ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN - 1  

Ảnh: Những hang động khuyết sâu vào lòng núi trong khu vực

thác Đak G’lun

Trước khi tách ra từ tỉnh Đaklak vào năm 2004, vùng Gia Nghĩa – Đak Nông trong cái nhìn của người làm du lịch chỉ là điểm trung chuyển, dừng chân trên Quốc lộ 14 nhằm để khách thư giãn sau chặng đường dài mệt mỏi, hoặc mua bơ sáp, măng khô đặc sản Tây Nguyên .., rồi tiếp tục ngược xuôi lên Ban Mê Thuột hoặc trở về TPHCM, còn du lịch thì e rằng khó phát triển, bởi lẽ chẳng có thắng cảnh nào nổi tiếng ngoài thác Diệu Thanh vốn nằm khuất nẻo và đường xuống thác đã hư hỏng nặng. Thế nhưng, bây giờ trở lại Đak Nông, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi tham gia chuyến điền dã và chiêm ngưỡng 13 thác gềnh giữa đại ngàn, mới được Ngành Du lịch Đak Nông phát hiện cách đây không lâu

 

Giữa trưa, chúng tôi đặt chân tới đầu nguồn thác Đak G’lun nằm trong địa phận huyện biên giới Tuy Đức trên độ cao 728 mét so với mặt biển và cách ngã ba Kiến Đức 35 km hướng Tây Bắc nếu đi trên tỉnh lộ 681. Theo lối mòn xuống thác chúng tôi xuyên qua nhiều địa hình: vạt rừng Bằng Lăng với thân cây thẳng ngọn, những vách đá dựng đứng rễ cây cổ thụ bám đầy tựa những con trăn trườn mình bò ngổn ngang, thỉnh thoảng phải men theo con đường khuyết sâu vào lòng núi giống hang chân sóng nối liền hai động đá rộng lớn theo dạng hàm ếch trông rất ngoạn mục. Bất ngờ xuất hiện dưới tán lá rừng luồng nước khổng lồ tung mình trên độ cao hơn 50 mét đổ xuống ầm ì rung chuyển cả một góc rừng và phía chân thác ẩn hiện trong bụi nước bắn ra là sắc cầu vồng lung linh, huyền ảo. Cảnh vật thác Đak G’lun đẹp hoang dã như chuyện cổ tích , xứng danh “ Người đẹp giữa Đại ngàn” mà người M’Nông đã đặt tên.

ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN - 2

Ảnh: Nghệ nhân đánh công chiêng hầu hết là nữ giới là điều hiếm thấy ở Tây Nguyên

Đêm ở Bon J’riêng – Gia Nghĩa thơm mùi nếp mới và thịt nướng từ ngôi nhà làng, còn ở phía trước sân, đống lửa bắt đầu cháy bùng lên sau khi già làng hoàn tất phần nghi thức mở hội trong tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng. Những bài nhạc cồng chiêng đón khách chúc sức khỏe, mừng lúa mới, mừng chiến thắng lần lượt được diễn tấu làm nền cho vòng xoang gồm 40 con người mấy thế hệ trong trang phục M’Nông đã làm sống lại đêm hội cồng chiêng thuở nào. Một điểm đặc sắc ở Bon J’riêng nghệ nhân đánh cồng chiêng chiếm phần đông là nữ giới, điều mà chúng tôi chưa hề thấy ở Tây Nguyên. Theo ông K’Bốt Phê Pul – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đak Nông “Cồng chiêng không do các dân tộc Tây Nguyên tự làm ra, mà mua hoặc đổi theo dạng hàng hóa từ nơi khác mang đến, tuy nhiên nó cũng phải qua quá trình được các nghệ nhân bản địa gò lại, chỉnh âm mới trở thành nhạc cụ. Hiện nay dân tộc M’Nông sống ở Đak Nông bảo lưu gần 20 bài nhạc cồng chiêng phục vụ nghi lễ: Mừng lúa mới, Lễ đâm trâu, tang lễ bỏ mả, Mừng chiến thắng, Mừng nhà mới, Lễ cầu an, chúc sức khỏe… và tùy nghi lễ bài cồng chiêng sẽ diễn tấu âm điệu khác nhau …. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng dân tộc M’Nông là hoạt động cộng đồng không phân biệt giới tính, tuổi tác và xem trọng vấn đề thừa kế nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống”

ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN - 3

Ảnh: Thác Liêng Nung hùng vỹ, hoang dã giữa lòng thị xã Gia Nghĩa

Liêng Nung - dòng thác giữa lòng thị xã, tọa lạc trên Quốc lộ 28, cách Gia Nghĩa chưa tới 10 km và nổi tiếng hùng vĩ với 2 cột nước chảy xối xả trên vòm đá cao 30 mét tung bọt trắng xóa và bụi nước mù mịt cả một vùng. Còn nữa, dưới chân thác thân cây trôi dạt, chung quanh thác chưa có dấu hiệu can thiệp của con người nên vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy. Đây được xem là nơi thu hút dân săn ảnh bởi chụp góc độ nào cũng đẹp, cũng lột tả được cái hồn thiên nhiên hoang dã.

Len Gun - cái tên cụm thác nước nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung huyện Đak Song, cách thị xã Gia Nghĩa 48 km vốn là nơi thâm sơn cùng cốc nên ít người biết đến thậm chí những anh Kiểm Lâm viên cũng thú nhận chỉ mới đặt chân tới 3 hoặc 4 thác là cùng. Và muốn khám phá cụm thác này, bắt buộc khách phải sử dụng xe mô tô kết hợp đi bộ xuyên rừng với tổng chiều dài 18 km dưới sự hướng dẫn của kiểm lâm. Cũng may gặp tổ Kiểm lâm cắm chốt tốt bụng vừa nhiệt tình dẫn đường lại cho chúng tôi mượn xe để tự lái.

ĐAK NÔNG – 13 THÁC NƯỚC GIỮA ĐẠI NGÀN - 4

Ảnh: Tác giả bên thác Lưu Ly, nằm giữa vùng đệm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung

Đó là một buổi trưa đầy nắng vàng phủ khắp núi rừng mênh mông và cô tịch, chúng tôi gồm 8 người ngồi trên 4 xe mô tô lần lượt trước sau theo con đường đất hướng vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung, mà theo Giám đốc Nguyễn Công Cẩn có diện tích vùng lõi là 12.307 hecta và mặc dù chiếm đa số là rừng đặc dụng, nhưng chưa bị tác động bởi con người hay thiên tai. Ngay đây người ta phát hiện dấu chân của nhiều động vật quý hiếm như Voi, Hổ, Bò Tót, Beo lửa và hàng trăm loài chim thú khác... Đi chưa được bao lâu, thì gặp nhiều đoạn đường lầy lội, ổ gà ổ voi chằng chịt hoặc đắp mô xóc lộn gan lộn ruột, hậu quả của xe công vụ qua lại cầy xới. Cũng không ít nơi cây đổ ngổn ngang, đường trơn trượt như mỡ khiến các xe liên tục bị té ngã. Lúc này mới hiểu tại sao anh em kiểm lâm toàn phải sử dụng xe gắn máy để tuần tra.

Sau gần hai giờ đồng hồ mệt “bở hơi tai” vì đánh vật với con đường đầy gian khổ, chúng tôi dừng chân bên cánh rừng già rậm rạp và đâu đây văng vẳng tiếng thác đổ ầm ì. Tiếp tục luồn rừng trên 2 con dốc dựng đứng dưới tán cây bằng lăng và tre nứa “tranh tối tranh sáng”. Cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân tới thác đầu nguồn hay gọi là thác Cả trong cụm bảy tầng nước chảy trắng xóa. Thật ra thác Cả không cao lại không đồ sộ như chúng tôi đã tưởng tượng nhưng nếu nhìn về hạ nguồn có thể thấy cả một vùng hẽm núi mênh mông xa tít, ghềnh đá nhấp nhô, những vực sâu gẩy khúc đang ẩn hiện trong bụi nước như sương như khói mới cảm giác thác hùng vĩ dường nào. Người ta kể, thác Len Gun dàn thành 7 tầng trên chiều dài 1 cây số và chêch lệch độ cao từ đỉnh thác cả đến chân thác cuối cùng khoảng 350 mét.

13 thác nước giữa đại ngàn, những Khu Bảo tồn Thiên nhiên được cố kết trong một không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Đak Nông vốn có rất nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa .. Tuy nhiên, Ngành Du lịch địa phương cần phải đầu tư thêm về cơ sở hạ tầng đặc biệt về đường xá giao thông, điển hình như đường vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Nam Nung. Bên cạnh đó, xây dựng đường bậc thang, hàng rào bảo hiểm nhằm tạo điều kiện cho du khách đến thăm đồng thời đảm bảo sự an toàn. Chưa hết, cần… tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ mội trường nhằm hưởng lợi từ du lịch, giảm bớt đói nghèo. Đó cũng là con đường đúng đắn để phát triển du lịch bền vững.

TTD

Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP. HCM


 



Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT