Vì sao máy bay vẫn là phương thức vận chuyển an toàn nhất hiện nay?
Khả năng một người thiệt mạng do tai nạn ô tô chắc chắn cao hơn trong một vụ tai nạn máy bay.
Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Mỹ, đã có 39.107 ca tử vong do tai nạn ô tô ở nước này vào năm 2019. Cùng năm đó, có 257 ca tử vong do tai nạn máy bay thương mại trên khắp thế giới. Nói cách khác, khả năng thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay là rất thấp.
"Tai nạn hiếm xảy ra trong ngành hàng không. Có 5 vụ tai nạn chết người trong số 32,2 triệu chuyến bay vào năm 2022. Điều đó nói lên rằng sử dụng máy bay là một trong những hoạt động an toàn nhất mà một người có thể tham gia", Willie Walsh, tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), cho biết trong một tuyên bố.
Trong những ngày đầu của ngành hàng không, việc bay rủi ro hơn nhiều so với ngày nay. Tiến sĩ Dan Bubb, giáo sư tại Đại học Nevada (Mỹ), cho biết: "Khi máy bay còn sơ khai, chúng được làm bằng vải và gỗ. Có những câu chuyện được ghi lại về việc cánh và đuôi tách khỏi thân máy bay sau khi phi công gặp phải nhiễu động lớn".
Tuy nhiên, trong vòng ba thập kỷ, vào đầu những năm 1930, chất lượng máy bay được cải thiện đáng kể khi các hãng hàng không mua máy bay hai động cơ, hoàn toàn bằng kim loại.
Mặc dù độ an toàn đã được cải thiện vào giữa thế kỷ này, nhưng việc đi máy bay vẫn tương đối rủi ro. "Những vụ tai nạn nghiêm trọng đã từng phổ biến một cách đáng ngạc nhiên. Vào năm 1985, cứ khoảng hai tuần lại có một vụ tai nạn nghiêm trọng. Ngày nay, vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm mà không ghi nhận một sự cố nghiêm trọng nào", cựu phi công Patrick Smith của Ask the Pilot nói với T+L.
Máy bay là một trong những phương thức vận chuyển an toàn nhất hiện nay. Ảnh: Forbes
Theo Smith, sự cải tiến này một phần là do việc đào tạo phi công tốt hơn và cải tiến công nghệ trên máy bay. Việc đào tạo phi công hiện nay vượt xa các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để vận hành máy bay.
Và đối với công nghệ trên máy bay, có vô số hệ thống được thiết kế để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay, từ hệ thống chữa cháy đến Hệ thống tránh va chạm giao thông (TCAS) đến Hệ thống cảnh báo khoảng cách gần mặt đất nâng cao (EGWPS). "Một trong những lý do khiến máy bay rất phức tạp là vì nhiều tính năng an toàn và dự phòng. Mọi hệ thống và thành phần trên tàu bay phải được thiết kế với độ tin cậy cực cao", ông nói thêm.
Và tất cả những hệ thống đó đều được kiểm tra thường xuyên và kỹ lưỡng, đặc biệt là ở Mỹ thuộc thẩm quyền của Cục Hàng không Liên bang (FAA). Nếu bất kỳ máy bay nào không qua kiểm tra, nó sẽ tự động bị hạ cánh. Các thợ máy sẽ tháo rời máy bay để kiểm tra tất cả các bộ phận. Ngoài ra, FAA sẽ cử các thanh tra viên đến kiểm tra đột xuất các máy bay, bao gồm kiểm tra tất cả các hồ sơ và tài liệu. Quá trình này nghiêm ngặt hơn nhiều so với bất kỳ phương thức vận tải công cộng nào khác.
Mặc dù ngày nay các vụ tai nạn hàng không chết người vẫn xảy ra với tần suất cực kỳ hiếm, nhưng sự an toàn vẫn đang tiếp tục được cải thiện. Walsh nói, "An toàn là ưu tiên cao nhất của ngành hàng không và mục tiêu của chúng tôi là làm cho mọi chuyến bay cất cánh và hạ cánh an toàn, bất kể khu vực hay loại máy bay".
Theo dõi thời tiết Tây Ninh từ chiều hôm trước, đến Tây Ninh từ sáng sớm hôm sau - đó là cách để rất nhiều người...