Vụ homestay trên núi Cấm: Khách du lịch và chủ homestay lên tiếng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trước đó, UBND thị xã Tịnh Biên có văn bản xin chủ trương UBND tỉnh An Giang chấp thuận cho tháo dỡ các homestay xây dựng không phép trên núi Cấm.

Ngày 4-8, UBND thị xã Tịnh Biên có văn bản xin chủ trương UBND tỉnh chấp thuận cho tiến hành xử lý buộc tháo dỡ theo quy định các trường hợp gọi là homestay xây dựng không phép đang tồn tại trên núi Cấm, nhằm phòng ngừa rủi ro gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, nếu có xảy ra sạt lở đất, đá.

Đến ngày 11-9, UBND xã An Hảo (thị xã Tịnh Biên) có văn bản đề nghị 10 homestay trên núi Cấm (xã An Hảo) tạm dừng hoạt động trong thời gian chờ ý kiến của cơ quan chức năng.

Vụ homestay trên núi Cấm: Khách du lịch và chủ homestay lên tiếng - 1

Núi Cấm có cảnh sắc và khí hậu đẹp như Đà Lạt.

Trước đề nghị này, các chủ homestay trên núi Cấm khá bất ngờ, còn du khách ngạc nhiên và lo ngại việc có thể mất đi một loại hình du lịch mới đầy thú vị tại An Giang.

Ông Nguyễn Minh Mẫn - giảng viên của một trường đại học tại TP HCM, đồng thời là khách quen của các homestay trên núi Cấm - cho rằng địa phương cần rà soát lại các hộ kinh doanh loại hình du lịch này. Nếu họ có đủ điều kiện và đã kinh doanh rồi thì hướng dẫn họ theo hướng bảo vệ rừng phòng hộ, kết hợp kinh doanh homestay với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Còn những homestay chưa đủ điều kiện thì có thể hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định.

"Tôi thấy bao đời nay người dân vẫn sống trên núi Cấm và homestay cũng chỉ là một hình thức lưu trú, hoàn toàn có thể gia cố để khách ở an toàn. Tôi được biết nhiều homestay đã có giấy phép kinh doanh lưu trú đầy đủ, hợp pháp và tôi cũng đã đưa rất nhiều khách lên tận hưởng không gian tại đây. Theo tôi, việc dẹp homestay đủ điều kiện hoạt động trên núi Cấm là điều hết sức vô lý. Bởi nếu ngay từ đầu không cho phép thì tại sao lại cho họ hoạt động" – ông Mẫn suy luận.

Vụ homestay trên núi Cấm: Khách du lịch và chủ homestay lên tiếng - 2

Không gian ấm cúng, lãng mạn tại một homestay trên núi Cấm.

Còn ông Phan Thanh Bửu Hòa (ngụ TP HCM) cho biết núi Cấm là vùng đất đặc biệt, khí hậu trong lành, cảnh quan đẹp, mây núi ngút ngàn, nơi lý tưởng để nghỉ dưỡng không thua gì Đà Lạt. Từ khi núi Cấm có homestay đã thu hút ông đến đây thường xuyên.

"Theo tôi, các homestay cần được kiểm tra lại chất lượng dịch vụ và mức độ an toàn cho du khách, nhưng đừng quá cứng nhắc việc dẹp bỏ loại hình du lịch này mà nên có những hướng dẫn để giúp các homestay thực hiện đúng, góp phần vào cái chung là phát triển du lịch An Giang" – ông Bửu Hoà nói.

Trong khi đó, du khách Nguyễn Thành Kiên (ngụ tỉnh Kiên Giang) cho hay nếu An Giang cho dừng hoạt động homestay trên núi Cấm thì anh sẽ không lựa chọn đến núi Cấm du lịch nữa. Bởi núi Cấm chủ yếu có tài nguyên du lịch tâm linh phù hợp cho khách hành hương, không phù hợp một không gian trải nghiệm, tận hưởng theo xu hướng của người trẻ.

"Bởi thế, thay vì cấm thì An Giang nên quy hoạch homestay phù hợp để thu hút du khách, nhất là du khách đến vì cảnh đẹp thì sẽ tác động tích cực về mặt truyền thông quảng bá cho núi Cấm" – anh Kiên đề xuất.

Vụ homestay trên núi Cấm: Khách du lịch và chủ homestay lên tiếng - 3

Những góc hình tuyệt đẹp của du khách.

Thời gian gần đây, những người trẻ tỏ ra khá thích thú khi thường xuyên đến các homestay trên núi Cấm nghỉ dưỡng. Chị Bùi Mộng Thu (ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) là một trong số rất đông du khách như thế.

"Tôi thấy mô hình homestay trên núi Cấm rất phù hợp, cảnh đẹp, yên tĩnh và bày trí đẹp, an toàn nữa nên sắp tới tôi vẫn là khách quen của homestay trên núi Cấm. Nhưng nếu homestay dừng hoạt động chắc tôi sẽ rất hiếm khi lên núi Cấm nữa. Có thể, tôi lên cúng bái rồi về chứ không còn lý do ở lại trên núi" – chị Thu chia sẻ.

Vụ homestay trên núi Cấm: Khách du lịch và chủ homestay lên tiếng - 4

Du khách thư giãn buổi sáng trên "nóc nhà miền Tây"

Những ngày qua, các chủ homestay trên núi Cấm đều khá hoang mang, vì chưa biết đến khi nào được phép hoạt động trở lại hay "đáng sợ" hơn là có thể bị dẹp bỏ.

"Nhà tôi có 4 đời ở trên núi Cấm và homestay là do khách đặt chỗ của tôi. Tôi có giấy phép kinh doanh nhà trọ và ăn uống. Tôi bày trí nơi kinh doanh của mình đẹp để du khách nghỉ ngơi thoải mái, từ đó du khách gọi chỗ tôi là homestay. Việc địa phương dừng hoạt động quán là điều tôi rất bất ngờ, nhưng hiện nay tôi vẫn chấp hành. Tôi mong lãnh đạo tỉnh quan tâm và tạo điều kiện để chúng tôi hoạt động, cùng phát triển du lịch trên núi Cấm nói riêng và An Giang nói chung" - bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền, chủ homestay Mai Tùng, nói.

Liên quan việc homestay trên núi Cấm, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang có ý kiến chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh, các đơn vị có liên quan khẩn trương làm rõ những nội dung mà dư luận phản ánh và gửi báo cáo, tham mưu đề xuất về UBND tỉnh trước ngày 25-9.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

VĨNH KỲ (Báo Người Lao Động)