TP.HCM tăng cường kiểm soát thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng
Trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn, TP.HCM đang triển khai hàng loạt biện pháp mạnh nhằm siết chặt quản lý từ chợ truyền thống đến thương mại điện tử (TMĐT).
Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng
Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội ngày 15/5, ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM – cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc với quy mô lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn đến các sản phẩm đường, bia, khô bò… Các hành vi phổ biến gồm: sử dụng nguyên liệu quá hạn, vi phạm nhãn mác, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, kinh doanh hàng không rõ xuất xứ.
Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội ngày 15/5. Ảnh: Hà Sang
Một số vụ điển hình được xử lý gần đây: phát hiện 50 tấn nội tạng đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng; thu giữ gần 7 tấn đường nhập lậu ở Củ Chi; tịch thu 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12; xử phạt 100 triệu đồng đối với hành vi bán hơn 1 tấn khô bò trôi nổi qua mạng xã hội.
Ngày 14/5, trong đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục hộp yến sào không rõ nguồn gốc tại chợ Bình Tây (trị giá gần 60 triệu đồng) và hơn 100 gói bột thực phẩm không rõ xuất xứ đang được rao bán online tại Quận 8.
Hành động quyết liệt, đồng bộ từ nhiều hướng
Trước diễn biến phức tạp, Sở Công Thương TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất và kho chứa hàng hóa. Các hoạt động hậu kiểm, tuyên truyền và ký cam kết với doanh nghiệp, tiểu thương không kinh doanh hàng giả, hàng lậu cũng được triển khai song song.
Với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, Sở Công Thương còn tăng cường phối hợp liên ngành với Công an, ngành Y tế và các đơn vị chuyên trách để nâng cao hiệu quả phòng chống vi phạm.
“Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ người dân là một kênh thông tin rất quan trọng, góp phần giúp lực lượng chức năng kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm”, đại diện Sở Công Thương cho biết.
TP.HCM là đầu mối tiêu thụ thực phẩm lớn, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung từ các tỉnh. Do đó, việc kiểm soát từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông được chú trọng. Trong đó, mô hình liên kết vùng với Đồng Nai và các địa phương khác giúp giám sát chất lượng hàng hóa ngay từ nguồn.
Đáng chú ý, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” ra đời từ tháng 3/2024 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Sản phẩm đạt chuẩn sẽ được dán nhãn “Tick xanh”, tích hợp mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất toàn bộ quá trình sản xuất.
Ngoài ra, các trạm kiểm tra tại cửa ngõ TP cũng được tăng cường kiểm soát giấy tờ nguồn gốc, kiểm dịch, điều kiện bảo quản và vận chuyển thực phẩm.
Thắt chặt xử phạt, kiến nghị hoàn thiện luật
Theo Sở Công Thương, các cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, trường hợp nghiêm trọng có thể chuyển sang cơ quan điều tra để xem xét trách nhiệm hình sự.
Để nâng cao tính răn đe, TP.HCM đề xuất một số giải pháp cứng rắn như: Công khai danh sách cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông; Tăng nặng mức phạt đối với hành vi tái phạm, có hệ thống; Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép nếu cố tình vi phạm; Truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả cho cộng đồng; Xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm dùng chung cho các ngành: Công Thương, Y tế, Nông nghiệp, Công an và Thuế.
Quận 4 đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn
Thị trường thương mại điện tử ngày càng phát triển nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Từ năm 2024 đến tháng 5/2025, lực lượng Quản lý thị trường TP đã xử lý 393 vụ vi phạm liên quan TMĐT, tạm giữ gần 129.000 sản phẩm trị giá trên 8,8 tỷ đồng, xử phạt hơn 8 tỷ đồng.
Các mặt hàng vi phạm gồm: vàng trang sức, mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm… Những lỗi phổ biến là không rõ nguồn gốc, không khai báo với cơ quan chức năng, website chưa đăng ký, quảng cáo sai sự thật.
Công tác kiểm tra TMĐT còn gặp nhiều khó khăn do tính ẩn danh của người bán, thiếu thông tin pháp lý, địa chỉ không rõ ràng, mức xử phạt chưa đủ răn đe, quy định pháp luật còn bất cập.
Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng vẫn còn tâm lý ham rẻ, chưa chú trọng truy xuất nguồn gốc, dễ dàng bị lừa bởi quảng cáo hấp dẫn.
Đề xuất hoàn thiện chính sách Sở Công Thương TP.HCM kiến nghị: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là quy định truy xuất nguồn gốc; Phân định rõ trách nhiệm quản lý giữa các cấp, ngành; Tạo cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào thực phẩm sạch; Ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất, cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn thực phẩm. |

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chính thức phân luồng hoạt động bay nội địa, với Vietnam Airlines “chuyển nhà“ hoàn...