Mấy năm về trước, Thiềng Liềng chỉ là một ấp đảo hoang sơ với những cánh đồng muối bạt ngàn, trắng xóa. Giờ đây, khi du lịch cộng đồng được triển khai, diện mạo của ấp đảo nhỏ bé này đang dần thay đổi tích cực hơn.
Những diêm dân vượt ngại, học làm du lịch
- Chị Năm ơi, mai có 6 khách Sài Gòn đặt cơm nghen!
Nghe tiếng chị Năm Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Du lịch Thương mại Thiềng Liềng, báo sắp có khách, gia đình cô Năm Đổi lại rộn ràng, tất bật sửa soạn nhà cửa, chén dĩa. Rau sạch sẵn vườn nhà nên cô chỉ nhắn ghe hàng “thửa” thêm cá tôm tươi rồi mua thêm ít nguyên liệu làm thạch rau câu “mời khách thưởng thức”. Gia đình cô Năm có mấy hecta làm muối, hết vụ muối chuyển sang nuôi tôm. Từ ngày ấp Thiềng Liềng có HTX du lịch cộng đồng, cô Năm vốn nấu ăn ngon nên đăng ký mở dịch vụ ẩm thực Đồng muối.
Ẩm thực Đồng muối của gia đình cô Năm Đổi
“Nhà hàng” ẩm thực của cô Năm nằm dưới những tán me xanh rười rượi, lồng lộng gió từ sông Lòng Tàu thổi vào, bên cạnh là ruộng muối mênh mông đang kỳ ‘nghỉ xả’.
Những ruộng muối đang ‘nghỉ mưa’ chờ mùa vụ mới
Bên mâm cơm thịnh soạn đủ đầy các món ăn dân dã được trang trí đẹp mắt, cô Năm vui vẻ kể cho du khách nghe về thời khai hoang, lập ấp. Chồng cô là ông Nguyễn Văn Đổi cùng với cha và chú của mình từ miệt Tiền Giang ngược con nước, men theo mấy bụi dừa mà tấp về ốc đảo hoang sơ nằm cặp sông Lòng Tàu quanh năm nước mặn này. Năm 1974, họ bắt đầu thực hiện khát vọng khai hoang.
“Lúc đó, trên ốc đảo không có người, chỉ toàn thú hoang. Quần quật mấy năm trời ròng rã mới làm ra được hạt muối. Từ đó đến giờ, người dân trên ấp đa phần cũng chỉ biết làm muối. Trước đây khó khăn dữ lắm, nhờ thành phố quan tâm nên giờ có điện, có nước ngọt còn có trường cho sắp nhỏ. Nay được tạo điều kiện, hướng dẫn làm du lịch phát triển quê hương nữa nên mọi người phấn khởi lắm”, cô Năm cười giòn tan.
Cô Năm Đổi mời khách dùng cơm trưa với các món ngon của vùng biển
Khách du lịch tới với ẩm thực Đồng muối thường thích ăn mấy món đặc sản như hàu nướng, mực nhúng lá me, cá chẽm chiên xù, cua rang me. “Đặc biệt ai cũng thích món rau lìm kìm trộn gỏi, loại rau đặc trưng của Thiềng Liềng. Khách ăn khen ngon nên cô vui lắm”, cô Năm hào hứng.
Từ ngày làm du lịch, người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi này còn mày mò lên mạng học cách nấu món này món kia, cách bày trí bữa cơm sao cho đẹp mắt. Cô còn đặt may thêm mấy bộ bà ba mới, “mình ở nhà xuề xòa sao cũng được nhưng tiếp đón khách thì phải gọn gàng, lịch sự chứ”.
Cách nhà cô Năm Đổi không xa là gia đình chị Sáu Trúng với món sâm sâm giải nhiệt. Lúc đầu, chị Sáu nhất quyết không tham gia làm du lịch cùng với bà con ấp đảo vì ngại tiếp xúc với người lạ. Sau “năm lần bảy lượt” được vận động, thuyết phục, chị Sáu cũng đồng ý và được HTX mua sắm dụng cụ để làm sâm giải nhiệt với các nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà.
“Gia đình trước nay chỉ chuyên làm muối, có tiếp người lạ bao giờ nên hổng có chịu làm. Giờ còn ngồi nói chuyện với khách chứ hồi trước khách đông là chạy vô nhà trốn à”, chị Sáu vui vẻ kể lại.
Bảng hiệu chỉ đường chỉ có ở Thiềng Liềng
Ra mắt từ tháng 12/2022, mô hình du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng có điểm đặc biệt là mỗi hộ chỉ tập trung phát triển một sản phẩm du lịch nhất định và tận dụng những nguyên liệu “cây nhà lá vườn” sẵn có của mình.
Homestay – nước mát Mười Giạ
Những trái siro chín đỏ
Chị Mười Giạ hướng dẫn du khách chế biến nước giải khát từ quả siro
Như hộ chị Mười Giạ có khoảng sân rộng và hàng cây siro đang mùa chín đỏ nên chị đăng ký làm mô hình nước mát. Chị "mạnh tay" đầu tư 40 triệu làm chòi lá, mua bàn ghế mây tre, trang trí quán nước thật bắt mắt, sinh động bằng những loại hoa lá có trong vườn nhà. Do những loại cây trái tại đây phụ thuộc vào thời tiết, nên mỗi mùa, gia đình chị sẽ phục vụ mỗi loại thức uống khác nhau.
Không gian xinh xắn ở homestay Mười Giạ
“Vào mùa trái siro thì mình phục vụ nước siro, hết mùa thì mình đổi qua cây nha đam. Nếu hết mùa nha đam thì mình đón khách bằng chè dưỡng nhan, mùa nào thức nấy để phục vụ khách”, chị Giạ nói.
Món nước siro mát lành được chị Mười Giạ chăm chút tỉ mỉ
Thời điểm này đang là mùa mưa, cánh đồng muối mênh mông nằm cặp sông Lòng Tàu đang “nghỉ xả” chờ mùa vụ mới, từng cuộn vải bạt được xếp gọn gàng quanh các thửa ruộng. Nhưng nếu du khách muốn tìm hiểu về nghề truyền thống của người dân ấp đảo vẫn có thể ghé không gian nghề muối của hộ anh Chín Thơ để trải nghiệm.
Không gian nghề muối của hộ anh Chín Thơ
Tại đây, anh Chín Thơ sẽ giải thích các quy trình để cho ra hạt muối từ đắp bờ, bơm nước biển, rải muối giống, cào muối, thu hoạch… Ngoài nghề mới là “hướng dẫn viên ngay tại ruộng muối”, gia đình anh Thơ còn có mấy căn homestay cho thuê giữa vườn trầu xanh mướt.
“Dù thu nhập từ du lịch chưa nhiều nhưng được giới thiệu cho khách thập phương biết về nghề truyền thống của ông cha mình cũng thấy vui và tự hào lắm”, anh Thơ nói thêm.
Dù hết vụ muối nhưng du khách vẫn có thể tìm hiểu về nghề truyền thống của ấp đảo tại nơi này
Cứ có khách là cả ấp lại “vui như Tết”
Để có được mô hình du lịch cộng đồng “tươm tất” như ngày hôm nay là sự nỗ lực rất lớn của bà con trên ấp đảo. Anh Nguyễn Văn Yến, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thiềng Liềng kể, khi mới nghe tin sắp làm du lịch, nhà nào cũng lắc đầu từ chối. “Ngay cả mình đây lúc đầu cũng ngại lắm nhưng mình làm trưởng ấp, mình không làm thì tuyên truyền vận động sao bà con thấu? Vậy là mình bàn với bà xã đăng ký tham gia”, ông Yến cho biết.
Chị Hai Loan hướng dẫn du khách làm bánh dân gian
Trước khi ra mắt mô hình, các hộ đều được Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch thành phố cho đi tham quan và được tập huấn kỹ càng. “Cũng bỡ ngỡ lắm. Như gia đình mình đăng ký làm các món bánh dân gian, lúc đầu làm xong, dọn ra cho khách rồi chạy vô trong nhà núp, không dám ló đầu ra, sợ khách hỏi rồi không biết ăn nói sao. Sau các buổi họp góp ý, trao đổi, bà con dần dần dạn dĩ hơn, giờ ai cũng tự tin, vui vẻ giới thiệu cho khách những sản phẩm nhà làm được và kể về những câu chuyện mộc mạc quê mình”, anh Yến nói thêm.
Từ chỗ ngại ngần ban đầu, giờ đây chị Loan đã tự tin ‘tiếp chuyện’ du khách
Chị Hai Loan, vợ anh Yến tiếp lời, nhờ làm du lịch mà Thiềng Liềng có thêm nhiều khách ghé thăm. “Khách nào muốn làm bánh thì mình mời vào bếp, rồi hướng dẫn khách làm. Khi có khách đông thì các chị em hỗ trợ nhau, mỗi người một dịch vụ cho khách trải nghiệm, mình cũng có thêm thu nhập. Nhưng vui nhất là ấp mình được nhiều người biết đến hơn”, chị Hai Loan vui vẻ nói.
Bước đầu, mô hình du lịch cộng đồng giúp cuộc sống của người dân Thiềng Liềng sôi động, vui hơn vào mỗi cuối tuần, khi đón các lượt khách tham quan, trải nghiệm. Là đầu mối tiếp nhận khách, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Du lịch Thương mại Thiềng Liềng, sẽ thông báo với các hộ thành viên HTX và phân bổ sao cho đồng đều giữa các hộ. Ngoài lượng khách đặt trước còn có những nhóm khách tự đón ghe, đò từ trung tâm xã Thạnh An sang mà không đăng ký trước.
Kể từ khi trở thành điểm đến du lịch, diện mạo Thiềng Liềng đã có nhiều thay đổi tích cực, thu nhập người dân tăng thêm, đời sống vì thế càng được cải thiện, nghề muối truyền thống cũng được duy trì bền vững.
Chị Bạch Tuyết (bên phải) dẫn du khách đi tham quan quanh ấp
“Trước kia, nhà cửa có thể xuề xòa, nhưng giờ đây khách đến thì các hộ dân đều phải chuẩn bị nhà cửa tươm tất, chỉn chu, trang trí đẹp đẽ để thật nổi bật và để lại ấn tượng trong mắt du khách. Các anh chị em trong ấp đa phần đều quen biết nhau, nay cùng làm du lịch thì tình nghĩa xóm giềng càng thêm khăng khít. Khi khách đến, mọi người cùng nhau ra bến đò đón khách. Khách thăm xong nhà này thì các chị em lại kéo nhau sang nhà khác để hỗ trợ tiếp đón. Nhờ vậy, cứ hễ có đoàn ghé chơi là cả ấp lại vui như Tết”, nữ Giám đốc HTX hào hứng chia sẻ.
Nét độc đáo của Thiềng Liềng
Không chỉ san sẻ nguồn thu, cùng nhau phát triển, việc tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương cũng tạo nên nét độc đáo cho du lịch Thiềng Liềng. Mỗi tháng, HTX sẽ họp một lần. Các hộ thay phiên nhau đăng ký tổ chức họp để vừa tổng kết chi tiêu, phản ánh bất cập cũng như trao đổi, góp ý cho chủ nhà làm tốt hơn.
Trải nghiệm ngâm chân với muối thảo dược tại hộ Năm Tuyết
Chia sẻ với Tạp chí Du lịch TP.HCM, ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An, cho biết mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng nhận được sự quan tâm của thành phố cũng như lãnh đạo huyện Cần Giờ. Nhờ có sự hỗ trợ của Sở Du lịch TP.HCM, nhiều chuyên gia đã xuống đây để tư vấn, tổ chức các lớp tập huấn, đưa bà con đi tham quan, học hỏi ở Trà Vinh.
Các hộ tham gia mô hình du lịch cộng đồng đều chăm chút sản phẩm của mình để đón khách
“Mô hình du lịch cộng đồng nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân. Nếu không có sự đồng thuận thì rất khó để thực hiện nhưng may mắn là sau khi bà con đi tham quan, trải nghiệm về thì nhận thấy đây là mô hình rất hay và muốn làm theo, không chỉ để tăng thu nhập mà còn quảng bá Thiềng Liềng với du khách thập phương", ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, kể từ khi ra mắt cho đến nay, lượng khách đến đây là khoảng 2.000 lượt, tổng doanh thu khoảng 400 triệu.
Ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh An
“Cho đến hiện tại, mô hình này vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Theo đánh giá của tôi, mô hình này sẽ còn được nhân rộng thêm không chỉ ở Thiềng Liềng mà còn trên toàn địa bàn xã, hoặc có thể lan tỏa sang các xã khác. Hiện nay, xã Lý Nhơn của huyện Cần Giờ và các xã khác cũng đến tìm hiểu mô hình này để triển khai ở địa phương của họ. Bên cạnh ngành nghề truyền thống thì du lịch cũng đang góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân. Đặc biệt là giờ đây, trên ấp Thiềng Liềng không còn hộ nghèo nữa”, ông Sơn nói.
Du khách chụp hình lưu niệm với chủ hộ Út Kiều chuyên thức uống xứ biển
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đây là mô hình du lịch phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư địa phương xây dựng và quản lý.
“Khi phát triển du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng cũng sẽ giúp cho người dân có thêm sinh kế bên cạnh các sinh kế chính của cư dân. Vì vậy, sản phẩm du lịch cộng đồng không chỉ tạo ra sản phẩm du lịch bền vững mà còn góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa và xây dựng sự đoàn kết gắn bó của cộng đồng”, bà Hoa nhận định.
Trong giai đoạn 2, mô hình du lịch cộng đồng Thiềng Liềng sẽ có thêm nhiều dịch vụ giải trí, trò chơi đặc trưng miệt sông nước để khách trải nghiệm, lưu trú lâu hơn. Dù mô hình mới đi vào hoạt động 9 tháng nhưng những gì mà người dân trên ấp đang làm được đã khoác lên cho vùng đất xưa nay vốn quen với ruộng muối, ghe đò tấm áo mới tươi sáng, sinh động hơn.
Thiềng Liềng là một ấp đảo mà phần tiếp giáp với đất liền của nó là màu xanh đậm của "khu dự trữ sinh quyển” thế giới. Nơi đây vẫn vô cùng hoang sơ, thanh bình và mộc mạc đậm chất miền quê. Khi đến với Thiềng Liềng, du khách được khám phá và tận hưởng cuộc sống yên bình cùng “hệ thống” sông nước, kênh rạch chằng chịt đi kèm với rừng cây xanh mát phủ đầy trên đảo. Con đường duy nhất nối các khu dân cư trên đảo hình oval, dài hơn 4km, như dải lụa điệu đàng, đẹp hơn tranh. Cả ấp chỉ có hơn 200 hộ với dân số chưa tới 1.000 người. Cuộc sống khắc nghiệt, nhọc nhằn nhưng người dân không mất đi nét hồn hậu, mến khách. Chị Huỳnh Bích Vân, hiện đang làm giám sát khách sạn tại TP.HCM, cho biết dịp cuối tuần chị muốn rời xa thành phố đông đúc để đến đây nghỉ ngơi. “Lần đầu tiên được tự tay trải nghiệm làm sâm, làm nước siro nên mình rất thích thú. Người dân ở đây thực sự thân thiện và gần gũi. Mình thực sự rất thích không khí yên bình ở ấp đảo này”, chị Vân chia sẻ. Anh Trần Hoàng, hiện đang làm việc tại Quận 1 – TP.HCM, nhận xét anh rất thích cung đường trên đảo, hai bên đường là những ngôi nhà thấp thoáng giữa um tùm cây trái. “Homestay ở trên ấp gần như là gia đình có sao thì khách sẽ ở như vậy, rất là hòa đồng vào cuộc sống của người dân. Nhà ai cũng được xây sửa sạch sẽ, đúng không gian ở quê. Món ăn cũng rất ngon nên chắc chắn mình sẽ quay lại đây”, anh Hoàng nói. |