Phát triển du lịch tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 2 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn thiên nhiên, 2 khu bảo tồn loài, 8 ban quản lý rừng phòng hộ và 11 khu bảo tồn danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa. Đây là những lợi thế giúp đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh.
Vườn quốc gia (VQG) Bến En (nằm trên địa bàn huyện Như Thanh và Như Xuân) có tổng diện tích tự nhiên hơn 16.600ha và 30.000ha rừng vùng đệm, chiếm phần lớn là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú, được ví như Hạ Long trên cạn.
Để khai thác phát triển du lịch thu hút du khách đến tham quan, Ban Quản lý VQG Bến En đã xây dựng "Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En giai đoạn 2021 - 2030". Đẩy mạnh kết nối mở tour du lịch từ VQG Bến En với các điểm du lịch cộng đồng tại các xã phụ cận, trong đó ưu tiên kết nối tour đi Xuân Thái; giới thiệu, hướng dẫn khách đến với điểm Lò cao kháng chiến, vườn hoa Thủy Sơn (thị trấn Bến Sung), vườn bưởi Hải Tân, thôn Vĩnh Lợi (xã Hải Long), lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy (xã Xuân Phúc).
Song song đó, Ban Quản lý còn phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ cắm trại (cung cấp trọn gói các dịch vụ hoạt động như bến bãi, lều bạt, củi trại, võng dù), chèo thuyền Kayak, đi bộ ven hồ. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối, liên doanh, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà hàng, nhà cung cấp... để chủ động phục vụ, đáp ứng các dịch vụ có chất lượng nhất và giá cả phù hợp cho du khách. Theo thống kê, trong 10 tháng năm 2022, VQG Bến En đã đón 1.700 đoàn với 11.952 lượt khách.
Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông (nằm ở huyện Bá Thước và Quan Hóa) có khí hậu mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú với những thửa ruộng bậc thang đẹp đắm say lòng người. Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đã quan tâm phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch tại đây như du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch xanh, du lịch leo núi.
Hiện Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông đang xây dựng Đề án "Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và trồng dược liệu trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông giai đoạn 2022 - 2030". Cùng với đó, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống đường giao thông. Tạo mọi điều kiện để thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú phục vụ tốt nhất cho khách du lịch.
Theo thống kê, Khu BTTN Pù Luông hiện có 73 cơ sở lưu trú, với 104 nhà sàn, 152 bungalow, 231 buồng, phòng, 950 giường với công suất đón khách trên 1.200 lượt/ngày, đêm.
Tại đây còn có những cơ sở lưu trú cao cấp như Puluong Retreat, Eco Garden, Puluong Natura và đang triển khai nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, trong 10 tháng năm 2022, Khu BTTN Pù Luông đón được 70.146 lượt khách.
Bên cạnh hiệu quả mang lại, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về những khó khăn, bất cập nảy sinh, trong đó vấn đề lớn nhất đó là sự phát triển du lịch thiếu quy hoạch dẫn đến những hệ quả tiêu cực, như chưa giảm thiểu tác động đến môi trường, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách...
Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng (nhà nghỉ, đường sá và dịch vụ) còn đơn sơ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; chất lượng dịch vụ còn chưa chuyên nghiệp. Thêm vào đó, sự phát triển nhanh của hoạt động du lịch đã dẫn đến những tác động tiêu cực lên tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, như rác thải tác động lên cảnh quan, môi trường sinh thái; quá trình phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa trong phát triển du lịch dẫn tới những thay đổi trong tập quán, lối sống, bản sắc của người dân địa phương...
Trước những khó khăn, hạn chế như vậy, một số ý kiến của đại diện các ban quản lý, đơn vị kinh doanh dịch vụ tại các VQG, khu BTTN đều cho rằng, để thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa tại các VQG, khu BTTN cần quan tâm hơn nữa việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa cộng đồng tại đây; đẩy mạnh kết nối, hướng đến liên kết vùng; quan tâm thu hút các nhà đầu tư; gắn trách nhiệm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu BTTN, VQG với nghĩa vụ bảo vệ thiên nhiên điểm đến; giáo dục ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư; chú trọng công tác quy hoạch, phân khu điểm đến.
Không những vậy, các VQG, khu BTTN cũng cần tăng cường công tác quảng bá du lịch, áp dụng công nghệ xanh và giải pháp giảm thiểu tác động của hoạt động du lịch đến tài nguyên thiên nhiên...