Người kể chuyện về Bác khiến du khách rơi nước mắt

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Những câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ mang đầy cảm xúc, được chị Phan Quế Huỳnh kể lại bằng cả trái tim, khiến nhiều du khách rơi nước mắt, vì họ cảm nhận một người anh hùng dân tộc quá vĩ đại.

Người kể chuyện về Bác khiến du khách rơi nước mắt - 1

Những câu chuyện mà chị Phan Quế Huỳnh thuyết minh cho du khách luôn mang nhiều cảm xúc.

Đã 14 năm làm công việc thuyết minh cho du khách về Bác Hồ, nhưng cứ mỗi lần họ xúc động rơi nước mắt thì chị Phan Quế Huỳnh, hướng dẫn viên của Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM cũng không kìm được xúc động mà đôi mắt rưng rưng. Cả người nói và người nghe đều khóc, vì có cùng cảm xúc dâng trào với những câu chuyện cảm động qua lời kể từ trái tim của người thuyết minh.

Muốn truyền cảm xúc cho du khách, cảm xúc đó phải trong tâm mình trước

Đó là điều mà chị Phan Quế Huỳnh luôn ghi nhớ để tự học hỏi, nâng cao trình độ, đặc biệt là nghiên cứu nhiều về Bác Hồ. Chị cho biết: "Tôi học chuyên ngành bảo tàng, nhưng từ khi vào làm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM mới nhận ra kiến thức học ở trường còn quá ít ỏi. Điều may mắn là ở đây tôi tiếp cận được rất nhiều tài liệu chính thống, thậm chí có rất nhiều câu chuyện xúc động về Bác mà nhiều người chưa biết".

Ở Bảo tàng có rất nhiều sách và tài liệu, chỉ thật sự có cảm xúc thì mới nhớ được hết, chị Huỳnh nói: "Khi đọc sách, tài liệu nói về Bác, tôi rất thích, cảm nhận được sâu sắc từng ý nghĩa, từng ngôn từ trong đó, nhờ vậy mà nhớ rất nhanh và lâu, qua quá trình thuyết minh cho du khách lại thêm một lần học nữa, từ đó như đã đi vào máu thịt mình rồi, du khách hỏi, thắc mắc là có thể trả lời được ngay, cùng đó là những câu chuyện sinh động về Bác".

Người kể chuyện về Bác khiến du khách rơi nước mắt - 2

Nghe các câu chuyện kể của chị Huỳnh, nhiều du khách rất thích và đặt lại nhiều câu hỏi nhờ chị giải đáp.

Có cơ hội được học tập, nghiên cứu sâu về Bác khiến chị Huỳnh cảm thấy rất phấn khởi, vui mừng, chị đọc rất nhiều tài liệu, tìm ra nhiều câu chuyện để thuyết minh cho từng đối tượng du khách khác nhau. Chị nói: "Với các em học sinh thì mình kể những câu chuyện về Bác Hồ với thiếu nhi, về cuộc đời Bác nhưng không đi quá chi tiết khiến các em khó hiểu. Đối với các du khách miền Bắc thì họ thích nghe các câu chuyện chuyên sâu, ít được phổ biến ....". Với mỗi đối tượng du khách, chị mang đến cho họ những câu chuyện phù hợp, đặc biệt là có nhiều chi tiết mà du khách chưa từng biết, chưa từng nghe, chị dẫn họ đi vào những câu chuyện thật, việc thật về Bác Hồ. 

Những câu chuyện khiến du khách có nhiều cảm xúc nhất là khi chị kể về quê hương, gia đình của Bác, tình cảm của Bác với những người thân; tình cảm đối với đồng bào miền Nam ruột thịt ...

Chị Huỳnh kể: "Nhiều lúc đang thuyết minh, nhìn xuống thấy các du khách mắt đỏ hoe, rơi nước mắt, mình cũng không khống chế được cảm xúc nên cũng khóc theo, sau này rút kinh nghiệm, tôi cố gắng kìm lại dòng nước mắt để tiếp tục thuyết minh, những lúc đó tôi lại càng say sưa vừa kể, vừa phân tích, những câu chuyện về Bác cứ xuất hiện tuôn trào trong đầu, như mình đã ở trong những sự kiện đó từ khi nào cũng không biết".

Có những câu chuyện mà chị Huỳnh không hề học thuộc lòng trong sách, mà từ những ghi nhớ, hiểu biết sâu của mình về Bác mà hình thành nên chuỗi sự kiện sinh động, khiến du khách cảm thấy bị cuốn hút, dẫn dắt từ chuyện này sang chuyện khác, dần dần chuyển từ nghe sang suy nghĩ và từ đó xúc động khi cảm nhận được về một con người vĩ đại.

Chị Huỳnh nhớ lại: "Có lần đang thuyết minh cho một đoàn là các cô, chú cựu chiến binh từ ngoài Bắc vào, một bác lớn tuổi bỗng đến nắm tay tôi thật chặt. Định nói với tôi điều gì đó nhưng bác ấy xúc động quá không nói được, chỉ nhìn tôi mà rơi nước mắt, lúc đó tôi cũng đứng yên, chỉ biết nhìn bác ấy mà rưng rưng, đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời làm thuyết minh của tôi".

Làm gì để có thể thuyết minh về Bác khiến du khách xúc động đến vậy? Câu trả lời của chị Huỳnh: "Không có gì quá khó, chỉ cần mình cảm nhận như thế nào thì thuyết minh lại cho du khách như thế. Tôi đã đọc rất nhiều sách viết về Bác và tôi thật sự khâm phục, yêu mến một con người vĩ đại, và đó là điều giúp tôi truyền cảm xúc đến cho du khách".

Ngoài ra, chị Phan Quế Huỳnh nói: "Để thu hút du khách, không thể chỉ có đưa họ xem hình ảnh rồi thuyết minh, tôi và các đồng nghiệp còn nghĩ ra nhiều cách khác, như làm chuyên đề để đưa du khách vào một câu chuyện cụ thể nào đó, hoặc tổ chức trưng bày, thuyết minh ở các trường học, cơ quan, công ty...".

Gần đây nhất, chị và đồng nghiệp tổ chức chuyên đề “Nhật ký trong tù – Bảo vật Quốc gia” với gần 180 tư liệu, hình ảnh, hiện vật trưng bày. Chi cho biết: "Trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã để lại một kho tàng thơ văn vô cùng phong phú, bao gồm các tác phẩm chính luận, báo chí, văn chương, thi ca… Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà thơ lớn, nhưng trong Nhật ký trong tù, Người lại viết rất khiêm tốn: Ngâm thơ ta vốn không ham; Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây; Ngày dài ngâm ngợi cho khuây; Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”.

Tại chuyên đề này, chị cũng giới thiệu cho du khách nhiều điều mà họ chưa biết, như Nhật ký trong tù không chỉ ghi lại những cảnh sinh hoạt trong tù, mà khách quan còn có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù vô nhân đạo của chính quyền Tưởng Giới Thạch, nên về thời gian sáng tác, ở đầu cuốn sổ tác giả cố tình viết chệch đi 10 năm: 29/8/1932 – 10/9/1933; nhưng cuối cuốn sổ, trên chữ “hoàn” (hết), tác giả đã ghi rõ: 29/8/1942 – 10/9/1943.

Trưng bày chuyên đề giúp công chúng có thêm cơ hội để thưởng lãm, tìm hiểu một cách có hệ thống, toàn diện vẻ đẹp tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm Nhật ký trong tù, từng câu chữ ẩn chứa sức sống mãnh liệt của Người trong tù đày gian khổ, hy sinh, thấm sâu và lan tỏa những giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn cao cả, góp phần đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, chị Huỳnh giải thích thêm.

Hạnh phúc khi được làm người thuyết minh về Bác

Chị Phan Quế Huỳnh năm nay 38 tuổi, nhưng đã có 14 năm làm công việc thuyết minh về Bác, chị nói: "Tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi ở Bến Nhà Rồng, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước và từ những kỷ vật thân thuộc nơi đây. Cảm giác rất hạnh phúc và tự hào khi được nói bằng cả trái tim của mình cho các du khách hiểu về cuộc đời cao cả của những thành viên trong gia đình Bác, về nơi Bác bắt đầu hành trình gian khổ để tìm đường giải phóng dân tộc, về nhân cách cao thượng, ý chí giải phóng dân tộc và quyết tâm cứu nước của Bác".

Người kể chuyện về Bác khiến du khách rơi nước mắt - 3

Qua đại dịch, nhiều đoàn du khách tiếp tục đến tham quan và nghe chị thuyết minh về Bác Hồ.

Với nhiều đoàn du khách, những câu chuyện được kể cũng có sự lặp lại, nhưng như chị Huỳnh nói: "Cảm xúc thì vẫn rất khác, hạnh phúc đến khó tả và cảm thấy cuộc sống của mình thật ý nghĩa. Mỗi ngày tôi đều được đón nhận những niềm vui: sự xúc động nghẹn ngào hay những tình cảm trân quý của khách tham quan. Về thăm quê hương của Bác ai cũng dành cho Bác lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc".

Sau khi nghe chị Huỳnh kể chuyện, thuyết minh, mỗi du khách có một sắc thái, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có cụ già lặng lẽ quay mặt cố dấu những dòng nước mắt xúc động, hay những bác cựu chiến binh, những người trải qua bao mưa bom bão đạn, nhẹ nhàng, mân mê mãi những kỷ vật. Nhiều du khách đã không dấu nổi xúc động, òa khóc ... 

Có những du khách lớn tuổi, đã nghiên cứu rất nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác nhưng chưa một lần đến Bến Nhà Rồng, chị Huỳnh kể: "Lần đầu tiên được chứng kiến những kỷ vật đơn sơ, giản dị, gắn bó với những năm tháng  hoạt động của Bác, họ xúc động vô cùng và mong muốn chúng tôi sẽ khai thác thêm nhiều nội dung nữa để các du khách được hiểu nhiều hơn nữa về Bác".

Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM, nơi chị Huỳnh làm việc cũng thường đón nhiều đoàn khách nước ngoài. Họ trầm trồ, ngạc nhiên và cảm thấy thú vị khi được tận mắt nhìn thấy những kỷ vật đơn sơ của Bác, những nét văn hóa lạ lẫm. Dù họ không hiểu lắm khi nghe thuyết minh, nhưng vẫn nhận ra tình cảm của người nói trong những câu chuyện được kể.

Trong một lần đón đoàn khách Nhật Bản, chị Huỳnh nhận thấy được sự tôn trọng lắng nghe của họ, chị nói: "Điều đó mang đến cho tôi một cảm xúc rất lạ, cảm xúc đến từ ngôn ngữ biểu cảm". Một lát sau, người hướng dẫn viên, kiêm phiên dịch của đoàn đến nói với chị: "Du khách nói họ rất thích nghe giọng nói của chị, tuy họ không hiểu lắm, nhưng họ cảm nhận được sự chân thành trong đôi mắt của chị đấy”.

Người kể chuyện về Bác khiến du khách rơi nước mắt - 4

Đoàn du khách Lào đến tham quan, sau khi nghe chị thuyết minh về Bác đã đặt ra nhiều câu hỏi về nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Chị Phan Quế Huỳnh được Ban Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP.HCM đánh giá cao vì tinh thần ham học hỏi, tìm tòi nghiên cứu, đặc biệt là về Bác Hồ, chị là hướng dẫn viên lâu năm và có nhiều sáng tạo trong công việc, nhiều du khách rất yêu mến chất giọng truyền cảm hứng của chị, đặc biệt hơn là những câu chuyện về Bác, không phải thuộc lòng trong sách vở mà từ trái tim, từ sự cảm phục, yêu mến Bác mà chị kể ra như người thân yêu của mình.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Như Ngọc

CLIP HOT

'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng
'Chuẩn nghèo' của bà nội gây 'bão' mạng

Cư dân mạng đang truyền tay nhau đoạn clip ghi lại cảnh người cháu đưa tiền bà nội, nhưng bà nhất quyết không nhận vì cho rằng cháu "còn nghèo", mà theo định nghĩa của bà: "còn nghèo" là ... chưa vợ!