“TP. Hồ Chí Minh - Điểm đến Thân thiện, Hấp dẫn, An toàn”

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

“TP. Hồ Chí Minh - Điểm đến Thân thiện, Hấp dẫn, An toàn” - 1

 — Trong những năm qua, Ngành Du lịch TPHCM đã tổ chức thực hiện khoảng 7 sự kiện du lịch trong năm như: Đường hoa Nguyễn Huệ, Ngày hội Du lịch TPHCM, Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam Bộ, Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ, ITE HCMC, Liên hoan Món ngon các nước. Nhân dịp đầu Xuân Giáp Ngọ - 2014, Phóng viên Tạp chí Du lịch TPHCM đã có cuộc phỏng vấn Ông Lã Quốc Khánh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông Tin và Du lịch TP.HCM:

“TP. Hồ Chí Minh - Điểm đến Thân thiện, Hấp dẫn, An toàn” - 2
Ông Lã Quốc Khánh - Ảnh: Long Trì

—  Phóng viên: Được biết, trong năm 2013, Ngành Du lịch Thành phố duy trì đều đặn chế độ giao ban Phòng Văn hóa 24 Quận, Huyện. Sự kết hợp này có tạo thêm sức mạnh cho công tác quản lý Nhà nước về Du lịch?

       - Ông Lã Quốc Khánh: Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch là một trong những nội dung được Thành phố chú trọng trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi Luật Du lịch có hiệu lực từ năm 2006, vừa tạo hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch đi vào nề nếp, vừa đặt ra cho bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch trách nhiệm nặng nề trong công tác hậu kiểm.Quy mô phát triển của Ngành Du lịch TPHCM  những năm gần đây, cho thấy đội ngũ doanh nghiệp hoạt động du lịch tăng nhanh về quy mô và số lượng, cụ thể là từ năm 2006 đến nay tăng gấp đôi về số lượng cơ sở lưu trú du lịch và doanh nghiệp lữ hành, hoạt động kinh doanh du lịch ngày càng đa dạng ,đội ngũ Hướng dẫn viên và lượng phương tiện vận chuyển cao nhất nước, khách và doanh thu du lịch tăng đều hàng năm.

     Trong bối cảnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với phòng Văn hóa Thông tin Quận, Huyện trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực du lịch thực sự là một điểm sáng, góp phần nâng cao hiệu lực công tác hậu kiểm, hạn chế đến mức tình trạng doanh nghiệp du lịch hoạt động không phép, trái phép, không đúng chức năng trên địa bàn với nhiều giải pháp thiết thực, cụ thể trong đó có việc duy trì thường xuyên chế độ giao ban định kỳ giữa Sở với Phòng Văn hóa Thông tin Quận, Huyện về du lịch.

      Các cuộc họp giao ban với nội dung được chuẩn bị kỹ, có trọng tâm, trọng điểm đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cơ sở, tiếp nhận thông tin từ Quận, Huyện để có điều chỉnh trong chỉ đạo từ phía cơ quan quản lý Ngành.Cũng từ những cuộc họp giao ban định kỳ mà Sở triển khai có hiệu quả, rà soát danh sách doanh nghiệp đã đăng ký nhưng chưa thông báo hoạt động;Tổ chức tuyên truyền phổ biến Pháp luật về du lịch cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách du lịch của 24 Quận, Huyện và các doanh nghiệp du lịch và đặc biệt là thành lập các Tổ Hậu kiểm chuyên đề có sự tham gia của cán bộ, chuyên viên Phòng Văn hóa Thông tin Quận, Huyện vừa hướng dẫn nhắc nhở vừa kịp thời kiểm tra, xử lý kịp thời những doanh nghiệp vi phạm.

 

 

    —  Ông đánh giá gì về hiệu quả của Chương trình “TPHCM – 100 Điều thú vị” qua 2 năm triển khai thực hiện? Trong nhịp thở của Ngành Du lịch TPHCM, chương trình “TPHCM – 100 Điều thú vị”, đã có phát huy tác dụng thế nào đối với du khách và bản thân thương hiệu doanh nghiệp đó?

- Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” là chương trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng dịch dụ du lịch đầu tiên của du lịch của Thành phố nhằm đánh giá, chọn lựa những sản phẩm du lịch mang tính độc đáo, hấp dẫn nhất, để xây dựng những sản phẩm du lịch mang tính chất điển hình để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước, nâng cao hình ảnh điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh. Đây  là một cuộc vận động mang ý nghĩa xã hội to lớn với sự tham gia phát hiện các giá trị văn hóa, sản phẩm du lịch để giới thiệu, bình chọn và quảng bá rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, cũng là một hoạt động nhằm khuyến khích các doanh nghiệp du lịch nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch (ăn uống, lưu trú, vận chuyển,  mua sắm, điểm tham quan ….) đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu du lịch của người tiêu dùng trong tình hình mới. Qua đó, tăng cường tính cạnh tranh, tạo lợi thế so sánh sản phẩm du lịch giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh bạn nói riêng và các nước trong khu vực nói chung.

Trong lần triển khai đầu tiên, chương trình đã nhận được sự đánh giá cao về tính sáng tạo và đột phá của Ngành Du lịch Thành phố từ Lãnh đạo Thành phố, Lãnh đạo Bộ VHTTDL, giới chuyên môn, các tỉnh, thành bạn cũng như Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố Châu Á- Thái Bình Dương (TPO). Tiếp thu ý kiến đóng góp từ lần đầu triển khai, Chương trình “Tp. Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị” lần 2 cho thấy nhiều thay đổi tích cực như mở rộng tiêu thức bình chọn (từ 10 lên 20) làm phong phú và đa dạng các loại hình sản phẩm, giảm số lượng Ứng viên đoạt danh hiệu (từ 10 xuống 5) nhằm nâng cao chất lượng ứng viên được bình chọn.

Sau khi công bố kết quả lần 2, công tác tuyên truyền quảng bá cho chương trình đã được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú đa dạng hơn với các kênh truyền thông: Báo chí, Đài Phát thanh, Truyền hình và tuyên truyền đường phố tại hội chợ, sự kiện du lịch trong và ngoài nước, các trang mạng du lịch, trang mạng xã hội… Bước đầu, đã tạo được những hiệu ứng nhất định với sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch từ nhiều lĩnh vực trong công tác tuyên truyền, quảng bá cho chương trình. Đánh giá về hiệu quả của chương trình có thể nói qua 2 lần triển khai, chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định như: đã tạo được sức lan tỏa đến với du khách và người tiêu dùng du lịch trong việc lựa chọn những dịch vụ tốt nhất. Mặt khác, chương trình đã tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh về chất lượng dịch vụ giữa các Ứng viên tham gia bình chọn, cũng như khuyến khích các đơn vị được bầu chọn đảm bảo thương hiệu và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, để phục vụ ngày càng tốt đối với du khách trong và ngoài nước, nâng cao hình ảnh “TP.Hồ Chí Minh - Điểm đến Thân thiện – Hấp dẫn – An toàn”.  Tuy nhiên, bên cạnh đó, chương trình cũng còn tồn tại một số hạn chế nhất định cần khắc phục trong thời gian tới để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình lần thứ 3 (dự kiến vào năm 2014 - 2015), đặc biệt là công tác truyền thông cho chương trình mặc dù đã có nhiều cải tiến, đa dạng hình thức và kế hoạch tuy nhiên hiệu ứng lan tỏa vẫn chưa đạt như mong đợi. Phần vì vẫn đi theo hướng tiếp cận một chiều, phần vì thời gian tuyên truyền trải dài, chưa có nhiều sự kiện tạo sự thu hút, chú ý của cộng đồng và kinh phí sử dụng cho công tác truyền thông hạn chế.

Trong những năm qua, tuy nền kinh tế thế giới liên tiếp khó khăn, thêm vào đó là sự góp mặt của một số sân bay quốc tế trong cả nước như: Đà Nẵng, Cần Thơ, sắp tới đây là Phú Quốc nhưng ngành Du lịch TPHCM vẫn đạt tăng trưởng theo kế hoạch đề ra, đóng góp trên 50% lượng khách cả nước. Để đạt được thành quả trên gồm cả sự năng động của các doanh nghiệp, cũng như hiêu quả các chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, công tác quảng bá hình ảnh điểm đến thành phố của Ngành du lịch TPHCM. Tôi tin rằng, trong những năm tới, chương trình sẽ tiếp tục phát huy sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa, tiếp tục là một sân chơi dành cho các doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ khách du lịch có chiều sâu, góp phần nâng cao sức hấp dẫn của điểm đến Thành phố trong giai đoạn mới.

—  Bước đầu, Chương trình Du lịch Đường sông (Tour Đường thủy) được Saigontourist đảm trách, đã xây dựng một số tour Du lịch Đường sông (TPHCM – Quận 7 – Cần Giờ - Củ Chi), Ông có ý kiến gì cho sự phát triển và hấp dẫn du khách của chương trình này đến với  du khách trong nước và quốc tế?

- Năm 2013, năm đánh dấu bước tiến mới trong công tác phát triển sản phẩm Du lịch Đường thủy khi Ngành Du lịch của thành phố xây dựng chiến lược phát triển Du lịch Đường thủy giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến 2020. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo Thành phố trong việc xây dựng sản phẩm Du lịch Đường thủy trở thành sản phẩm du lịch chủ lực của Ngành Du lịch TPHCM vào 2020 bằng nhiều gói giải pháp và chương trình hành động từ công tác quản lý Nhà nước đến phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm gắn kết với cộng đồng, bồi dưỡng nguồn nhân lực đến công tác xúc tiến, tuyên truyền, quảng  bá nhằm phát triển bền vững Du lịch Đường thủy, có chiều sâu.

Hưởng ứng định hướng phát triển sản phẩm của Ngành Du lịch, từ tháng 6/2013, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã giới thiệu thêm một số Chương trình Du lịch Đường thủy đi Củ Chi, Cần Giờ, quận 7, Nội đô dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ Du lịch Đường thủy tại điểm đến còn thiếu, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã rất năng động, sáng tạo và đầu tư cải tạo cầu tàu tại một số điểm đến, góp phần làm hoạt động Du lịch Đường thủy thêm nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, ngoài sự năng động Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, cũng phải nói đến sự tham gia, đóng góp rất tích cực của hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh Du lịch Đường thủy như Công ty TNHH Thường Nhật, Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, Công ty TNHH DV DL Saigon River Tour… góp phần làm phong phú đa dạng hơn hoạt động Du lịch Đường thủy. Khép lại năm 2013 với tốc độ tăng khoảng 20%, cho thấy sự quyết tâm và hướng đi đúng đắn của Lãnh đạo Thành phố và Ngành Du lịch TPHCM cùng với sự đồng hành, hưởng ứng của các doanh nghiệp Du lịch Đường thủy.

Bước qua năm 2014, để đẩy mạnh sự phát triển và hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến với chương trình này, hoạt động Du lịch Đường thủy sẽ có những khởi sắc hơn nữa khi cơ sở hạ tầng Du lịch Đường thủy được Nhà nước đầu tư nâng cấp và xây mới 7 bến tại các vị trí quan trọng cùng với sự nâng cấp, phát triển cầu tàu, bến đỗ của các nhà đầu tư khác, cùng với các doanh nghiệp du lịch trong việc khảo sát, xây dựng chương trình Du lịch Đường thủy mới, tạo hàng loạt các hoạt động mới như Hội Hoa đăng trên sông, Đua thuyền truyền thống, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá Du lịch Đường thủy tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước… để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước góc nhìn mới Thành phố dọc theo những con sông, kênh rạch vốn đã gắn bó với lịch sử phát triển và hình thành của Thành phố Hồ Chí Minh.

      —  Năm 2013, đã khép lại với những thành tựu vượt trội của Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh – một ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố , Ông cho biết mục tiêu, phương hướng, chủ đề cho hoạt động của Ngành Du lịch thành phố trong năm 2014?

- Năm 2013, đánh dấu sự phát triển theo hướng bền vững của Ngành Du lịch TPHCM với kết quả: khách quốc tế đến Thành phố ước đạt 4.109.000 lượt, tăng 8,1% so cùng kỳ, đạt 100,2% kế hoạch năm 2013, chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam Tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) năm 2013 ước đạt 83.191 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ , đạt 101 % kế họach năm 2013, chiếm 44% tổng doanh thu du lịch Việt Nam.Qua đó, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, có tốc độ tăng trưởng bền vững, ổn định, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố với tỷ trọng 11% GDP của Thành phố trong năm 2013 và dự kiến giữ vững tỷ trọng này trong năm 2014.

      -Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2013, phát huy vai trò chủ động của ngành, tăng cường mối quan hệ phối hợp với các Sở-Ngành-địa phương, tận dụng tối đa lợi thế tiềm năng, Ngành Du lịch TPHCM xác định mục tiêu tổng quát là  xây dựng và nâng cao hình ảnh “ Thành phố H Chí Minh – Điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn”. Thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở tăng cường quảng bá xúc tiến, hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập và cạnh tranh có hiệu quả với du lịch khu vực.Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến đón 4.400.000 lượt khách quốc tế, tăng 7% và doanh thu du lịch ước đạt 95.670 tỷ đồng tăng 15% so với năm 2013,

      Để đạt được các mục tiêu nói trên, Ngành Du lịch TPHCM đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung hoàn thành.Đó là:

       1. Tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố, trong đó tập trung phát triển Du lịch Đường thủy.Thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp du lịch với doanh nghiệp các lĩnh vực vận chuyển, dịch vụ mua sắm, giải trí…nhằm tạo những gói sản phẩm tốt có sức cạnh tranh.

        2-Triển khai chương trình kích cầu du lịch gắn với thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ trên cơ sở phối hợp đồng bộ các Sở, Ngành tại Thành phố và với các địa phương để đạt được mục tiêu phát triển thị trường khách nội địa và thu hút nhiều hơn khách quốc tế.

        3-Triển khai hoạt động có hiệu quả Trung tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM góp phần nâng cao chất lượng quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thông tin du lịch Thành phố để tăng cường thông tin cho du khách và doanh nghiệp.

      4-Nâng cao năng lực và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi đầu tư phát triển du lịch..Từng bước thực hiện phân cấp công tác hậu kiểm cho về du lịch cho Quận, Huyện.

        5-Tập trung triển khai công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng theo hướng chuẩn hóa đội ngũ nhân lực ngành du lịch, chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nghành nghề cụ thể như tiếp tân, buồng,bếp, thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch.

      6-Tiếp tục triển khai chương trình “ Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm với môi trường”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị của Chính phủ về cải thiện môi trường văn hóa du lịch Việt Nam, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch có trách nhiệm với môi trường, bảo vệ môi trường sạch – xanh để phát triển du lịch Thành phố bền vững. Chú trọng phối hợp liên ngành tăng cường công tác an ninh du lịch, góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến TPHCM.

ŸXin cám ơn! Xin chúc ông cùng cán bộ, chuyên viên Sở VHTTDL TPHCM, cùng các Doanh nghiệp Du lịch TP HCM năm mới: Sức khỏe, Hạnh phúc và Thành đạt!

Kim Long - Minh Hiếu
(Thực hiện)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!