Văn hóa và Du lịch - Đôi điều suy nghĩ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Văn hóa là khái niệm rất rộng, bao gồm toàn bộ hành vi, ứng xử trong cuộc sống của con người; gắn liền với lịch sử, truyền thống lẫn hiện tại và tương lai. Chỉ có văn hóa du lịch, chứ không có du lịch văn hóa kiểu du lịch sinh thái, dã ngoại, thể thao, du lịch MICE…, bởi du lịch vốn là hoạt động văn hóa.

Du lịch, nôm na là đi chơi, ra khỏi nhà và lưu trú qua đêm. Du lịch là nhu cầu tất yếu của con người mà cuộc sống luôn tìm cách đáp ứng. Du lịch gắn liền với phát triển, với những điều mới mẻ. Không ít người cho rằng, bên cạnh hiệu quả kinh tế nhãn tiền, du lịch là tác nhân làm hỏng môi trường, phá vỡ cảnh quan và nhiều hệ lụy tiêu cực. Có vẻ như đối lập với du lịch, văn hóa đề cao việc giữ gìn bản sắc, bảo tồn các giá trị lịch sử. Đã có những tranh luận, bất đồng, thậm chí phủ nhận lẫn nhau giữa văn hóa và du lịch.

Văn hóa và Du lịch - Đôi điều suy nghĩ - 1
Vẻ đẹp của dòng sông Nho Quế chảy qua cao nguyên đá Đồng Văn - Ảnh: S.H.T

Nguyên nhân của những ngộ nhận

Bản chất của du lịch là phát triển, là mới mẻ nên không phải tự nhiên mà đối nghịch với văn hóa. Ở Việt Nam, bê tông cốt thép trở thành hội chứng mọi nơi, mọi lúc. Từ cổng chào, ghế đá, hang động, tiểu cảnh cho đến nhà cửa cạnh núi, giữa rừng. Từ giả đá, giả gỗ tới giả động thực vật và con người.

Tự thân bê tông không có lỗi, cũng giống như phát minh ra vũ khí là để tự vệ, để bảo vệ đất nước chứ không nhằm xâm lược nước khác. Vấn đề là sử dụng thế nào để có hiệu quả hay nhất. Tất cả đều do con người, thủ phạm chính của mọi nguyên nhân. Cái gì cũng vậy, lạm dụng tùy tiện đều gây hệ lụy nguy hại.

Bê tông có mặt khắp nơi trong cuộc sống hiện đại. Từ cột điện, cầu, đường đến nhà ở và các công trình xây dựng. Có những kiến trúc để đời như đền Pantheon (118 - 126 ở Ý), kênh đào Panama (1904 - 1914, dài 77km ở Trung Mỹ), đập Hoover (1931 – 1936, dài 180km ở Mỹ), Burj Khalifa (2004 - 2008, nhà chọc trời 829m, cao nhất thế giới ở Dubai, UAE)… Với ngành du lịch, bê tông càng gần gũi, không thể thiếu và góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp không khói toàn thế giới.

Văn hóa và Du lịch - Đôi điều suy nghĩ - 2
"Thị trấn mù sương" Sapa ngày nay đang trong quá trình đô thị hóa với tốc độ chóng mặt - Ảnh: Internet

Bê tông gắn liền với đô thị; nhà lá, nhà gỗ lẻ loi giữa phố có thể tạo nên sự lạ lẫm, khập khiễng trong quy hoạch. Và các công trình bê tông giữa thiên nhiên xanh mát lại như ung nhọt. Du khách không chỉ khó chịu mà còn thành kiến, ác cảm với những công trình như vậy. Ở Việt Nam hiện nay, du khách sẽ dễ dàng nhìn thấy những cổng chào giả cổ thụ có mặt khắp các khu du lịch gọi là sinh thái. Phá rừng, bạt núi, chiếm sông, lấn biển để làm chùa, làm cáp treo, làm du lịch gắn mác sinh thái và tâm linh… Và tất nhiên, những công trình như vậy đang bị dư luận phản đối kịch liệt.

Ngay cả những việc trùng tu, phục dựng, nhân danh bảo tồn cũng đang bị lạm dụng và biến tướng. Nhiều nhất là các đình chùa, địa phương nào cũng bị phản đối. Trùng tu mà như phá, cứ tùy tiện làm theo cảm tính của người quản lý. Sơn phết thì lòe loẹt, lố lăng. Phục dựng thì lập lờ gian dối, đánh tráo thật – giả. Toàn là xây (dựng), phá (rừng, núi, sông, hồ) không phép tắc.

Bảo tồn và Du lịch - Cặp phạm trù tương hỗ

Thực tế ở các nước có ngành công nghiệp không khói phát triển đã chứng minh – bảo tồn và du lịch, là cặp phạm trù tương hỗ, có tác động qua lại, thúc đẩy chứ không triệt tiêu như nhiều người đang nghĩ. Có chăng là mâu thuẫn đối kháng giữa lợi ích cộng đồng và các lợi ích nhóm (chủ đầu tư). Muốn bảo tồn hiệu quả phải biết phát triển đúng hướng. Muốn du lịch bền vững phải biết bảo tồn đúng cách.

Nếu thật sự cầu thị, phải biết dựa vào dân và lắng nghe phản biện của các nhà khoa học để tìm tiếng nói chung, hài hòa lợi ích. Lợi ích của cộng đồng, trong đó có các nhà đầu tư là giá trị cốt lõi. Bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, kể cả các giá trị phi vật thể. Thời gian là kẻ thù của di sản, không có ngoại lệ. Các di sản vật thể phải được duy tu, tôn tạo đúng lúc và đúng cách thì mới phát huy hiệu quả. Các di sản phi vật thể cũng cần được sàng lọc, loại bỏ những yếu tố tiêu cực để thích nghi với cuộc sống hiện tại.

Homestay A Chu (người H’Mông ở Hua Tạt, Vân Hồ, Sơn La) được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu nhất” năm 2018. Trải nghiệm văn hóa với người H’Mông, dù ở nhà tập thể, phòng riêng hay phòng Six Senses đều có gối, nệm dày 2 tấc, thay hàng ngày, được đón tiếp bằng welcome drink. Làm nhà mới thì quá tốn kém, bản toàn dân nghèo. Nâng cột nâng sàn để biến thành nhà ăn và lễ tân thì bị kết tội “phá vỡ cấu trúc văn hóa”. Giữ nguyên cấu trúc thì không làm du lịch được. Sau cả tuần thuyết phục, tranh luận, cuối cùng anh chàng Tráng A Chu liều lĩnh phá cách. Ngôi nhà sàn tuềnh toàng được nâng cột, nâng nền và dặm vá lại. Nệm gối của người H’Mông được thay bằng nệm gối chuẩn 4 sao. Chỗ ngủ tập thể có rèm ngăn, có đèn đọc sách, mỗi chỗ có 2 ổ cắm điện. Nhà vệ sinh làm mới, thoáng sạch. Vật liệu toàn tận dụng tại chỗ, rẻ mà bền, lại lạ mắt. Trang trí hoa văn, họa tiết H’Mông và các món ngon được chế biến từ nguyên liệu H’Mông (các đầu bếp 5 sao hướng dẫn). Nhờ sự phá cách nhỏ, văn hóa H’Mông không chỉ phục hồi mà phát triển mạnh mẽ. Từ trang phục, văn nghệ, phong tục, cho tới ẩm thực, sinh hoạt… Với cách làm này, sự phá cách không ảnh hưởng lớn đến bản sắc nhà ở của người H’Mông, nhưng đã giúp người dân, không chỉ “xóa đói giảm nghèo”, mà còn làm giàu chính đáng và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Văn hóa và Du lịch - Đôi điều suy nghĩ - 3
Thiết kế phòng nghỉ của một homestay mang phong cách nhà sàn độc đáo, vừa tiện nghi với những tiêu chuẩn 4 sao, lại vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho cảnh quan núi rừng tự nhiên - Ảnh: Dương Minh Bình

Tôi cứ ngẩn ngơ, giá mà thay được khối bê tông cứng ngắc ở một khách sạn 4 sao giữa núi rừng bằng các nhà sàn dân tộc thoáng mát, đủ tiện nghi, hòa hợp với thiên nhiên thì hay biết mấy. Chẳng bao giờ sợ ế phòng. Tôi cứ tiếc cho mấy khối bê tông như lô cốt, lạc lỏng nhìn ra biển. Chẳng bù cho các Six Senses Resort do nước ngoài đầu tư. Giản đơn mà lịch lãm, hài hòa với môi trường, cảnh quan. Và còn rất nhiều điều đáng tiếc nữa trong việc làm du lịch của người Việt. Các di tích cổ, cảnh quan thiên nhiên… tự thân đã toát lên giá trị văn hóa đặc thù, hà cớ gì cứ phải đua nhau xây mới, làm mới kệch cỡm.

“Cây có cội, suối có nguồn”. Coi thường bảo tồn là xóa bỏ nguồn cội. Phá hủy các di sản văn hóa là có lỗi với dân tộc. Lịch sử đã chứng minh “diệt chủng văn hóa nguy hại gấp hàng trăm lần diệt chủng con người”. Những hành vi làm cho bảo tồn và du lịch mâu thuẫn đối kháng hiện nay là một phần của biểu hiện diệt chủng văn hóa. Rất may là gần đây, qua báo chí và mạng xã hội, dư luận đã thức tỉnh, xã hội lên án mạnh mẽ. Các nhà đầu tư tâm huyết và có trách nhiệm đang tìm cách cân đối lợi ích, hài hòa giữa bảo tồn và du lịch để phát triển bền vững.

Văn hóa và Du lịch - Đôi điều suy nghĩ - 4

Nguyễn Văn Mỹ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tạp Chí Du Lịch

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!