xây dựng khu du lịch hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia.
Trước đó, Việt Nam đã 3 lần là điểm đến hàng đầu châu Á, nhiều lần dẫn đầu khu vực tại các hạng mục di sản,...