Du lịch kết hợp tình nguyện ở Việt Nam - tại sao không?
Du lịch tình nguyện là hình thức có truyền thống lâu đời ở nước ngoài. Tuy nhiên ở Việt Nam, loại hình này còn nhiều mới mẻ và chưa thực sự phổ biến.
Du lịch tình nguyện hiểu một cách đơn giản là sự kết hợp giữa việc đi du lịch tới một địa điểm kèm theo một trong các mục đích: hỗ trợ công tác thiện nguyện như bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai, dạy học, y tế,…
Các em nhỏ thích thú xem lại hình ảnh được in tặng.
Đều đặn từ năm 2014 đến nay, mỗi năm tôi đều tham gia ít nhất một chuyến du lịch tình nguyện của một câu lạc bộ truyền thông. Địa điểm chúng tôi chọn là các vùng sâu vùng xa còn gặp nhiều khó khăn. Trong chương trình kéo dài từ 2 đến 3 ngày, chúng tôi tập trung vào các hoạt động: nấu bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, tổ chức trò chơi, biểu diễn văn nghệ, gian hàng quần áo 0 đồng, chụp và in ảnh tại chỗ tặng các em.
Các em nhỏ hào hứng tham gia các trò chơi được tổ chức.
Chương trình tổ chức ở xa nên khá vất vả trong di chuyển, hậu cần nhưng ai tham gia cũng đều nhiệt tình vì đáp lại sự chuẩn bị của chúng tôi là nụ cười vui vẻ của các em nhỏ. Bên cạnh đó, sau mỗi chương trình tình nguyện, chúng tôi đều dành thời gian kết hợp với du lịch tại địa phương.
Nhờ tham gia thường xuyên hằng năm, bây giờ với tôi, việc lên danh sách, chuẩn bị nguyên liệu nấu bữa ăn 300 phần không phải là thử thách đáng sợ nữa.
Chúng tôi chuẩn bị phần ăn cho các em nhỏ.
Năm 2020, tôi có cơ hội tham gia chương trình Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo. Chương trình này được tổ chức thường niên, do Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN phối hợp với Vườn quốc gia Côn Đảo.
Trước khi trở thành 1 tình nguyện viên chính thức, tôi cũng như bao người khác phải trải qua vòng nộp hồ sơ với tỷ lệ chọi 1/7 khá “khốc liệt” với rất nhiều câu hỏi kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm cá nhân. Bạn sẽ lọt vào mắt xanh của ban tổ chức nếu đưa ra được những điểm mạnh về kỹ năng mềm, các công việc thiện nguyện đã từng tham gia trước đó. Nhiều nơi đòi hỏi thêm chứng chỉ tiếng Anh, khả năng đặc biệt như bơi lội… Chính vì vậy, việc tích lũy kỹ năng, trải nghiệm chưa bao giờ là thừa thãi đúng không nào?
Mọi mệt mỏi tan biến khi nhìn các em nhỏ vui vẻ với bữa ăn.
Ví dụ trường hợp của tôi, tôi biết điểm mạnh của mình là khả năng truyền thông trên các nền tảng như blog, Facebook, YouTube. Và tôi dùng chúng để cam kết với ban tổ chức rằng mình sẽ đóng góp các bài viết, hình ảnh, video sau khi tham gia chương trình để hoạt động bảo tồn rùa biển có nhiều người được biết đến. Tôi cho rằng đó là một điểm sáng để ban tổ chức chú ý đến hồ sơ của mình.
Tại sao những cơ hội du lịch tình nguyện như trên lại đáng giá? Trước hết, những trải nghiệm mà chuyến đi đó mang lại là vô giá. Trở thành 1 tình nguyện viên cứu hộ rùa biển, bạn sẽ được tận mặt chứng kiến cảnh rùa mẹ lên bãi đẻ mỗi đêm, tự tay lấy trứng mang về hồ ấp. Và thú vị nhất chắc chắn là nhìn cảnh những chú rùa con chui lên khỏi hồ ấp, mang chúng thả về biển.
Trở thành tình nguyện viên bảo tồn rùa biển là trải nghiệm đáng nhớ của tôi.
Thứ hai, khi tham gia những chuyến du lịch tình nguyện, chi phí bạn phải trả rất rẻ, có khi hoàn toàn miễn phí. Một trong những lý do khiến tôi đăng ký tham gia chương trình vì Côn Đảo – vùng đất đã nghe danh từ lâu nhưng chưa có cơ hội khám phá. Tham gia tình nguyện là cơ hội để tôi kết hợp du lịch đến Côn Đảo.
Việc xem rùa đẻ, thả rùa về biển đã được đưa vào khai thác du lịch ở Côn Đảo, với mỗi tour tham quan phải trả phí. Nhưng là một tình nguyện viên, việc này bạn được thoải mái miễn phí. Mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc, bạn được tự do tham quan khắp đảo, bơi lặn không biết chán ngắm san hô. Mỗi bữa ăn lại thưởng thức nhiều sản vật phong phú từ biển cả.
Tôi có chuyến du lịch kết hợp tình nguyện thú vị ở Côn Đảo trong 10 ngày.
Sau khi hoàn tất chương trình tình nguyện, mỗi tình nguyện viên còn được nhận giấy chứng nhận từ ban tổ chức. Tấm giấy này cực kỳ giá trị cho những bạn nào ấp ủ mong muốn tham gia các chương trình tình nguyện quốc tế, các tổ chức phi chính phủ hoặc làm hồ sơ du học.
Nhưng trên cả một tờ giấy, tham gia một chuyến đi dài ngày, tôi biết bản thân luôn học được vô số bài học. Đó là những kiến thức mới mẻ về môi trường, thiên nhiên, động vật. Đó là vô số những kỹ năng sống từ các anh kiểm lâm nhiều kinh nghiệm. Đó có khi đơn giản chỉ là cách kết bạn mới, cách sinh hoạt tập thể, cách giao tiếp với những người bạn đến từ khắp mọi miền đất nước.
Tình nguyện viên nhận giấy chứng nhận sau khi hoàn tất chương trình.
Cợ hội để tham gia những hoạt động du lịch tình nguyện rất nhiều, cả ở trong lẫn ngoài nước. Việc bạn cần là chịu khó “lê la” các diễn đàn du lịch, các hội nhóm, các tổ chức thường xuyên có hoạt động. Bên cạnh đó, bạn phải tự bồi dưỡng bản thân trở thành một người ưu tú cả về kiến thức và kỹ năng sống, trau dồi vốn tiếng anh để hồ sơ của mình vượt qua các đối thủ khác trong vòng tuyển chọn.
Mỗi chuyến đi luôn mở ra trước mắt ta những chân trời mới. Càng ý nghĩa hơn nếu trong chuyến đi ấy bạn có thể góp sức mình vào một hoạt động thiện nguyện. Ký ức của chúng ta về miền đất đã đi qua, vì thế mà càng khắc sâu, càng khó phai nhòa.
Cuối cùng, tôi cũng chạm đến giấc mơ một lần được đặt chân lên vùng đất đỏ bazan đầy nắng gió với cái lâng say...