Hiếu Văn Ngư - Chú cá nhỏ trong hải trình vạn lý
Hiếu Văn Ngư hiểu đơn giản là con cá ham tìm hiểu về văn hóa. Con cá có tính động, thể hiện khát vọng của nhóm là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới.
Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish là tên của một nhóm bạn trẻ hoạt động về nghệ thuật giữa Sài Gòn, chuyên nghiên cứu, ứng dụng và sáng tạo với di sản văn hóa và nghệ thuật.
Lục Phạm Quỳnh Nhi, trưởng nhóm, chia sẻ "Hiếu" là hiếu thảo, hiếu học; "Văn" là văn hóa, văn chương; "Ngư" là con cá. Hiếu Văn Ngư hiểu đơn giản là con cá ham hóng chuyện, ham tìm hiểu về văn hóa. Con cá nhỏ đang bơi trong nước nhưng ngày nào đó sẽ ra biển lớn. Con cá có tính động, thể hiện khát vọng của nhóm là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới.
Các thành viên nhóm Hiếu Văn Ngư. Trưởng nhóm là Lục Phạm Quỳnh Nhi (thứ ba, hàng dưới, từ trái sang) - một Gen Z đam mê nghiên cứu văn hóa nghệ thuật cổ truyền dân tộc.
Hiếu Văn Ngư được thành lập vào tháng 12/2020, đóng vai trò "trung gian" giữa giới học thuật và công chúng. Là những người trẻ với nhiều chuyên ngành khác nhau (sư phạm, truyền thông, IT, kế toán, hội họa), họ tận dụng những lợi thế này để tiếp cận di sản văn hóa phi vật thể, làm nguồn "nguyên liệu" để ứng dụng phù hợp với nhịp sống đương đại.
Nhóm tập trung vào các di sản văn hóa phi vật thể ở khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ như diễn xướng dân gian, sân khấu truyền thống, phong tục tập quán địa phương.
Sau hơn 3 năm hoạt động, "chú cá nhỏ" đã trưởng thành với các dự án được hoàn thiện như dự án Hát bội 101, dự án Phong hoa ca vịnh và Ca biện phấn hành.
Sử dụng nghệ thuật cổ truyền làm chất liệu, Hiếu Văn Ngư mang khát vọng "là người Việt Nam nên hiểu rõ văn hóa Việt Nam để có thể tự tin đi ra thế giới".
Trong đó, Hát bội 101 là workshop giúp các bạn trẻ và người mộ điệu hiểu, nắm bắt và thực hành các hoạt động của ca diễn trong nghệ thuật hát bội. Phong hoa ca vịnh là dự án lưu trữ, truyền dạy và ứng dụng chất liệu ru, hò, lý hướng đến khán giả trẻ có mong muốn "ôn cố tri tân".
Ca biện phấn hành là chuỗi talkshow kết hợp biểu diễn nghệ thuật hát bội trong dịp hè 2024 gồm 5 kỳ với nội dung đặc sắc về hát bội. Dự án này được nhóm phối hợp thực hiện cùng các nghệ sĩ hát bội của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, biểu diễn trên sân khấu của Rạp Thủ Đô (Quận 5, TP.HCM) - một rạp hát có tuổi đời gần một thế kỷ.
Một tiết mục hát bội trong talkshow Ca biện phấn hành.
Hai dự án Hát bội 101 và Ca biện phấn hành thu về những thành công ngoài mong đợi khi lượng khán giả đến nghe, xem, hiểu và tương tác rất tốt. Đặc biệt, những suất diễn thuộc dự án Ca biện phấn hành thu hút phần đông khán giả trẻ tuổi đến thưởng thức để nắm bắt được cái đẹp trong nghệ thuật hát bội.
Tính ứng dụng của nghệ thuật hát bội được đưa vào buổi diễn một cách khéo léo dưới vai trò dẫn dắt gợi mở trực quan, sinh động, bài bản của diễn giả trẻ Vương Hoài Lâm. Khán giả đến buổi diễn không chỉ để thưởng thức mà còn có thể mở mang kiến thức về nghệ thuật hát bội, được kết nối với những giá trị lâu đời của nền nghệ thuật nước nhà.
Nhà nghiên cứu trẻ Vương Hoài Lâm chia sẻ về nghệ thuật hát bội trong talkshow Ca biện phấn hành.
Giữa Sài Gòn náo nhiệt của thời công nghệ hiện đại, vẫn có một nhóm người trẻ miệt mài tìm cách lưu giữ, bảo tồn và đưa những giá trị đẹp đẽ của hát bội và nghệ thuật dân gian Việt Nam đến gần khán giả là điều rất đáng trân trọng. Các bạn trẻ của Hiếu Văn Ngư đã làm được điều đó. Họ chính là sự kết nối thú vị giữa nghệ thuật với khán giả.
Khán giả hưởng ứng tiết mục trình diễn hát bội trong talkshow mà nhóm Hiếu Văn Ngư kết hợp cùng Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tổ chức.
Không chỉ kết nối và phục vụ khán giả trong nước, nhóm còn đưa nghệ thuật hát bội ra nước ngoài nhờ ứng dụng công nghệ và mạng xã hội.
Đánh giá về hiệu ứng và sức lan tỏa của hoạt động này, Quỳnh Nhi cho biết: "Bản thân hát bội với các tính chất tượng trưng, ước lệ, khoa sức đã có sức hút đối với khán giả quốc tế. Trong thời gian qua, nhóm đã từng giới thiệu hát bội đến nền tảng UNESCO-ICHCAP, triển lãm offline tại Busan, nền tảng Google Arts & Culture; giới thiệu hát bội tại Liên hoan sân khấu trẻ châu Á và gần nhất là quảng bá hát bội trên du thuyền hạng sang Azamara Onward. Chúng tôi nhận thấy sau các chương trình này khách nước ngoài rất yêu thích và hiếu kỳ với hát bội. Họ mong muốn có thể được thưởng thức, trải nghiệm nhiều hơn. Chúng tôi cũng nhận được những lời mời hợp tác hoặc tâm tình của các nhà nghiên cứu, khán giả, nhà hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo để tìm hiểu thêm về hát bội".
Khi nghệ thuật hát bội đang mất dần vị thế, việc nỗ lực gìn giữ, bảo tồn là không hề dễ dàng. Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish luôn cố gắng tùy theo điều kiện hiện có mà thực hiện các dự án một cách hiệu quả nhất. Nhóm luôn nỗ lực tận dụng tối đa nguồn lực sẵn có và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng, các tổ chức văn hóa và các đối tác để có thể duy trì và phát triển nghệ thuật hát bội.
"Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đồng hành với Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM trong các hoạt động quảng bá nghệ thuật hát bội đến với công chúng. Nhóm cũng dự định sẽ ra mắt ấn phẩm để khán giả có thể tìm hiểu về hát bội một cách bài bản, có sự minh họa trực quan và sinh động. Bên cạnh đó, nhóm tiếp tục ra mắt các dự án mới liên quan đến di sản văn hóa Á Đông mà người tham dự sẽ có nhiều dịp để thực hành, thưởng thức giúp cho đời sống tinh thần thêm phong phú. Nhóm mong mỏi được sự yêu thương, đồng hành của công chúng trong 'hải trình vạn lý' nhiều thử thách này", Quỳnh Nhi chia sẻ.
Thêm một khán giả đến với hát bội, thêm một khán giả cất giọng hát dân ca, thêm một người sử dụng văn hóa làm chất liệu sáng tạo… đều là những "thành tựu" đối với Hiếu Văn Ngư - Cultura Fish. Trên hành trình ấy, Hiếu Văn Ngư đã đón nhận được sự quan tâm, ủng hộ của không ít người quan tâm ở độ tuổi trung niên trở lên, cũng như nhiều hồi ứng từ các bạn trẻ đồng trang lứa; bấy nhiêu cũng đủ thổi bùng nên niềm tin về sức sống và vẻ đẹp diệu kỳ của văn hóa truyền thống đang âm ỉ lan dần trong giới trẻ đương đại. |