BÀ RỊA – VŨNG TÀU: ĐẮT TOUR “THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

BÀ RỊA – VŨNG TÀU: ĐẮT TOUR “THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA” - 1Địa đạo Long Phước, Căn cứ Minh Đạm, trận địa pháo cổ Sao Mai – Núi Lớn... từng là những chiến trường oanh liệt của quân và dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Vì vậy, ngày nay, đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngoài thú vui tắm biển, du khách còn hào hứng khi được thăm chiến trường xưa.

Ảnh: Các em học sinh đến tham quan Chiến trường xưa căn cứ Minh Đạm

Những năm gần đây, những “chiến trường xưa” đã được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trùng tu để đón khách tham quan. Một trong những địa chỉ thu hút du khách về nguồn là Trận địa pháo cổ Sao Mai – Núi Lớn. Đây là tuyến phòng thủ do thực dân Pháp xây dựng từ hơn thế kỷ, được bố trí liên tiếp trên một đường thẳng ở các độ cao khác nhau từ Tây Bắc sang Đông Nam của núi Lớn và núi Nhỏ của Thành phố Vũng Tàu. Trận địa pháo cổ được chia làm ba cụm lớn với tất cả 23 khẩu, cỡ đạn 140 -1.300mm gồm: Trận địa pháo Cầu Đá, trận địa pháo Núi Lớn và trận địa pháo Tao Phùng. Trận địa pháo cổ Vũng Tàu là bộ sưu tập vũ khí cổ lớn nhất Đông Dương, có giá trị trong đời sống kinh tế - xã hội, được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử  cấp quốc gia. Vào dịp Khai hội Văn hóa – Du lịch hàng năm, đến Bà Rịa – Vũng Tàu du khách còn có dịp được chứng kiến lễ tái hiện lại nghi thức bắn súng thần công hoành tráng.

Trong tour thăm chiến trường xưa, du khách không thể bỏ qua một địa chỉ nổi tiếng được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990 đó là địa đạo Long Phước. Địa đạo Long Phước nằm cách trung tâm Thị xã Bà Rịa 7km về phía Đông Bắc. Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nơi đây hình thành hệ thống địa đạo nổi tiếng. Khởi đầu từ phong trào đào hầm bí mật tại nhà ông Năm Hồi vào năm 1948, nhân dân Long Phước đã phát triển thành hệ thống địa đạo ở cả 5 ấp trong xã. Các cụm địa đạo được nối liền nhau bởi đường xương sống và hầm bí mật chứa lương thực dự trữ với các công sự chiến đấu. Đường địa đạo cách mặt đất 2-3 m, lòng địa đạo cao 1,8 m, rộng 0,8 m bảo đảm đi lại dễ dàng. Tuyến địa đạo ấp Đông dài trên 360m, có nhiều công sự chiến đấu, trạm cứu thương, kho vũ khí, kho lương thực và lỗ thông hơi. Qua 27 năm (1948- 1975) hình thành và phát triển, địa đạo Long Phước là nơi bám trụ đánh địch kiên cường của lực lượng cách mạng.

BÀ RỊA – VŨNG TÀU: ĐẮT TOUR “THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA” - 2

Ảnh: Khách nước ngoài thăm địa đạo Long Phước

Cách thị trấn Long Hải khoảng 6km, khu căn cứ Minh Đạm là một trong những điểm hẹn lý tưởng của các tour du lịch thăm chiến trường xưa. Đến với Minh Đạm, không chỉ để thả hồn trở về quá khứ với những chiến tích oanh liệt mà còn thanh thản với không gian bao la của núi rừng. Nằm ở phía Đông Nam huyện Đất Đỏ, khu căn cứ Minh Đạm (hay còn gọi núi Minh Đạm) trước kia còn có tên gọi là Châu Long - Châu Viên. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã chọn đây làm khu căn cứ cách mạng, là nơi bám trụ của các cơ quan trọng yếu huyện Long Đất (cũ). Khu căn cứ được chia thành 4 khu vực chính: khu Đá Chẻ, khu chùa Giếng Gạch, khu Châu Viên và Đá Giăng. Về tên gọi Minh Đạm, theo giải thích của những người dân địa phương sinh sống tại đây thì đó là do ghép lại từ hai tên Minh và Đạm nhằm tưởng nhớ công ơn của hai chiến sĩ cách mạng Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm, người đã anh dũng hy sinh khi bị địch phục kích dưới chân núi vào năm 1948.

Khu căn cứ cách mạng Minh Đạm đã trở thành điểm tham quan du lịch về nguồn lý tưởng cho du khách. Đến với khu căn cứ Minh Đạm, ngoài việc tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử oanh liệt và những tấm gương anh dũng, du khách còn được tham quan nhiều nơi lý thú, đặt chân vào những hang đá xưa kia từng là nơi làm việc, sinh hoạt của cán bộ, quân dân Bà Rịa - Vũng Tàu. Những con đường khúc khuỷu, những hang đá chông chênh, vách đá dựng đứng nằm dưới rừng cây và cả những bộ bàn ghế bằng đá...

 

 

 

 

 

 

Bài, ảnh: B.L


Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT