Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh đều mong đến thăm Bến Nhà Rồng, nơi hơn 100 năm trước người con ưu tú Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng lịch sử năm nào giờ đã trở thành nơi lưu giữ, trưng bày các tài liệu, hiện vật về Bác Hồ, về những năm tháng Người cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, hòa bình. Tọa lạc tại Bến Nhà Rồng, 33 năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (Số 1 Nguyễn Tất Thành, Q4, TPHCM) thực sự trở thành một trung tâm giáo dục về lịch sử cách mạng, về tư tưởng đạo đức và cuộc đời hoạt động Cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để tìm hiểu về các hiện vật, tài liệu, cũng như các hoạt động tuyên truyền giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phóng viên Tạp Chí Du lịch TPHCM đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh –  Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM:Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 1Tượng đài Nguyễn Tất Thành tại Bến Nhà Rồng

Ÿ Phóng viên: Được biết, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM có rất nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ? Bà có thể giới thiệu đến bạn đọc, du khách về các hoạt động này?

- Bà Nguyễn Thị Hoa Xinh: Một trong các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng là thuyết minh, chiếu phim tư liệu, phát hành các ấn phẩm giới thiệu các hoạt động của Bảo tàng, về các tài liệu hiện vật trưng bày tại đây. Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM đã kết nghĩa với Nhà Thiếu nhi các Quận, Huyện tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm lưu động, tổ chức các Ngày hội văn hoá “Bác Hồ với tuổi thơ”, Ngày hội “Hành quân theo chân Bác”; tạo nhiều sân chơi như: thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, tổ chức các trò chơi dân gian, vườn ẩm thực, vườn âm nhạc,… Qua những cuộc thi vẽ tranh về Bác Hồ của các em thiếu nhi, những tác phẩm đoạt giải đã được trưng bày, biên tập và in thành sách. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm lưu động tại Ký túc xá các trường Đại học, các cơ quan, đơn vị, hay những nơi công chúng chưa có điều kiện đến Bảo tàng; chiếu các bộ phim tư liệu như: “Hồ Chí Minh – Chân dung một con Người”, “Những giây phút cuối đời của Bác”, “Bác Hồ với miền Nam”,… Qua những hình ảnh, những câu chuyện, người xem có thể cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến của Bác Hồ đối với các cháu thiếu nhi, với các cụ già, với học sinh, sinh viên… Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM đón tiếp khoảng 350.000 lượt du khách tham quan, trong đó, học sinh, sinh viên chiếm khoảng 2/3. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 2

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh –  Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM

Ÿ Việc phát hiện, trưng bày, bảo tồn các hiện vật, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng được thực hiện như thế nào?

- Sưu tầm hiện vật là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng đối với Bảo tàng nói chung và Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM nói riêng. Đặc biệt, hiện vật gốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ít và hiện nay  chủ yếu được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội; do đó, ngoài việc phục chế một số tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh để trưng bày, Bảo tàng còn tổ chức sưu tầm các tài liệu hiện vật liên quan đến nội dung: Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của nhân dân miền Nam với Bác Hồ; Hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi chú trọng nguồn tài liệu hiện vật từ các đồng chí Lão thành Cách mạng, các đồng chí từng được tiếp xúc, làm việc với Bác và được nhận từ Bác những phần thưởng đối với những thành tích đã đạt được trong chiến đấu, học tập,... Bảo tàng đã phối hợp với Đài Truyền hình TPHCM thực hiện phóng sự vận động nhân dân hiến tặng tài liệu hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 2/9/2012 vừa qua, Bảo tàng đã tiến hành sơ kết 02 năm vận động với kết quả đã nhận được 444 tài liệu hiện vật gốc.

Hiện nay, Bảo tàng có khoảng hơn 18.000 tài liệu hiện vật. Công tác bảo quản, gìn giữ được hết sức chú trọng. Do đặc thù các tài liệu hiện vật bằng các chất liệu dễ bị hư hỏng như giấy, vải, hoa khô, nên việc bảo quản gặp nhiều khó khăn. Các hóa chất để bảo quản đúng chuẩn chi phí rất cao, có khi ở nước ta chưa có, do vậy, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp bảo quản truyền thống với các hoá chất và hương liệu sẵn có ở trong nước. Bảo tàng đã ký hợp đồng với Viện Pasteur TPHCM, định kỳ 3 tháng phun thuốc chống mối, mọt, côn trùng. Các kho lưu giữ tài liệu hiện vật được trang bị các trang thiết bị như: máy lạnh, tủ chống ẩm, nhiệt kế, máy hút ẩm,…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 3

Du khách thắp hương tại Khu Lưu niệm Bác Hồ

 Ÿ Hơn 15 năm gắn bó với Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, Bà có cảm nhận gì về công việc này?

- Đây là một vinh dự đối với tôi và các đồng nghiệp khi hàng ngày, hàng giờ được tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Để mỗi ngày trôi qua, những tình cảm, tri thức của Người để lại ngấm dần vào máu thịt, tâm tưởng, thôi thúc bản thân phải nỗ lực để đưa những giá trị cao quý đó đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế. Hàng ngày, tiếp xúc với du khách, chúng tôi cảm nhận được tình cảm kính yêu, trân trọng của du khách đối với Bác Hồ - từ tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách và chính từ những điều giản dị nhất từ Người. Từ đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều, học từ chính du khách, từ đồng nghiệp và tâm nguyện phải suốt đời học tập theo gương Bác.

 Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 4

Ÿ Bảo tàng sẽ làm gì, để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu chính trị, phục vụ du khách tham quan?

- Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM luôn nhận được sự quan tâm từ Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, Sở VHTTDL TPHCM và các tầng lớp nhân dân – đặc biệt trong những năm gần đây. Thành phố đã phối hợp với Hiệp hội Lyon của Pháp đầu tư trang bị hệ thống chiếu sáng mỹ thuật cho Bảo tàng, công trình đã khánh thành vào ngày 21/11/1998, làm nổi bật một cách hài hòa các khối kiến trúc, đem lại sức sống và năng động cho ngôi Nhà Rồng về đêm. Hiện nay, Bảo tàng đã được trang bị đai trưng bày bằng hợp kim tổng hợp, bền đẹp, an toàn. Các phòng trưng bày cũng được nâng cấp, trang bị hệ thống ánh sáng, âm thanh, màn hình chiếu phim tư liệu, hệ thống máy lạnh, rất thuận tiện việc tham quan, nghiên cứu của du khách. Dự kiến cuối tháng 12/2012, Bảo tàng sẽ khai mạc phòng trưng bày chuyên đề: “Hồ Chí Minh – Cuộc hành trình của thời đại”, bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin với âm thanh, ánh sáng chuyên dùng, màn hình cảm ứng để du khách có thể trực tiếp tra cứu dữ liệu về tài liệu hiện vật được trưng bày.

Sau khi hoàn thành Dự án cải tạo, mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, diện tích Bảo tàng tăng từ 12.000 ha thành 15.000 ha. Cảnh quan của Bảo tàng được phủ một màu xanh mướt, toàn bộ hệ thống cây xanh, vườn cỏ được Công ty TNHH MTV Cây xanh TPHCM nhận chăm sóc, bảo dưỡng. Năm 2009, Bảo tàng đã xây dựng Khu Nhà Vệ sinh hiện đại, trang bị các thiết bị mới, sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn; đồng thời cải tạo, nâng cấp Khu Vệ sinh cũ để phục vụ chu đáo du khách.

Các cán bộ của Bảo tàng cũng thường xuyên được học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn qua các đợt tập huấn, các lớp đào tạo ngắn hạn, với các chuyên đề về công tác tuyên truyền, trưng bày, kiểm kê – bảo quản,… do Bảo tàng Hồ Chí Minh (đầu hệ), Cục Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao – Du lịch TPHCM Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức, với sự hướng dẫn của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của công việc.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 5

Ÿ Bà có thể cho biết kế hoạch phát triển, cũng như các hoạt động tiêu biểu của Bảo tàng trong những tháng cuối năm 2012, và năm tới?

- 9 tháng đầu năm 2012, Bảo tàng đã đạt và vượt kế hoạch công tác năm. Thời gian còn lại trong năm, chúng tôi sẽ tiếp tục và hoàn thành Dự án mở rộng, cải tạo Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM; hỗ trợ trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5) thực hiện công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh của trường; phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 4 và Nhà Thiếu nhi Quận 4 tổ chức vòng chung kết Hội thi tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trưng bày lưu động tại huyện Cần Giờ; xuất bản Kỷ yếu Toạ đàm khoa học: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Nhật ký trong tù””;... Năm 2013, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hoá các phòng trưng bày; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ; tổ chức gặp gỡ các Công ty Du lịch để trao đổi, tiếp thu ý kiến, tiến tới hợp tác với các đơn vị đưa các đoàn khách đến tham quan Bảo tàng; triển khai các hoạt động dịch vụ: ăn nhẹ, giải khát, quà lưu niệm; phối hợp với Đoàn Nghệ thuật múa rối TPHCM tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ thiếu nhi; trang bị Khu Vui chơi trẻ em;… để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng du khách khi đến Bảo tàng.

Ÿ Xin cảm ơn Bà!

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Xinh – Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM: Bến Nhà Rồng là điểm hẹn lịch sử - 6

Thu Hương (Thực hiện)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!