Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh: “Liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch đạt hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

LTS: Năm 2015, Ngành Du lịch TPHCM chào đón vị Tân Phó Giám đốc Sở - Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa. Trong không khí chào Xuân Bính Thân 2016, Bà đã chia sẻ những suy nghĩ, hoài bão về những giải pháp phát triển Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới!

 Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh:  “Liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch đạt hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á” - 1

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa

Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, nhiệm vụ Ngành Du lịch được xác định rất rõ: “Liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch đạt hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á”. Tôi nhận thức đây là nhiệm vụ khó và mục tiêu đặt ra cũng khá cao, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được vì Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển du lịch. Nếu chúng ta tìm được giải pháp hiệu quả để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế của Thành phố; tận dụng được các cơ hội do hội nhập mang lại và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao thì mục tiêu đó sẽ không còn cao và xa nữa.

Theo tôi, nhiệm vụ, giải pháp trước tiên Ngành Du lịch cần tập trung thực hiện là xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là nhiệm vụ mang tính dẫn đường để Ngành Du lịch phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu và ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững; là tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội cho sự phát triển của ngành… Do đó, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch và triển khai phát triển ngành theo quy hoạch được duyệt, để đảm bảo tính thực thi của quy hoạch.

Thứ hai là công tác phát triển sản phẩm, nếu quy hoạch là công tác mang tính dẫn đường, thì phát triển sản phẩm có thể xem là công tác mang tính quyết định cho sự phát triển của Ngành. Du lịch sẽ giảm sức thu hút và tính cạnh tranh, nếu không có sản phẩm mới và không đổi mới sản phẩm hiện có. Ngành Du lịch Thành phố đang phát triển sản phẩm theo hướng vừa đặc trưng vừa đa dạng: đặc trưng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của Thành phố và đa dạng trên cở sở phát triển nhiều loại hình dịch vụ thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu của nhiều du khách. Du lịch Đường Thủy là một trong những sản phẩm đang được phát triển theo hướng này và định hướng sẽ trở thành sản phẩm chủ lực trong thời gian tới. Để sớm hiện thực hóa định hướng này, Sở Du lịch sẽ phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch phát triển du lịch đường thủy và đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, khai thác, góp phần phát triển kinh tế, tạo cảnh quan đô thị và bảo vệ môi trường.

Thứ ba là việc phát triển nguồn nhân lực, có thể nói đây là công tác mang tính cấp thiết vì du lịch là ngành kinh tế dịch vụ đòi hỏi tính sáng tạo và tính phục vụ cao, nếu nguồn nhân lực không chuyên nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm. Trong khi đó, lực lượng lao động trực tiếp trong Ngành Du lịch mang tính tự phát cao, đa số chưa qua đào tạo; lực lượng quản lý chất lượng cao lại thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong giai đoạn hội nhập phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ nguồn nhân lực của các quốc gia khác khi thực hiện các thỏa thuận về di chuyển dòng lao động tự do giữa các nước. Để Ngành Du lịch Thành phố phát triển ngang tầm với các nước trong khu vực, cần tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xem đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, lâu dài của ngành.

Thứ tưlà công tác phát triển thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Để công tác này đạt hiệu quả cao cần chủ động nghiên cứu xác định các nhóm thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng và thị hiếu của du khách đến từ các thị trường này và lựa chọn phương thức xúc tiến, quảng bá phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện Thành phố đang ưu tiên thúc đẩy thị trường du lịch nội địa và các thị trường trọng điểm 

như Tây Âu với phân đoạn ưu tiên là khách cao tuổi, thanh niên, sinh viên - sản phẩm quảng bá là du lịch trở về chiến trường xưa, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, mạo hiểm và khám phá…; thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với phân đoạn ưu tiên là học sinh sinh viên, khách trung niên và khách cao tuổi đã nghỉ hưu - sản phẩm quảng bá là du lịch ẩm thực, mua sắm, du lịch học đường, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng…; thị trường Trung Quốc thì ưu tiên khách thanh niên và trung niên với du lịch tham quan khám phá Thành phố và ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch sông nước…

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh:  “Liên kết xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch đạt hiệu quả, ngang tầm khu vực Đông Nam Á” - 2

Lễ đón đoàn khách quốc tế đầu tiên đến TPHCM ngày 01.1.2016 tại Sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sự kiện thường niên của Ngành Du lịch TPHCM

Đối với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Bắc Âu…có đường bay trực tiếp đến Thành phố và có mức thu nhập cao đang có tốc độ phát triển du khách nhanh cũng cần được nghiên cứu để mở rộng công tác quảng bá, xúc tiến trong thời gian tới. Đồng thời, cần duy trì và đổi mới công tác tổ chức các sự kiện thường niên như: Lễ hội áo dài, Ngày hội Du lịch, Hội chợ Du lịch quốc tế, Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam…, xem đây là các sản phẩm chủ lực trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút du khách. Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong quảng bá, xúc tiến du lịch, cần đa dạng hóa các công cụ quảng bá từ marketing điện tử, marketing trên các phương tiện truyền thông, tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ đến tổ chức các Đoàn FAM trip, PRESS trip, xuất bản ấn phẩm…

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Vừa qua, Sở Du lịch đã tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành Quyết định phê duyệt Đề án phân cấp quản lý Nhà nước về du lịch, nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các Quận, Huyện trong công tác này. Theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch sẽ được tăng cường, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng quy định Pháp luật và chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng sẽ được kiểm soát, duy trì. Ngoài ra, cần chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và cả cộng đồng xã hội trong phát triển du lịch. Nhất là trong công tác phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phát triển ngành và trong việc xây dựng môi trường du lịch “Thân thiện, hấp dẫn và an toàn”.

Tôi tin rằng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố, của Tổng Cục Du lịch; sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và công chức viên chức Sở Du lịch; sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp Ngành Du lịch và sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, các cấp, các địa phương… Ngành Du lịch Thành phố sẽ sớm đạt được mục tiêu phát triển ngang tầm khu vực Đông Á, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP của Thành phố, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.

 

M.H (Ghi)

(Tít bài do Tạp Chí Du lịch TPHCM đặt)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!