Ẩm thực đường phố Thái Lan gặp khó vì đại dịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nét văn hóa đặc trưng của ẩm thực đường phố Thái Lan đang đối mặt với vô số khó khăn vì làn sóng dịch thứ 3.

Khi chủ tiệm mì nổi tiếng Charnchai Tangsubmanee qua đời vì Covid-19 vào tháng trước, 4 đứa con lớn của ông không tin nổi điều gì đang diễn ra.

Người đàn ông 73 tuổi cùng cửa hàng bình dị của ông được xem như biểu tượng của Bangkok (Thái Lan). Michelin Guide đã điền tên cho cửa hàng Guay Jub Ouan Pochan của ông vào danh sách Bib Gourmand danh giá vào năm 2019. Đây là lần thứ 3 Charnchai Tangsubmanee có vinh dự này.

Tuy nhiên, Covid-19 đã cướp đi của ông cơ hội được cùng Guay Jub Ouan Pochan xuất hiện trong Michelin Guide lần nữa. Charnchai Tangsubmanee đã qua đời chỉ sau 3 tuần dương tính với Covid-19.

Dịch bệnh ảnh hưởng tới ẩm thực

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Tôi chưa bao giờ nghĩ cha sẽ chết vì Covid-19", Jitrapat Tang, con gái thứ hai của Charnchai, nói với VICE World News khi đôi mắt còn đẫm lệ. "Nhưng giờ, ông ấy đã ra đi mãi mãi. Chúng tôi phải sống tiếp để hiện thực hóa ước mơ của ông", cô nói thêm.

Nằm trên Đường Yaowarat trong khu phố Tàu, Guay Jub Ouan Pochana là một quầy hàng nhỏ với chỗ ngồi tràn ra vỉa hè. Quán nổi tiếng với món mì gạo ăn cùng nước dùng đặc. Guay Jub Ouan Pochana đã tồn tại 50 năm và là địa chỉ yêu thích của các du khách lẫn dân địa phương.

Ẩm thực đường phố Thái Lan gặp khó vì đại dịch - 1

Charnchai khi còn sống là một biểu tượng của ẩm thực đường phố Bangkok. Ảnh: Vice.

Với việc được ghi danh vào giải thưởng Bib Gourmand của Michelin Guide, tên tuổi của quán còn nổi tiếng hơn nữa. Theo Vice, Bib Gourmand không danh giá như một ngôi sao Michelin. Tuy nhiên, đây cũng là chứng nhận về một quán ăn phục vụ tốt, món ngon và giá vừa phải từ các chuyên gia Michelin Guide. Tại Bangkok, chỉ có 60 nhà hàng và xe đẩy được điền tên vào danh sách này.

Vợ của Charnchai cũng có kết quả xét nghiệm dương tính. Tuy nhiên, bà đã phục hồi nhanh chóng.

Bangkok nói riêng hay Thái Lan nói chung vốn nổi danh như thiên đường của ẩm thực đường phố. Tuy nhiên, những người đang chung tay tạo nên thiên đường này lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong làn sóng Covid-19 lần thứ 3.

Ẩm thực đường phố Thái Lan gặp khó vì đại dịch - 2

Những người bán hàng vỉa hè ở Thái Lan gặp khó khăn trong đại dịch. Ảnh: SCMP.

Theo truyền thông địa phương, ít nhất 5 chủ hàng ăn vỉa hè ở Bangkok đã qua đời trong đợt dịch mới này. Trong tuần vừa rồi, Thái Lan ghi nhận khoảng 20.000 ca mới mỗi ngày với gần 200 trường hợp tử vong - con số cao gấp nhiều lần những đợt bùng phát trước.

Tuy nhiên, những người bán hàng vỉa hè gặp khó khăn về các chương trình an sinh xã hội, khi không được công nhận là lao động chính thức. Trong thời điểm dịch bệnh, những người này đang sống trong khủng hoảng vì thu nhập sụt giảm, không được đảm bảo an sinh xã hội... Đó là thực tế phũ phàng, dù nhóm lao động phi chính thức này chiếm nửa số lao động của đất nước - khoảng 20 triệu người.

Cầm cự để mưu sinh

Dù không được đảm bảo chính sách an sinh xã hội, công việc vẫn là công việc. Những người bán hàng vỉa hè ở Thái Lan vẫn phải hoạt động để có thu nhập chi trả hàng loạt chi phí khác - đặc biệt là tiền thuê mặt bằng.

Để hạn chế lây nhiễm, chính phủ Thái Lan đã áp dụng lệnh cấm ăn uống trong nhà ở Bangkok và giới hạn thời gian mở cửa tới 20h.

Ẩm thực đường phố Thái Lan gặp khó vì đại dịch - 3

Thời gian mở cửa hạn chế khiến thu nhập của những người bán hàng vỉa hè giảm mạnh. Ảnh: Vice.

Yupadee "Pheung" Kittawee, chủ cửa hàng bánh tráng miệng truyền thống của Thái Lan, cũng đồng cảnh ngộ. Yupadee cho biết cửa hàng thường hoạt động từ 17h đến 22h. Họ đã cố đẩy thời gian mở cửa sớm hơn để đáp ứng yêu cầu từ chính phủ. Tuy nhiên, phần nguyên liệu chuẩn bị tốn quá nhiều thời gian khiến việc mở cửa sớm hơn nữa gần như không thể.

"Tôi chỉ mong sẽ có thêm nhiều người được tiêm chủng để đất nước sớm bình thường trở lại", Yupadee chia sẻ.

Somyos, một cửa hàng bán đồ ăn đường phố cũng có tên trong danh sách Bib Gourmand năm nay, thông báo thiệt hại khoảng 80%. Adun "Somyos" Srirarak - chủ cửa hàng - thừa nhận họ đang gặp khó. "Chúng tôi vẫn phải hoạt động để nuôi sống các nhân viên và chi trả những khoản phí khác", người này nói.

Hiện tại, khoảng 13% dân số Thái Lan đã được tiêm 2 mũi vaccine - so với 39% ở nước láng giềng Campuchia hay 53% tại Mỹ. Kế hoạch mở cửa du lịch của Thái Lan với khách nước ngoài tạm thời đổ bể chỉ sau vài ngày. Việc "hộp cát" Phuket mới đây bị tạm dừng cũng chủ yếu do các ca nhiễm từ chính du khách trong nước.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo Hoài Anh (Zing News)

CLIP HOT