Tại sao thế Hội An?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Thị xã Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. Xưa kia với tên gọi Faifoo đã biết đến từ Thế kỷ 16, 17. Từ thời đó, thương cảng Hội An đã thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á

Hội An ngày nay có những dãy phố cổ gần như nguyên vẹn, đó là loại nhà hình ống xuyên suốt từ phố nọ sang phố kia. Trong đó có một dãy phố nằm sát ngay bờ sông Hoài. Nhà ở đây toàn bằng gỗ quý, trong nhà treo hoành phi, câu đối, cột nhà chạm trổ hoa văn rất cầu kỳ. Hội An là một Bảo tàng sống. Mỗi năm lôi cuốn không biết bao du khách tìm tới đôi khi chỉ để được đi trên con phố trăm năm, hít thở mùi rêu xưa.Vào ngày 4 tháng 12 năm 1999, Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Từ đó đến nay, Hội An đã không ngừng phát triển. Địa phương đã đầu tư để bảo tồn từng ngôi nhà cổ, tổ chức đêm phố cổ và Festival phố cổ cũng như đưa các cuộc thi nhan sắc về tận Hội An để tạo nên thương hiệu Hội An.

 Nhưng phải hiểu rằng, du khách tới Hội An, họ muốn khám phá sự bình dị chân thật trong tâm hồn người dân phố Hội, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của các mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi, trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay Xuân, Hạ, Thu, Đông. Họ cần được trân trọng!

 Vì đôi khi khách chỉ loanh quanh trên các con đường có những ngôi nhà cổ bám rêu xưa, ngắm nhìn đèn lồng rực sáng trong đêm, hay ghé một quán ăn mà thưởng thức các món ăn riêng biệt. Khi du khách tìm tới Hội An, có nghĩa là họ sẽ tiêu xài, sự tiêu xài đó cụ thể là dùng phương tiện đi lại, thuê khách sạn, mua sắm, ăn uống… điều đó giúp cho người dân Hội An có được thu nhập khá hơn cho cuộc sống gia đình. Và nếu không còn du khách, Hội An sẽ là một thành phố cổ u buồn. Và khi không thể mưu sinh vì không còn khách, chính người dân phố cổ Hội An cũng sẽ bỏ phố mà đi.

 Tuy nhiên, không tới Hội An không có nghĩa là du khách nội địa hay quốc tế không còn nơi nào để tới! Bởi nếu tới Hội An để nhận sự bực mình thì có lẽ du khách ghé Huế, ghé Nha Trang hay ghé một thành phố nào đó. Phải hiểu, làm du lịch là để du khách tự nguyện móc túi tiêu đến đồng cuối cùng chứ không phải bán mấy cái vé với bộ mặt hình sự!

 Tại sao thế Hội An? - 1

Du khách đang xem thực đơn Nhà hàng Thăng Long, Hội An

 Tại sao Hội An lại làm cho du khách mất cảm tình đến thế? Báo chí đồng loạt lên tiếng về việc “tận thu” vé tham quan với cách giải thích: “Nếu không thu tiền vé thì tiền đâu mà trùng tu?” Trong cuộc sống bộn bề này, Ngành Du lịch trong cả nước không ngừng phát triển, tuy nhiên du lịch Hội An vẫn đang đứng phía sau theo cách dân gian nói: “Ham lợi trước mắt mà quên hại sau lưng”.

   Hội An là tài sản chung của người dân Hội An, họ có mưu cầu kiếm sống từ nguồn khách du lịch, điều đó là chắc chắn.  Vì thế, không có lý do gì lại chốt chặn khắp nơi buộc du khách mua vé vào Hội An, làm họ có cảm giác như mình là người phạm tội.

 Các doanh nghiệp lữ hành thường xuyên đưa khách tới phố cổ Hội An cho biết, khi Hướng dẫn viên (HDV) dẫn khách tới khu vực giếng chợ, họ thường bị các nhân viên bán vé ép mua vé cho khách. Nếu HDV từ chối không mua vé, lập tức những người này sẽ “ra lệnh” không cho HDV được thuyết minh tại khu vực đó nữa. Thậm chí khách vào phố cổ Hội An ăn tối, họ cũng thường xuyên bị chặn lại yêu cầu mua vé. Những hành động này liên tiếp gặp phải sự phản đối của khách. HDV một doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng cho biết; cũng có trường hợp khách nước ngoài không hiểu tiếng, họ vẫn đi vào thì mấy nhân viên soát vé cũng đứng nhìn thôi. Tuy nhiên cũng có khách thì cho vào, có khách thì họ ngăn cản, gây nên cảnh tượng lộn xộn mất đi vẻ đẹp thân thiện vốn có ở Hội An.

Trước đó, chính quyền Hội An đã ban hành chính sách thu vé tham quan khu vực phố cổ. Cụ thể đối với khách Việt Nam là 80 ngàn đồng/người/ lượt áp dụng trong vòng 1 ngày. Khách có thể đi tham quan cảnh quan chung Khu Phố cổ, các hoạt động nghệ thuật, trò chơi dân gian, chợ đêm. Khách cũng có thể tự chọn 3 trong 22 điểm tham quan: Công trình văn hóa: Chùa Cầu, đình Cẩm Phô, Tụy Tiên Đường Minh Hương, Miếu Quan Công. Bảo tàng: Lịch sử văn hóa, Gốm sứ mậu dịch, Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa dân gian. Nhà cổ: Quân Thắng, Đức An, Phùng Hưng, Nhà thờ tộc Trần, Tấn Ký, Nhà thờ tộc Nguyễn Tường. Hội quán: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến. Xưởng thủ công - mỹ nghệ và xem biểu diễn nghệ thuật cổ truyền( vào lúc 10g15 và 15g15 hằng ngày), Xưởng thêu XQ Hội An, Mộ các thương nhân Nhật Bản: Gu Sokukun, Tani Yajirobei, Banjiro.

 Tại sao thế Hội An? - 2
Đèn lồng tại Hội An

 Trả lời với Báo chí, Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An, cho biết: “Tôi xin khẳng định rằng, lượng khách tới Hội An ngày một tăng. Tôi khẳng định bằng trách nhiệm của người đứng đầu thành phố này. Việc thu phí khu Phố cổ cũng nhằm làm cho người dân trong khu phố có thu nhập cao hơn. Ví dụ việc thành phố tổ chức đêm phố cổ để thu hút du khách, người dân ở đây sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Việc thu phí này tôi tin rằng không ảnh hưởng gì lớn đến việc kinh doanh của người dân Hội An. Chỉ có một điều là chúng ta không phải vì mấy đồng bạc bán vé mà chúng ta làm quá đáng để hình ảnh tốt đẹp trong mắt du khách về Hội An bao lâu nay bị méo mó đi. Việc làm này ảnh hưởng tới lợi ích người dân là không đúng.”

 Đó là cách trả lời của lãnh đạo, nhưng rõ ràng hiện tượng “tận thu” khi vào phố cổ và có tới hai giá vé khác nhau đã thực sự làm cho nhiều du khách không muốn tới Hội An. Cũng có thể nói rằng, cách thu phí thì nơi nào lại chẳng thu. Nhưng trên đất nước này có nơi nào mà khách đi ăn cũng bị chặn đường hỏi vé, chỉ đi tham quan loanh quanh trên đường cũng bị hỏi vé?  Tận thu và thu mọi cách  - một cách không hợp lý đã và đang làm cho Hội An vắng khách, đó là điều chắc chắn. Hãy học cách làm du lịch trước khi nghĩ đến chuyện thu tiền của du lịch. Phải biết thu từ cái gì và không thu từ cái gì. Điều chắc chắn là cách thu tiền khi du khách chỉ đi dạo quanh các con đường Hội An và có một đội ngũ nhân viên kém văn hóa ấy sẽ đưa Hội An trở thành điểm du lịch không nên tới của du khách.

 Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Tại sao thế Hội An? - 3

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!