Những thói quen khiến khách Việt bị kỳ thị khi đi tour
Một thói xấu của khách Việt đi tour là tha lôi, mang theo quá nhiều đồ ăn và thản nhiên mang vào nhà hàng, điều đại kỵ tại các nước phát triển.
Khác biệt giữa văn hóa ứng xử là một nguyên nhân gây ra những hiểu lầm dẫn đến thái độ kỳ thị của những người xung quanh khi chúng ta đi du lịch nước ngoài. Ngọc Lâm và Phan Lâm đã đúc kết những kinh nghiệm "xương máu" trong hơn 20 năm vi vu và làm hướng dẫn viên ở hàng chục quốc gia trên thế giới, giúp ích cho những ai đang lên lịch trình cho các chuyến du lịch hậu Covid-19.
Trong các tour du lịch nước ngoài, đặc biệt là các nước phương Tây, chuyện ăn uống luôn là những hành vi dễ bị kỳ thị và gây khó chịu nhất cho người bản địa. Vấn đề này không phải do chúng ta kém cỏi mà do văn hóa ăn uống trong nhà hàng của người Việt quá dễ dãi cũng như đại đa số thực khách ít để ý đến các quy tắc ứng xử khi ăn uống trong nhà hàng.
Không phải ai cũng vậy, nhưng chúng ta thường bị nhiễm thói cứ đông là vui, mà khi vui thì quên hết. Nhiều khi, hướng dẫn viên cũng ngại nhắc vì trong một bữa ăn, nhắc và giải thích đến ba lần thì không còn là bữa ăn nữa.
Hướng dẫn viên giải thích các quy tắc ứng xử nơi công cộng cho khách đi tour. Ảnh: NVCC
Thường tạo tiếng ồn
Khi khách đông, mà khách đã quen biết nhau thì rất nhiều chuyện để nói, trong các nhà hàng Âu thì họ sợ nhất là tiếng ồn, mà các nhóm khách tour thì thừa tiếng ồn. Đối với những nhà hàng phục vụ toàn khách đoàn thì không sao nhưng đôi khi, các tour du lịch vì muốn cho khách hàng những trải nghiệm đặc biệt nên sẽ chi trả cho những bữa ăn tại các nước châu Âu trong những nhà hàng sang trọng. Với khách hàng, họ rất hân hoan và cảm ơn công ty, nhưng đối với những người làm dịch vụ thì việc lưỡng lự không nhỏ vì có nguy cơ vấp phải phân biệt đối xử từ những khách khác trong nhà hàng nếu ứng xử không khéo.
Sử dụng dao dĩa trên bàn ăn không đúng cách
Khách dùng đũa như người Việt sẽ không quen sử dụng dao dĩa, và trong bộ đồ dao dĩa thì thìa dễ sử dụng nhất. Nhưng thìa nào để dùng súp, thìa nào dùng đồ tráng miệng không phải ai cũng biết. Chính vì thìa dễ sử dụng nhất nên ai cũng muốn dùng vào bất kể món nào trên bàn ăn, cho đến khi ăn tráng miệng thì không có thìa dùng tiếp, nên đi lấy ở các bàn bên cạnh mà không để ý đây là việc tối kỵ trong các nhà hàng nước ngoài.
Nhân viên thường phải dọn sẵn bàn để chờ khách, nên khi khách khác lấy đồ trên bàn ăn đã dọn, nhân viên sẽ bị khiển trách nếu nhóm khách vào sau bị thiếu đồ. Điều này nếu ở nước ta thì bình thường, thậm chí khi thiếu thứ gì đó chúng ta có thể vào tận bếp để lấy. Nhưng với những nhà hàng ở nước ngoài, bếp nấu là khu cấm địa, ngay cả đối với nhân viên, tùy phận sự, không phải ai cũng được phép bước chân vào bếp.
Mang đồ ăn từ bên ngoài vào nhà hàng
Một thói xấu nữa của khách đi tour là tha lôi, mang theo quá nhiều đồ ăn phụ và thản nhiên vào nhà hàng. Đây là điều đại kỵ tại các nước phát triển, kể cả các nhà hàng châu Á vì để khách mang đồ ăn thêm vào nhà hàng có thể coi là điều sỉ nhục đối với đầu bếp của họ.
Tại sao đi ăn mà phải mang thêm đồ ăn? Chúng tôi nấu không ngon ư? Vẫn biết là khác biệt khẩu vị, có những người không thể ăn nổi đồ ăn châu Âu nhưng vì bỏ qua mọi quy tắc nên bất. Một nguyên nhân nữa là trách nhiệm đối với khách hàng của các nhà hàng nước ngoài rất cao, có thể dẫn đến bị khởi tố nếu khách hàng ăn ở nhà hàng mình mà gặp vấn đề về sức khỏe. Vì thế, các chủ nhà hàng hoàn toàn không muốn khách mang đồ ăn bên ngoài vào để miễn nhiễm trách nhiệm của họ.
Một đoàn khách tour không ăn được đồ Tây, họ sẽ mang theo mắm tép, muối mè, ruốc... có người cầu kỳ còn cả một chai nước mắm nhỏ để ăn với... thịt bò bít tết vì sốt tiêu đen của họ không hợp và dậy mùi như nước mắm. Cái sự ăn quen miệng như vậy làm cho cả nhân viên nhà hàng và hướng dẫn viên du lịch đều khó xử và thêm rất nhiều bận bịu khi phải lấy thêm đĩa để đựng ruốc, muối vừng lạc, bát đựng nước mắm...
Nhiều yêu cầu và đòi hỏi
Có những đoàn khách đông và có nhiều người có nhu cầu ăn uống khắt khe hoặc không có khả năng thích ứng, thì hướng dẫn viên hầu như không ăn được trong thời gian dùng bữa vì có quá nhiều yêu cầu và đòi hỏi cũng như phải giải quyết những mâu thuẫn phát sinh tại nhà hàng do khách của mình gây ra.
Những công ty, hãng lữ hành uy tín sẽ có hết những cẩm nang hướng dẫn và quy tắc ứng xử phát cho khách hàng trước khi đi tour. Nhiều hãng còn cẩn thận tổ chức những buổi họp rất cặn kẽ trước khi khởi hành. Nhưng việc giải thích cặn kẽ về một nền văn hóa khác hầu như không thể gói gọn được trong một cuốn cẩm nang hay trong một buổi họp đoàn.
Hút thuốc lá và thiếu lịch sự nơi công cộng
Có lần chủ nhà hàng hốt hoảng vào cầu khẩn tôi: "Cậu ra xem giải tán giúp đám hút thuốc phía trước cửa với!" Thì ra một nhóm khách nam, không cầu kỳ về chuyện ăn uống, xử lý tốt đẹp mọi món ăn trong nhà hàng Âu và không có phàn nàn gì về đồ ăn, thường ăn xong trước và ra phía ngoài cửa đứng ngồi xỉa răng và hút thuốc.
Hút thuốc đã là hành động bị cấm nơi công cộng, việc ngậm tăm lại càng không được đẹp cho lắm. Các hành động này lại diễn ra nơi mặt tiền của nhà hàng, có những dãy bàn ghế được bày ra trên hè phố mời chào khách.
Qua đường đúng cách cũng là tôn trọng văn hoá bản địa. Ảnh: NVCC
Những hành động tưởng chừng như bình thường lại mang đến sự khó chịu cho quán và những thực khách khác mà chúng ta không hề hay biết. Đây là nguyên nhân gây nên kỳ thị mà chính chúng ta cũng không hay biết khi đối mặt với những hành động và lời nói không thân thiện, hoặc thậm chí không đẹp trong giao tiếp với người bản xứ.
Văn hóa giao tiếp, về cơ bản có thể dễ dàng được hấp thụ, truyền bá, học hỏi và áp dụng cho môi trường sống hài hòa hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng việc thực hành nó cũng như đi xuyên qua một tấm kính, nếu bạn biết đâu là cửa, chỗ nào là tay nắm, bạn có thể đẩy cửa bước vào, nhưng nếu bạn chỉ nhìn thấy mà không nhận ra, bạn sẽ chỉ đứng bên ngoài mà thôi.
Ngọc Lâm và Phan Lâm là tác giả cuốn sách Sống ảo đi thật - Vì cuộc sống bắt đầu từ một dấu chân. Ngọc Lâm là giảng viên tiếng Anh, nguyên Phó trưởng khoa tiếng Anh chuyên ngành, giảng viên môn Du lịch quốc tế, Đại học Hà Nội, còn được biết đến là một thầy giao đam mê du lịch, từng đặt chân qua 55 quốc gia. Phan Lâm nguyên là phóng viên thời báo kinh tế Nikkei Nhật Bản và nguyên trưởng ban quốc tế, báo điện tử VTC News, có 20 năm kinh nghiệm hướng dẫn viên du lịch quốc tế, đã đi qua 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Bạn đi du lịch vì muốn trải nghiệm, khám phá những nền văn hóa mới, được tận mắt nhìn thấy những khung cảnh thiên...