Tết Đoan Ngọ của người Việt

Tết Đoan Ngọ (mùng Năm tháng Năm âm lịch) có nhiều tên gọi như Tết Đoan Dương hay dân gian vẫn gọi vui là Tết "giết sâu bọ". Dù có nhiều giai thoại nhưng ngày Tết dung dị này có thể xem là ngày Tết của mùa hè với người dân Việt.

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm

Khởi nguồn của Tết này ở Trung Quốc gắn với điển tích về nhà thơ Khuất Nguyên vào cuối thời Chiến Quốc - một nhân vật lỗi lạc thời cổ đại Trung Hoa. Do can ngăn vua Hoài Vương không được, lại bị gian thần hãm hại, Khuất Nguyên đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ngày mùng Năm tháng Năm âm lịch. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày đó, người dân lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh, bỏ gạo vào ống tre rồi thả xuống sông cúng Khuất Nguyên.

Đấy là Trung Quốc. Còn người Việt ăn Tết Đoan Ngọ từ khi nào? Có lẽ chúng ta rất khó để trả lời câu hỏi này, cũng như câu hỏi đây là cái Tết của người Trung Quốc hay của người Việt Nam, hay là của cả một vùng văn hóa đồng văn lân cận. Rất nhiều những nguồn gốc, sự tích, lý giải về cái Tết Mùng Năm này, chồng chéo lên nhau, khiến nó trở thành một thứ đa lớp, đa tầng, đa ý nghĩa.

tet doan ngo cua nguoi viet - 1

Chỉ biết, đầu tháng Năm âm lịch, khi những trái vải thiều chưa ngọt lịm như đường cát, những trái mận hậu thắm đỏ vừa chua dôn dốt vừa giòn sậm sựt, những trái đào hây hây má đỏ ấy là lúc người Việt tất bật chuẩn bị những món ăn sinh nhiệt làm bằng gạo nếp như rượu nếp, bánh gio (tro), bánh ú để ăn Tết mùng Năm, tức Tết diệt sâu bọ hay Tết Đoan Dương, Tết Đoan Ngọ.

Nhưng dù tên gọi thế nào đều là những những định danh chỉ ngày mùng Năm tháng Năm âm lịch, một tiết khí quan trọng trong Âm lịch của phương Đông, khởi đầu cho những ngày nóng nhất trong năm. Đây là một trong những ngày lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú. Nhiều vùng của Việt Nam rất coi trọng Tết Đoan Ngọ, xếp vào hàng thứ hai, sau Tết Nguyên Đán.

tet doan ngo cua nguoi viet - 2

Cơm rượu nếp

Món không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ chính là cơm rượu nếp. Từ mấy hôm trước, các bà, các mẹ đã ngâm gạo nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm rồi đồ chín để nấu rượu nếp. Có thể nói, cơm rượu nếp là một thứ đồ ăn rất Việt Nam, hầu như chẳng thấy ở một nền ẩm thực nào khác. Rượu nếp đấy, nhưng không uống, mà chỉ để ăn đầy khoan khoái. Nồng độ cồn của rượu nếp không nặng như rượu chưng cất, chỉ khoảng vài độ, bởi chỉ là gạo nếp vừa lên men, tạo ra chất đường làm lâng lâng nhẹ nhõm chứ không say.

tet doan ngo cua nguoi viet - 3

Tinh mơ mùng Năm tháng Năm, chưa ăn gì mắt nhắm mắt mở bà đã đưa cho bát con rượu nếp bảo ăn đi cho sâu bọ nó say. Chẳng biết sâu bọ có say không nhưng đứa nào đứa mặt đỏ lựng. Thứ rượu nếp là món khai vị cho bữa tiệc mùng Năm ê hề sản vật nhiệt đới chín rộ vào vào mùa Hè.

Tết Đoan Ngọ là ngày mở đầu chuỗi ngày nắng nóng nhất trong năm nên phải ăn những thứ đồ có tính nóng như thể người ta muốn “dĩ nhiệt trị nhiệt” như cách thức “dĩ độc trị độc” vậy. Đại vũ trụ bên ngoài đã nóng, thì tiểu vũ trụ trong cơ thể cũng cần phải nóng, lấy cái nóng để giao hoa, cân bằng nhau hoặc mượn cái nóng đó để tiêu diệt mọi thứ sâu bọ, bệnh tật vậy. Vì thế, không phải bỗng dưng những món ăn của ngày mùng Năm đều sinh ra nhiệt lượng rất lớn, nào là dứa, vải, nào mận, roi, rồi mít hay các các thức bánh cũng có dấu vết của lửa như bánh gio, bánh ú…

Nhưng cứ việc ăn thoải mái, càng nóng, càng “độc” thì càng diệt sâu bọ hiệu quả. Có lẽ, mùa hè thường xuất hiện ôn dịch do thời khí viêm nhiệt sinh ra, nên các cụ mới vận dụng cách “dĩ độc trị độc” như thế này.

tet doan ngo cua nguoi viet - 4

Các thức quả cho ngày Tết Đoan Ngọ

Nhớ ngày xưa, vườn ông bà ngoại có nhiều loại cây, mấy đứa trẻ chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ “khảo cây” tức là cầm cái que đi khắp vườn, một đứa leo lên cây nấp sau đám lá xanh, đứa ở dưới cầm cái que gõ gõ vào thân cây hỏi ra ý dọa nạt “tại sao năm nay ra ít quả? Mùa sau sẽ ra mấy quả”. Thằng ở trên cây tham ăn nên toàn hứa hẹn “ra trăm quả” khiến cả bọn cười ngả nghiêng. Tục khảo cây thế mà thiêng, năm sau quả nhiên cây ra trái sai hơn. Chúng sợ đòn roi hay do cái tinh thần mùng Năm truyền thống của Tết Đoan Ngọ mà ra quả vậy? Chẳng biết, chỉ cần cứ bị khảo vào ngày diệt sâu bọ là cây nào cũng cun cút đơm hoa kết trái.

tet doan ngo cua nguoi viet - 5

Ngày mùng Năm có gì đó thật kỳ bí. Tối hôm trước, bà đã xin lá móng và lá vông về để nhuộm móng tay, móng chân cho mấy đứa cháu. Lá móng được giã ra rồi đắp vào đầu ngón tay, ngón chân. Sau đó lấy lá cây vông bọc lại, buộc thật chặt và để qua đêm. Cả đêm hôm ấy, mấy chị em thường thao thức không ngủ, phần vì sợ bị tuột lá móng, phần vì háo hức xem hôm sau móng của ai sẽ đỏ hơn. Sáng sau ngủ dậy điều đầu tiên là phải giơ ngay tay ra xem móng tay thế nào. Bà bảo sơn thế để bọn sâu, bọ nhìn thấy màu đỏ là chạy không dám đến gần.

Cũng vào cái ngày này, mọi thứ cây cỏ trong vườn, ngoài đồng, trong rừng đều trở thành thuốc cả. Rất lạ kỳ, không chỉ có người Việt mà người Cơ Tu ở miền Trung cũng có tập tục đi hái mọi thứ lá có thể tìm thấy vào chính Ngọ ngày mùng Năm đem phơi khô làm pha nước uống dần. Họ đều gọi đây là “Lá mùng Năm” có tác dụng chữa bệnh. Thế nhưng, chỉ trong trưa ngày mùng Năm thì thực vật mới có dược tính công hiệu như thế thôi, còn lại các ngày khác thì mất tác dụng. Ai có thể giải thích được điều này một cách thỏa đáng, thôi thì cứ tạm coi đó là một hiện tượng siêu nhiên của ngày Đoan Ngọ vậy.

Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ tới 13 giờ nên các nhà thường dâng mâm lễ vào lúc Chính Ngọ bởi khi đó Cửa Trời mở để cái nóng nhất lan xuống thế gian.

tet doan ngo cua nguoi viet - 6

tet doan ngo cua nguoi viet - 7

tet doan ngo cua nguoi viet - 8

Mâm lễ miền Bắc

Cùng một mâm lễ Đoan Ngọ nhưng mỗi vùng miền lại có dùng những đồ lễ khác nhau. Miền Bắc thường sắp lễ rượu nếp, bánh gio - một thứ bánh làm bằng gạo nếp được ngâm cùng nước gio lọc từ một số than tro của các loại cây có tính kháng sinh mạnh và nước vôi trong (cũng có tính sát trùng) thu được sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc. Miền Trung ngoài rượu nếp, hoa quả, bánh ú (bánh gio) thường có chè kê và thịt vịt. Miền Nam ngoài, rượu nếp hoa quả sẽ có bánh ú bá trạng và chè trôi nước. Nhiều tỉnh miền Tây ngày này cúng và ăn các món vịt như bánh xèo thịt vịt, vịt nấu chao, vịt quay, vịt luộc.

tet doan ngo cua nguoi viet - 9

Bánh ú tro

Nhiều địa phương như Nghệ An, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Bình ngoài lệ cúng vịt mùng Năm tháng Năm còn có tục “Tết bố vợ” rất thú vị. Ấy là ngày này, những chàng rể chọn đôi vịt béo mang sang biếu bố vợ. Không biết tục có từ bao giờ nhưng chỉ biết vẫn được duy trì cho đến hiện nay. Nhiều người cho rằng vịt tháng Năm sau mùa gặt thịt ngon, béo và không hôi, mặt khác ngày mùng Năm tháng Năm rất nóng, sau khi ăn quá nhiều các thức nóng như rượu nếp, mận, vải, dứa thì ăn vịt để cân bằng lại vì thịt vịt có tính mát, ăn vào sẽ giải nhiệt cho cơ thể, có khả năng bổ máu và tốt cho hệ tiêu hóa.

tet doan ngo cua nguoi viet - 10

Bánh bá trạng

Cũng có lý giải khác cho rằng chàng rể đã cưới cô gái “một con vịt giời” nên dịp này tỏ lòng biết ơn bố mẹ vợ trả lễ gấp đôi. Và có thể tục tặng vịt còn một ẩn ý sâu xa nữa là đôi vịt tượng trưng cho gia đình, cho sự chung thủy, hạnh phúc giản dị, tình nghĩa vợ chồng.

tet doan ngo cua nguoi viet - 11

Nhiều vùng ở miền Trung ăn thịt vịt vào ngày mùng Năm

Dù mỗi nơi lễ vật có khác, dù vật đổi sao dời, thời gian biến đổi nhưng tinh thần của Tết mùng Năm vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Đó là nếp xưa truyền lại, là một ngày toàn gia hoan hỉ sum vầy, tạm bỏ qua mọi quy tắc khiêng kem tận hưởng những thứ cây trái đang độ chín mọng và nấu cho nhau những miếng ngon lấy cớ “ăn để mà diệt sâu bọ”.

Đấy, cái Tết mùng Năm, Tết diệt sâu bọ của người Việt ta là như thế đó.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Vĩnh Quyên, Ảnh: Vĩnh Quyên, Xuân Hương