Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Huyện đảo Cô Tô được coi là viên ngọc quý của tỉnh Quảng Ninh khi sở hữu cả cảnh quan lẫn vị trí chiến lược quan trọng. Đảo Cô Tô vào mùa du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến đây tham quan, khám phá hòn đảo này.

Mới đây UBND huyện Cô Tô vừa công bố video quảng bá du lịch mang tên "Cô Tô nơi sóng gọi mặt trời". Đây là sản phẩm gửi tới du khách về đảo ngọc Cô Tô hồi sinh sau bão số 3 Yagi (tàn phá Quảng Ninh vào tháng 9/2024) và tiếp tục phát triển trở thành điểm du lịch hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.

Cô Tô là một trong 12 huyện đảo du lịch xinh đẹp của Việt Nam, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, được thành lập ngày 23/3/1994.

Cô Tô là quần đảo gồm 71 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 03 đảo có dân cư sinh sống (đảo Cô Tô lớn, đảo Thanh Lân và đảo Trần). Nằm trong Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 60 hải lý, với diện tích tự nhiên là 53,68 km2. Phía Bắc giáp vùng biển đảo Vĩnh Thực thuộc thành phố Móng Cái và đảo Cái Chiên huyện Hải Hà; phía Tây giáp vùng biển Vân Hải thuộc huyện Vân Đồn; phía Nam giáp vùng biển đảo Bạch Long Vĩ thành phố Hải Phòng; phía Đông giáp hải phận Quốc tế, có tổng chiều dài biên giới biển tiếp giáp với Trung Quốc gần 200 km từ ngoài khơi đảo Trần đến ngoài phía Đông đảo Bạch Long Vĩ – Hải Phòng.

Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời - 1

Một góc đảo Thanh Lân - Cô Tô

Là huyện ra đời muộn nhất, có số dân ít nhất, diện tích nhỏ nhất, địa hình phức tạp nhất trong tất cả các huyện của tỉnh Quảng Ninh nhưng lại giữ vị trí hết sức quan trọng. Cô Tô luôn giữ vị trí địa – chính trị quan trọng, các đảo, quần đảo là cơ sở để xác định đường biên giới quốc gia trên biển và xác định vùng chồng lấn với nước láng giềng.

Các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (đảo Trần), có hiệu lực nhất định trong phân định lãnh hải. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát) là thuộc về lãnh hải của Việt Nam. Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích vịnh, rộng hơn Trung Quốc khoảng 8.205km2 biển. Như vậy, sự hiện diện của các đảo Chàng Đông, Chàng Tây (thuộc quần đảo Cô Tô) đã góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Cô Tô còn giữ được vẻ nguyên sơ, thiên tạo của môi trường sinh thái, nước, không khí trong lành, cấu tạo địa chất, địa mạo với các bãi biển tự nhiên (Tình Yêu, Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Cá Chép, Bảy Sao, Ba Châu, Cô Tô con…) cùng những cánh rừng nguyên sinh thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm.

Rừng là một thế mạnh của huyện, trước những năm thành lập huyện, rừng bị tàn phá nặng nề, huyện đã chủ trương tập trung chỉ đạo tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc; đồng thời tuyên truyền giáo dục nhân dân bảo vệ diện tích rừng, không để xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng. Đến năm 2023, toàn huyện có gần 1.700 ha đất rừng, độ che phủ đạt >60% diện tích toàn huyện.

Nằm ở vị trí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình thể thao giải trí trên biển.

Đặc biệt với tính đa dạng sinh thái, vùng biển Cô Tô – đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loại thủy sản đối với sự nghiệp phát triển bền vững ngành thủy sản.

Huyện Cô Tô kinh tế luôn duy trì tốc độ phát triển cao, toàn diện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.500 USD năm 2010 lên 4.800 USD/người năm 2022. Dịch vụ, du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện, từ năm 2016 đến năm 2019 đạt trung bình trên 300.000 lượt khách du lịch đến Cô Tô/năm.

Huyện đảo Cô Tô tiến tới trở thành một khu du lịch Quốc gia, tổ hợp dịch vụ du lịch sinh thái, độc đáo, hấp dẫn, chất lượng cao, nơi có môi trường sống hấp dẫn phát triển về kinh tế, đồng bộ về hạ tầng, phát huy và bảo tồn được giá trị sinh thái hệ thống đảo một cách bền vững, có vị trí quan trọng an ninh quốc phòng.

Là khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao gắn với văn hóa lịch sử và thắng cảnh thiên nhiên với các chức năng vui chơi giải trí tổng hợp, thể thao, dịch vụ du lịch, lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; nghiên cứu khoa học về thiên nhiên, môi trường sinh thái… Phù hợp với yêu cầu phát triển, thu hút đầu tư và góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Quan điểm trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện là phát triển du lịch Cô Tô theo hướng du lịch xanh, tăng trưởng bền vững, tôn trọng và bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, cảnh quan, môi trường tự nhiên, giảm thiểu thiên tai, phòng chống biển đổi khí hậu; giữ vững an ninh chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Đoàn Chi

CLIP HOT

Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Huyện đảo Cô Tô được coi là viên ngọc quý của tỉnh Quảng Ninh khi sở hữu cả cảnh quan lẫn vị trí chiến lược quan trọng. Đảo Cô Tô vào mùa du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến đây tham quan, khám phá hòn đảo này.