'Nói không với chặt chém' để phát triển du lịch

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ngành du lịch đang phục hồi, tuy nhiên khách quốc tế đến với Việt Nam vẫn ít. Vấn đề là làm thế nào nâng cao ý thức cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp trong việc phục vụ để giữ chân và để du khách quay trở lại Việt Nam.

Những hạt sạn

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, trong 3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,69 triệu lượt. Con số này gấp 29,7 lần cùng kỳ năm 2022. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I ước đạt 161.000 tỷ đồng. Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương. Trong khi mục tiêu phấn đấu của năm 2023 là đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế.

'Nói không với chặt chém' để phát triển du lịch - 1

Du khách ngắm TPHCM bằng phương tiện xe buýt hiện đại.

Vậy, làm gì để thu hút và giữ chân du khách quốc tế?

Thật đáng lo ngại khi nạn chèo kéo, “chặt chém” vẫn tồn tại khiến không chỉ khách trong nước mà cả khách nước ngoài đều ngán ngẩm.

Mới đây, vụ việc tài xế taxi “chặt chém” khách du lịch nước ngoài 500.000 đồng cho quãng đường 3km xảy ra tại Hà Nội khiến dư luận không khỏi bức xúc.  Cụ thể, ngày 12/3, tại Khách sạn Apricot (Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm), hành khách người Mỹ nhờ nhân viên khách sạn gọi xe taxi để di chuyển đến phố ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Kết thúc cung đường chỉ khoảng 3km, tài xế đã lấy của người khách 500.000 đồng và không trả lại tiền thừa. Khi về khách sạn, hành khách đã phàn nàn với nhân viên khách sạn về số tiền tài xế taxi đã thu. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, lực lượng Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã vào cuộc xử lý vụ việc. Cuối cùng tài xế taxi đã trả lại tiền thừa và xin lỗi vị khách người Mỹ đồng thời chịu mức xử phạt hơn 12 triệu đồng. 

Cách đây không lâu, một tài xế ở Đà Nẵng tự ý thu thêm 350.000 đồng khiến du khách Hàn Quốc bức xúc phản ánh với cơ quan chức năng. Theo đó, ngày 3/2, tài xế T.A.V (38 tuổi) chở du khách Hàn Quốc đi từ sân bay Đà Nẵng đến TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) với số tiền 378.000 đồng. Tuy nhiên, tài xế V. sau đó yêu cầu du khách phải trả thêm 350.000 đồng phí đỗ ô tô trong sân bay. Bức xúc trước việc thu tiền này, ngày 16/2, khi quay lại sân bay Đà Nẵng để về nước, nữ du khách Hàn Quốc đã trình báo với nhân viên Công ty Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT).

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc “chặt chém” du khách gây ấn tượng xấu cho khách du lịch. Mặc dù những hành vi này đã bị xử lý nghiêm nhưng đã tạo cho khách quốc tế những trải nghiệm không được như mong đợi khi đến với Việt Nam.

Có thể thấy, việc trục lợi từ hành vi “chặt chém” nếu không ngăn chặn dứt điểm sẽ tạo tiền lệ xấu.

GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, “chặt chém” du khách là hành vi thể hiện kiểu làm ăn chụp giật, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, tức thời, mà không thấy hậu quả lâu dài là sẽ mất khách, mất sức hút, mất thương hiệu của điểm du lịch cũng như cộng đồng làm du lịch.

Cùng đó, trong thời buổi công nghệ số như hiện nay, những thông tin, hình ảnh về hành vi phản cảm, bắt chẹt du khách, ăn cắp, đeo bám du khách... cũng rất dễ lan truyền trên các trang mạng đưa tới một hình ảnh không đẹp về văn hóa và con người Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

'Nói không với chặt chém' để phát triển du lịch - 2

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quang Vinh.

Làm sạch môi trường du lịch để giữ chân du khách

GS Từ Thị Loan cho rằng, để ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, bắt chẹt du khách cần xử lý nghiêm bằng pháp luật với những chế tài đủ sức răn đe. Vì thế, trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của pháp luật. Cùng với đó, nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các mạng xã hội để phê phán, lên án, điều chỉnh những hành vi này.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn là thị trường du lịch hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Song nếu dịch vụ không đủ tốt, điểm đến không tạo được sự thân thiện thì không thể có sức hút để du khách quay lại. Vì vậy, vấn đề đào tạo, đặc biệt giao tiếp về ngoại ngữ, giao tiếp về du lịch với khách nước ngoài cũng rất quan trọng để tạo sự thân thiện và tình cảm với du khách. 

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cũng cho rằng, hành vi “chặt chém” đối với khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài là vấn đề tồn đọng của du lịch Việt Nam. Cốt lõi vấn đề ở đây là làm thế nào để nâng cao ý thức cộng đồng trong việc phục vụ du khách, nói không với “chặt chém”. Khi đó chúng ta mới khai thác và phát triển du lịch bền vững. Muốn thế thì địa phương phải vào cuộc kiểm tra, kiên quyết xử lý ngay hiện tượng “chặt chém”.

Theo GS.TS Từ Thị Loan - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nếu việc trục lợi từ hành vi “chặt chém” không ngăn chặn dứt điểm sẽ tạo tiền lệ xấu. “Chặt chém” du khách là kiểu làm ăn chụp giật, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, tức thời, mà không thấy hậu quả lâu dài là sẽ mất khách, mất sức hút, mất thương hiệu của điểm du lịch cũng như cộng đồng làm du lịch. Để ngăn chặn tình trạng “chặt chém”, bắt chẹt du khách cần xử lý nghiêm bằng pháp luật với những chế tài đủ sức răn đe. Cùng với đó là nâng cao nhận thức, giáo dục về đạo đức, văn hóa ứng xử, tận dụng thế mạnh của dư luận xã hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là các mạng xã hội để phê phán, lên án, điều chỉnh những hành vi vi phạm này.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phạm Sỹ (Báo Đại Đoàn Kết)

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!