Mùa trâm vùng Bảy Núi An Giang
Là trái cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi An Giang, cây trâm ra hoa khoảng giữa tháng 3 và cho thu hoạch trái dài đến tận tháng 6 (âm lịch). Mỗi ngày hái trâm bán, nếu chịu khó mỗi gia đình cũng kiếm được gần 1 triệu đồng.
Huyện Tri Tôn có khoảng 2.000 gốc trâm, tập trung nhiều ở xã Núi Tô và thị trấn Cô Tô.
Đa số cây trâm đều mọc trên bờ ruộng. Đây là loại cây thân gỗ, cao, khỏe, cành lá sum suê. Cây trâm sinh trưởng và phát triển tự nhiên khoảng 7 năm tuổi bắt đầu cho trái.
Cây trâm sinh trưởng phụ thuộc vào tự nhiên nên được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Bảy Núi An Giang. Hằng năm, cứ đến mùa trâm, người dân tập trung hái trái từ sáng đến chiều. Tuy không tốn công chăm sóc nhưng khâu hái trái cũng khá vất vả. Người hái phải trèo lên cao chót vót hái từng trái, từng chùm, người giỏi cũng chỉ hái khoảng 20 - 30 kg/ngày.
Ở vùng Núi Tô (huyện Tri Tôn, An Giang), hầu như nhà nào có trâm, có nhà sở hữu cả chục cây, đa số là cây tự mọc men theo triền núi hoặc bờ ruộng. Cây trâm không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người Khmer ở xã Núi Tô và thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn) mà còn tỏa bóng mát làm nơi trú nắng, nghỉ ngơi cho những người nông dân.
Vào mùa trâm chín, dọc theo tỉnh lộ 943, từ xã Núi Tô đi thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn) có hơn chục người bày bán những rổ trâm chín mọng. Theo kinh nghiệm dân gian, trái trâm phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu như nắng quá thì trái nhỏ, còn mưa nhiều thì trái to. Đặc biệt, lá trâm càng xanh thì trái trâm chín càng dày cơm và ngọt.